Tài chính quốc tế

Thái Lan tìm nguồn thay thế vốn Trung Quốc trong dự án đường sắt cao tốc

Nhật báo Khaosod dẫn nguồn tin Chính phủ Thái Lan cho biết các khoản vốn vay từ nước ngoài cho dự án đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc sẽ được giảm xuống mức tối thiểu.

Thái Lan tìm nguồn thay thế vốn Trung Quốc trong dự án đường sắt cao tốc

Thái Lan tìm nguồn thay thế vốn Trung Quốc trong dự án đường sắt cao tốc. (Ảnh minh họa)

Ngày 31/1, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan tuyên bố Bộ này sẽ cố gắng cấp vốn cho 80% dự án từ các nguồn nội địa nhằm làm dịu chỉ trích từ công chúng và chuyên gia kinh tế rằng khoản đầu tư khổng lồ của dự án có thể sẽ đẩy nước này vào tình thế "nô lệ" nợ nần của Bắc Kinh.

Tuyên bố trên có đoạn: “Bộ Tài chính sẽ tìm kiếm những nguồn vốn vay phù hợp với điều kiện vay tốt nhất so với các nguồn vốn ở trong nước. Chẳng hạn như lãi suất thấp, hợp đồng dài hạn và không có những điều kiện ràng buộc có thể đặt Thái Lan vào tình thế bất lợi”.

Các khoản vay có thể sẽ được sử dụng để xây dựng đoạn đường sắt cao tốc nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima ở khu vực Đông Bắc. Dự án này được ước tính sẽ trị giá khoảng 179 tỷ baht (5,7 tỷ USD). Các khoản vay dự kiến sẽ có thể đáp ứng tới 166 tỷ baht trong tổng số vốn đầu tư của dự án.

Dự án đường sắt cao tốc trên được Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy với mục đích nối Thái Lan với hệ thống đường sắt của nước này ở Lào, đồng thời trở thành một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Các kỹ sư Trung Quốc được cử đến để triển khai dự án vào năm 2017 không cần phải đáp ứng điều kiện cấp phép cư trú và lao động theo quy định của luật pháp Thái Lan.

Sau khi những người chỉ trích đẩy cao lo ngại rằng một dự án lớn như thế có thể đẩy Thái Lan rơi vào “đế chế nợ” đang lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc. Đầu tháng 1/2019, một quan chức tài chính đã phát biểu với truyền thông sở tại rằng Chính phủ Thái Lan vẫn chưa quyết định tiếp nhận các khoản vốn vay từ Trung Quốc.

Quan chức Văn phòng Quản trị nợ công Jindarat Viriyataveekul, cho biết Trung Quốc, Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á đều là những nguồn vay tiềm năng. Bà Jindarat khẳng định: “Thái Lan là nhà đầu tư duy nhất của hệ thống đường sắt cao tốc trên. Trung Quốc không phải là liên doanh đầu tư của dự án. Điều này có nghĩa Thái Lan là chủ sở hữu duy nhất của dự án, Trung Quốc chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ về phát triển công nghệ và hệ thống”.

Khi Sri Lanka không thể trả khoản nợ khổng lồ cho Trung Quốc vào năm 2017, chính phủ nước này đã chuyển quyền sử dụng một bến cảng và vùng đất xung quanh cho Trung Quốc trong 99 năm.

Tháng 12 vừa qua, giới truyền thông cũng nhận định rằng một bến cảng của Kenya ở Mombasa do Trung Quốc cấp vốn cũng đang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm nếu nước này không trả nợ đúng hạn. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta sau đó đã phản bác những đồn đoán trên, cho rằng đó chỉ là “tin đồn”.

Hơn một năm sau khi khởi công, tiến độ xây dựng giai đoạn đầu tiên của dự án có chiều dài 3,5km ở quận Pak Chong, tỉnh Nakhon Ratchasima vẫn còn ngổn ngang. Chính phủ Thái Lan cho biết dự án trên sẽ hoàn thành sớm nhất vào năm 2022.

Tin mới lên