Tài chính quốc tế

Tesla bị JPMorgan kiện vì vi phạm chứng quyền, nguyên nhân từ ‘tweet’ của Elon Musk

(VNF) - Ngày 15/11, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ là JPMorgan Chase & Co đã kiện Tesla đòi 162,2 triệu USD, cáo buộc hãng xe điện của Elon Musk vi phạm hợp đồng liên quan đến chứng quyền cổ phiếu sau khi giá cổ phiếu của công ty này tăng vọt.

Tesla bị JPMorgan kiện vì vi phạm chứng quyền, nguyên nhân từ ‘tweet’ của Elon Musk

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ khởi kiện công ty xe điện của Elon Musk vì hợp đồng chứng quyền.

Theo đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang Manhattan, vụ kiện này liên quan tới 1 hợp đồng chứng quyền giữa Tesla và JPMorgan năm 2014, khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang cố gắng kêu gọi tài trợ cho việc xây dựng nhà máy Gigafactory đầu tiên.

Chứng quyền cung cấp cho người mua – trường hợp này là JPMorgan, quyền mua cổ phiếu công ty với mức giá được thỏa thuận trước trong thời gian nhất định. Chứng quyền mà JPMorgan mua của Tesla vào năm 2014 có thời hạn là tháng 6/2021, với mức giá để mua cổ phiếu là 560,63 USD.

Khi chứng quyền hết hạn, nếu cổ phiếu Tesla ở dưới mức đã thoả thuận, Tesla sẽ không có trách nhiệm gì. Nhưng nếu cổ phiếu Tesla cao hơn mức 560,33 USD, thì JPMorgan có quyền yêu cầu Tesla giao thêm lượng cổ phiếu tương đương với mức giá chênh lệch.

Tuy vậy, cho tới thời điểm kết thúc hợp đồng hồi tháng 6 vừa qua, JPMorgan cho rằng Tesla “đã trắng trợn bỏ qua nghĩa vụ hợp đồng rõ ràng của mình là phải thanh toán đầy đủ cho JPMorgan”.

Nguyên nhân bắt nguồn từ 1 “tweet” của Elon Musk từ hồi tháng 8/2018, nói rằng ông muốn muốn biến Tesla thành một công ty tư nhân với mức giá 420 USD/cổ phiếu.

Sau tweet này, phía JPMorgan nhận thấy cổ phiếu Tesla bắt đầu biến động. Vì vậy, họ sử dụng quyền điều chỉnh giá cổ phiếu trong hợp đồng với Tesla, đề nghị giảm mức giá chứng quyền xuống còn 424,66 USD. Tesla đồng ý tham gia thoả thuận với mức giá này vào ngày 24/8, nhưng sau đó bất ngờ rút lui.

Đáng chú ý, cũng trong cùng ngày 24/8, Elon Musk tuyên bố từ bỏ việc biến Tesla thành công ty tư nhân.

Đến tháng 2/2019, phía Tesla gửi khiếu nại ngược tới JPMorgan, cho rằng những thay đổi của ngân hàng này về giá cổ phiếu theo hợp đồng cổ chứng là “nhanh chóng một cách bất hợp lý và tận dụng cơ hội biến động cổ phiếu của Tesla”.

Tháng 8/2020, JPMorgan lại bất ngờ hạ mức giá chứng quyền xuống chỉ còn 96,87 USD/cổ phiếu, lý giải là do sự chia tách cổ phiếu của Tesla. Ngân hàng hàng đầu của Mỹ cũng cho biết rằng Tesla không phản đối sự điều chỉnh này.

Tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cổ chứng cho tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu Tesla đã tăng gần gấp đôi so với mức giá 560,33 USD, chưa tính tới các mức điều chỉnh giá của JPMorgan sau này. Chính vì vậy, 2 bên đã xảy ra xung đột vào thời điểm hợp đồng cổ chứng kết thúc.

JPMorgan cho biết Tesla vẫn còn đang nợ 228.775 cổ phiếu, tương đương với 162,2 triệu USD, và quyết định khởi kiện công ty xe điện. Trong khi phía JPMorgan kêu gọi Tesla trả tiền mặt hoặc số cổ phiếu tương đương với số chênh lệch, thì Tesla tuyên bố phản đối tất cả những sự điều chỉnh giá của ngân hàng JPMorgan trước đây và chỉ thanh toán một phần bằng cổ phiếu.

Cũng theo đơn khiếu nại này, Tesla đã bán chứng quyền để giảm khả năng pha loãng cổ phiếu từ việc bán trái phiếu chuyển đổi riêng biệt và để giảm thuế thu nhập liên bang của mình.

Hiện tại, Tesla vẫn chưa bình luận về vụ việc này.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu của Tesla tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 15/11, sau khi Elon Musk “khuấy đảo” Twitter và tranh luận với chính trị gia Bernie Sanders về chuyện nộp thuế của người giàu tại Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu công ty xe điện đã giao dịch ở mức thấp nhất là 978,60 USD, đẩy giá trị thị trường chứng khoán của công ty xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD sau khi đạt được mốc này hồi cuối tháng 10.

Xem thêm >> Elon Musk tranh luận với Thượng nghị sĩ Mỹ, ‘doạ’ bán thêm cổ phiếu Tesla

Tin mới lên