Bất động sản

Tàu Hà Nội - Quảng Ninh lỗ tiền tỷ vẫn chạy để 'đường ray không hỏng'

Dù vắng khách, ngành đường sắt vẫn duy trì tàu Yên Viên - Hạ Long để đường ray không xuống cấp và phục vụ khách hàng lâu năm.

Tàu Hà Nội - Quảng Ninh lỗ tiền tỷ vẫn chạy để 'đường ray không hỏng'

Khoang hành khách của chuyến tàu Yên Viên - Hạ Long thường xuyên trong tình trạng vắng vẻ. Ảnh: Bá Đô

Trả lời câu hỏi vì sao đoàn tàu chạy tuyến Yên Viên - Hạ Long vắng khách nhiều năm qua song ngành đường sắt vẫn duy trì, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty vận tải đường sắt Hà Nội nói, "dù mỗi năm lỗ khoảng một tỷ đồng, nhưng việc duy trì là cần thiết để phục vụ bà con tiểu thương đã nhiều năm gắn bó với chuyến tàu này".

Bà Hà cho biết, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội đã hoàn tất thủ tục pháp lý đề xuất Chính phủ chuyển đoàn tàu trên thành "tàu An Sinh" để nhận được sự hỗ trợ tốt hơn và duy trì hoạt động lâu dài.

Trước đó năm 2018, do tàu vắng khách, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã dừng khai thác tuyến Yên Viên - Hạ Long trong 5 tháng, tuy nhiên, người dân và các địa phương có tàu chạy qua đã gửi đơn kiến nghị tiếp tục chạy tàu để phục vụ học sinh, sinh viên, quân nhân và tiểu thương có nhu cầu đi lại trên trục giao thông từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Đến tháng 9/2018, đoàn tàu vận hành trở lại.

Một lý do khác được đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đưa ra là việc chạy tàu dù vắng khách, nhưng sẽ giúp hệ thống đường ray không bị xuống cấp và hư hỏng.

"Ở Nhật hạ tầng tốt hơn chúng ta nhiều nhưng họ vẫn chạy tuyến tàu chỉ phục vụ một học sinh. Việc duy trì chuyến tàu Yên Viên - Hạ Long mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi", đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam nói.

Một số tiểu thương đi trên chuyến tàu Yên Viên - Hạ Long ngày 18/7. Ảnh: Bá Đô

Để rút ngắn thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến Quảng Ninh, năm 2005, Bộ Giao thông Vận tải khởi công tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) tốc độ 120 km/h để thay thế cho tuyến đường sắt cũ lâu nay. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, năm 2011, dự án đang thi công dở dang đã phải dừng lại và chưa hẹn ngày về đích.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Bộ này sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc và đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện dự án.

Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên - Kép - Hạ Long mà đoàn tàu đang chạy hàng ngày và tuyến Yên Viên - Hạ Long đang thi công. Đồ họa: Tiến Thành.

Khoảng cách giữa hai ga Yên Viên – Hạ Long là 164 km với tần suất một đoàn tàu mỗi ngày. Tàu dừng đón, trả khách tại các ga: Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, Yên Cư, Hạ Long; xuất phát tại ga Yên Viên lúc 4h55, đến ga Hạ Long lúc 11h41. Giá vé từ 20.000 đến 80.000 đồng tùy cung chặng.

Trong nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày đoàn tàu đi từ Yên Viên đến Hạ Long chỉ có doanh thu khoảng 4 triệu đồng do vắng khách, nhiều hôm tàu xuất phát từ Hà Nội với chỉ một hành khách trên khoang. Lý giải việc này, trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh nói, "tàu xuất phát từ sáng sớm, lại nằm xa trung tâm Hà Nội, đoàn tàu thì cũ kỹ, không có hệ thống điều hòa và thời gian chạy quá dài (tốc độ 25 km/h, chạy toàn tuyến mất 8 tiếng) nên ít người lựa chọn".

Tin mới lên