Tài chính quốc tế

Thách thức cho kinh tế Trung Quốc 2022 là khiến người dân tiêu tiền

(VNF) - Chi tiêu tiêu dùng chậm chạp đã kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống kể từ sau đại dịch, và cũng không có nhiều khả năng sẽ “cứu vớt” được nền kinh tế trong năm 2022, theo CNBC.

Thách thức cho kinh tế Trung Quốc 2022 là khiến người dân tiêu tiền

Đại dịch đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc - vốn được đánh giá là rất "chịu chi".

Doanh số bán lẻ sụt giảm

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đại lục đã giảm vào năm 2020 dù nền kinh tế nói chung vẫn tăng trưởng. Mặc dù sau đó doanh số bán lẻ tăng vọt trong quý I/2021 nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, đặc biệt là kể từ mùa hè. Nhìn chung, doanh thu bán lẻ 11 tháng đầu năm vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh số bán lẻ của Hong Kong cũng giảm xuống trong năm 2019 và 2020 khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế địa phương, ngay cả trước khi đại dịch khiến khu vực bán tự trị không tiếp cận được với khách du lịch nước ngoài và đại lục.

Theo ước tính của các nhà phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs, tính về chi tiêu theo lĩnh vực, người tiêu dùng đã tăng chi tiêu cho thực phẩm và quần áo hơn là các dịch vụ như giáo dục và giải trí trong năm 2021. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng rằng sự phân hóa giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm tới.

Ngân hàng đầu tư dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 4,8% trong năm 2022, hạ bớt từ mức tăng trưởng 7,8% dự kiến trong năm nay.

“Vấn đề cốt lõi” trong tăng trưởng kinh tế

Cùng với thị trường bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực mà các nhà kinh tế quan tâm nhất trong triển vọng tăng trưởng Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt cược vào vì họ kỳ vọng sức mạnh chi tiêu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ tăng lên trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp lập kế hoạch kinh tế gần đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang và sẽ phải đối mặt với "áp lực gấp ba", bao gồm sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, “cú sốc” nguồn cung ứng và sự giảm dần kỳ vọng.

Trong đó, sự thu hẹp nhu cầu tiêu dùng được coi là “vấn đề cốt lõi" với sự tăng trưởng kinh tế. Theo ông Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank: "Nếu nhu cầu được cải thiện, thì kỳ vọng sẽ được cải thiện".

Theo ông Wang, lý do chính khiến sự phát triển kinh tế chững lại phản ánh ở sự suy yếu về nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là khi đại dịch đã tác động tiêu cực với thu nhập và việc làm của người dân, dẫn tới việc làm giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của mọi người.

Ông Jianguang Shen, nhà kinh tế trưởng của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, cho biết: “Việc tiêu dùng phục hồi trong năm tới sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế”.

Ngay cả trong lĩnh vực bất động sản từng lớn mạnh của Trung Quốc, nhu cầu người tiêu dùng cũng chiếm một phần vô cùng quan trọng.

Nhu cầu cũng như niềm tin của người tiêu dùng nước nhà với các nhà phát triển bất động sản năm nay đã sụt giảm mạnh mẽ do những chính sách thắt chặt của nhà nước lẫn những vụ vỡ nợ “thế kỷ” trong ngành, dẫn tới doanh số bán nhà cũng sụt giảm.

Tuần trước, Fitch Ratings cho biết: “Tâm lý thị trường yếu cũng đang ảnh hưởng đến việc bán nhà để ở, người mua đang trì hoãn việc mua vì dự đoán giá sẽ giảm hơn nữa”. Công ty xếp hạng toàn cầu cũng dự kiến sẽ doanh số bán nhà sẽ giảm 15% trong năm tới, và khiến khoảng ít nhất 5 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt.

“Chúng tôi dự đoán việc giảm hoạt động xây dựng bất động sản sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như thép, quặng sắt và than cốc, làm giảm tốc độ đầu tư tài sản cố định tổng thể và thậm chí gây căng thẳng cho các tổ chức tài chính”, theo Fitch Ratings.

Nhà kinh tế trưởng Larry Hu tại Trung Quốc của Macquarie dự báo tốc độ bán nhà và giá bán bất động sản sẽ tiếp tục giảm trong năm 2022. Ông cũng cho biết nhà nước nên nới lòng chính sách tài chính trong ngành bất động sản để “cứu” mức tăng trưởng GDP 5%.

Tuy nhiên, trong cuộc họp lập kế hoạch kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc trong tháng này không báo hiệu nhiều thay đổi trong chính sách về bất động sản. Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.

Đối với chính sách kinh tế trong năm tới, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng “sự ổn định” là ưu tiên hàng đầu. Các nhà chức trách cũng đã làm rõ rằng chất lượng tăng trưởng ngày càng quan trọng hơn số lượng.

Xem thêm >> Quan chức Trung Quốc cảnh báo ‘khó khăn chưa từng có’ trong năm 2022

Tin mới lên