Thị trường

Tàu cá nằm bờ, doanh nghiệp 'khát' nguyên liệu hải sản

Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, giúp bà con khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển.

Tàu cá nằm bờ, doanh nghiệp 'khát' nguyên liệu hải sản

Ngư dân không ra khơi đánh bắt khiến các nhà máy chế biến thủy hải sản thiếu nguyên liệu. Ảnh: QH

Chi phí nhiên liệu xăng dầu tăng cao, nguồn hải sản ngày càng khan hiếm buộc hàng chục ngàn tàu cá phải nằm bờ. Tình trạng này không chỉ khiến ngư dân thất thu, đời sống gặp nhiều khó khăn mà các công ty chế biến thủy hải sản cũng đứng ngồi không yên do không có nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Nhà máy khát nguyên liệu

Nhiều công ty, cơ sở sản xuất nước mắm đang “ngồi chơi, xơi nước” vì không có nguyên liệu để chế biến. Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết đáng lẽ thời điểm này các đơn vị sản xuất nước mắm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu vì đang vào mùa khai thác hải sản.

Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt hải sản về cảng nhỏ giọt khiến hàng loạt cơ sở sản xuất nước mắm thiếu nguyên liệu, thậm chí có đơn vị thiếu 100%.

“Điều này cũng dễ hiểu vì hiện nay nguồn hải sản gần bờ giảm nhiều, buộc ngư dân phải đánh bắt xa bờ mới có. Nhưng khi ngư dân đi đánh bắt xa bờ thì chi phí nguyên vật liệu, xăng dầu tăng lên gấp nhiều lần, cộng với mức giá xăng dầu cao như hiện nay thì tàu đi biển về chỉ có thua lỗ nên phải nằm bờ” - ông Hiến giải thích.

Không chỉ thiếu nguyên liệu, các đơn vị sản xuất nước mắm còn đau đầu với chi phí đầu vào tăng cao. Chẳng hạn, giá nguyên liệu cá tăng 40%; giá nhân công, nguyên vật liệu khác… cũng leo thang. Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm nước mắm không tăng nên các cơ sở sản xuất nước mắm chỉ còn cách hoạt động cầm chừng. Thậm chí một số cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lo tới đây phải dừng sản xuất.

Trung bình mỗi năm khai thác thủy sản đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia trên biển và gần 4 triệu lao động ngành dịch vụ thủy sản ven bờ. Hiện cả nước có hơn 91.700 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) cho biết số tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40%-55% vì giá xăng dầu tăng quá cao.

Bình luận về thực tế này, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thương mại Thuận Phước, cho biết chi phí nhiên liệu thường chiếm trên dưới 50% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo, kéo theo chi phí đầu vào tăng 40%-45%. Trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể. Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào.

Việc hàng chục ngàn tàu cá nằm bờ tác động đến nhiều mặt. Thứ nhất, cuộc sống gia đình ngư dân khó khăn, không có thu nhập. Thứ hai, chuỗi cung ứng mặt hàng hải sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng. Hệ quả là các công ty sản xuất chế biến thủy sản từ khai thác, đánh bắt bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe lo lắng hiện nguồn cung nguyên liệu chế biến xuất khẩu từ nuôi trồng chiếm 70%, còn lại 30% là nguyên liệu đánh bắt và nhập khẩu. Hải sản cũng đóng vai trò rất quan trọng không chỉ nguyên liệu cho xuất khẩu mà còn cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện ngư dân các tỉnh không dám ra khơi vì lỗ dẫn đến nguyên liệu ngày càng khó khăn.

Hỗ trợ ngư dân ra khơi

Trước tình hình trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết để hỗ trợ ngư dân, cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kiến nghị Chính phủ có chính sách an sinh hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu tăng cao. Cụ thể là hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động, thời gian hỗ trợ là sáu tháng theo mức lương tối thiểu vùng.

Về lâu dài, Thứ trưởng Tiến cho rằng cần tăng cường nuôi trồng thủy sản trên biển, trong vùng bờ để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực nhằm bù đắp cho sản lượng khai thác giảm. Đây cũng là giải pháp để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và chế biến sâu, nhằm đạt mục tiêu về xuất khẩu thủy sản. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác…

Đồng tình với giải pháp của bộ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ ngư dân tiếp tục ra khơi. Chẳng hạn hỗ trợ về chi phí xăng dầu; xem xét khoanh nợ, giãn nợ vay cho các chủ tàu cá giúp họ vượt qua khó khăn. Đồng thời hỗ trợ các công ty chế biến xuất khẩu thực hiện các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực khai thác thủy sản được nhanh chóng, thuận lợi…

VASEP cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách, quy định cụ thể về đánh bắt hải sản nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Bởi đối với nguyên liệu từ khai thác, do phần lớn tàu thuyền ở Việt Nam có quy mô nhỏ và thô sơ, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị đánh bắt xa bờ dẫn đến năng suất đánh bắt còn thấp. Trong khi đó ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp, chỉ có khoảng 30% tàu thuyền đánh bắt có hiệu quả, còn lại là đánh bắt cầm chừng hoặc nằm bờ.

Kiến nghị lấy ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dân

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.

Cụ thể, so với cuối năm ngoái, bình quân mỗi lít xăng dầu các loại đã tăng 26,73%-67,96%. Giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hằng ngày.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022, giúp ngư dân khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay.

 

Tin mới lên