Thị trường

Thaco 'soán ngôi' Vinamilk giành vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất

(VNF) - Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã vươn lên vị trí số 1 trong danh sách 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, đẩy Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xuống vị trí thứ hai.

Thaco 'soán ngôi' Vinamilk giành vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất

Thaco vươn lên vị trí số 1 trong danh sách 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Ngày 14/12/2016, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016. Đây là năm thứ 10 Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính 2015.

Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report có tham khảo mô hình Fortune 500 và chính thức được công bố lần đầu tiên vào năm 2007. Các doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào để được vào Bảng xếp hạng VNR500.

Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam năm 2016.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2016 dự kiến được tổ chức vào ngày 19/1/2017 tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội

Điện lực Miền Bắc, ACV đánh bật PV GAS, Vietsovpetro ra khỏi Top 10

Bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất năm 2016 không có nhiều biến động so với năm 2015, hầu hết vẫn thuộc về các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) tiếp tục thống lĩnh vị trí đầu bảng.

Tuy nhiên, so với bảng xếp hạng năm ngoái, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã ra khỏi top 10, thay vào đó, là Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) và Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam – CTCP (ACV).

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giảm 3 hạng, xuống vị trí thứ 5. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng 1 bậc, lên vị trí thứ 8.

Thaco thăng 5 bậc, giành vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất

Năm nay, top 10 doanh nghiệp tư nhân có thay đổi đáng kể. Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã giành vị trí thứ 6 trong top 10 của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015, vươn lên chiếm vị trí đầu tiên năm 2016. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mất ngôi đầu bảng xuống vị trí thứ hai.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mất ngôi đầu bảng xuống vị trí thứ hai doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI (DOJI), Công ty Cổ phần FPT và Tập đoàn Vingroup lần lượt giữ vị trí thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) chiếm vị trí thứ 6 và thứ 8. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tụt 2 hạng, lần lượt giữ vị trí thứ 7 và thứ 9.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đứng thứ 10 sau khi đánh bật Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra khỏi top 10.

76% doanh nghiệp sẽ tăng quy mô trong 2 năm tới

Theo Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 đều tăng lên về mọi mặt so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên 16% doanh nghiệp cũng đã có phản hồi doanh thu giảm và 15% doanh nghiệp đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua. 

Dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm tới, 76% doanh nghiệp phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và chỉ có 5% phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.

Gần 45% doanh nghiệp có ý định đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới

Về lĩnh vực đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều quyết định tăng đầu tư cho các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018, 32% doanh nghiệp ước đoán sẽ tăng cường đầu tư trên 50% cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Ngoài ra, trả lời khảo sát, gần 45% doanh nghiệp thể hiện ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành công nghiệp/chế tạo và dịch vụ/thương mại. Với các doanh nghiệp VNR500, điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thuộc về các nước US/NAFTA (3 nước Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mexico) và đặc biệt là các nước châu Á đang phát triển (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,..)

Ngoài ra, gần 25% doanh nghiệp phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% doanh nghiệp trả lời đã tìm kiếm, và thăm dò về các thương vụ này.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có ý định thực hiện kênh huy động vốn này còn băn khoăn trong quá trình thực hiện và rào cản lớn nhất là gặp khó khăn trong việc thu thập được các nguồn thông tin đáng tin cậy về các đối tượng mục tiêu mua bán. Tiếp đó là các khó khăn như thiếu đi các đối tượng mục tiêu hấp dẫn với tỉ lệ phản hồi là 24% doanh nghiệp và việc đáp ứng các chính sách, quy định liên quan đến mảng lĩnh vực này với tỉ lệ 19%.

Tin mới lên