Thị trường

TFA sẽ giúp tăng thương mại toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD/năm

(VNF) - Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA) sẽ giúp giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm

TFA sẽ giúp tăng thương mại toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD/năm

TFA giúp tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu. (Ảnh minh hoạ)

Tại cuộc họp báo chuyên đề mới đây, theo đại diện Tổng cục Hải quan, Hiệp định TFA là thỏa thuận đa phương đầu tiên được ký kết trong lịch sử 21 năm của WTO, là cột mốc quan trọng đối với hệ thống thương mại toàn cầu và là "sự khích lệ đối với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều khó khăn hiện nay do vấp phải chủ nghĩa bảo hộ thương mại".

Theo tính toán, việc thực hiện đầy đủ TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD mỗi năm. TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử nhằm thực hiện nghĩa vụ về minh bạch hóa thông tin của Hiệp định. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng đã nhận được các đề xuất hỗ trợ kỹ thuật liên quan để thực thi Hiệp định, trong đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đề xuất hỗ trợ Chương trình Tạo thuận lợi Thương mại (TFP) nhằm cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính phù hợp các chuẩn mực quốc tế để thực hiện TFA. 

Dự án có tổng giá trị tài trợ là 22 triệu USD và dự kiến sẽ được thực hiện từ tháng 10/2018 – 10/2023 với 4 hợp phần gồm: hài hòa hóa và đơn giản hóa các chính sách và thủ tục liên ngành; tăng cường sự phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương; đẩy mạnh việc thực hiện tại cấp địa phương và giữa các địa phương; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hải quan và khu vực tư nhân.

Theo tính toán của các nước thành viên WTO, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc thực thi đầy đủ TFA dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu thêm 3,5% và tăng trưởng kinh tế thêm 0,9%/năm.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc triển khai TFA cũng đặt ra những khó khăn thách thức trong bối cảnh năng lực đội ngũ và trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo nội dung TFA.

Bên cạnh đó, yêu cầu cải cách thủ tục liên quan đến thương mại tại biên giới đòi hỏi sự tham gia không chỉ của cơ quan hải quan mà cả sự tham gia của các cơ quan quản lý chuyên ngành để tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), thời gian tới, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực thi Hiệp định, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng các nghĩa vụ cam kết theo Hiệp định.

“Tổng cục Hải quan sẽ thúc đẩy việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tối ưu hóa các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro; thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành…”, bà Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.

Tin mới lên