Diễn đàn VNF

Tham gia Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu: PwC khuyến nghị gì với Việt Nam?

(VNF) - Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế tại Việt Nam hiện nay không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn các quốc gia khác thay vì Việt Nam.

Tham gia Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu: PwC khuyến nghị gì với Việt Nam?

Tham gia Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu: PwC khuyến nghị gì với Việt Nam?

Các quốc gia trên thế giới đều cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng tại Việt Nam. Về vấn đề này, một trong những yếu tố chính để thu hút đầu tư từ trước đến nay là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó các công ty hoạt động trong một số lĩnh vực và/hoặc địa bàn nhất định có thể được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và/hoặc miễn giảm thuế.

Hiện nay, với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế này có thể không còn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh của Các quy tắc trụ cột 2, bởi đơn giản, mức thuế của họ nếu dưới 15% sẽ được nâng lên trong phạm vi tài phán của quốc gia nơi các doanh nghiệp đa quốc gia đặt trụ sở.

Có 2 tác động chính từ vấn đề này. Thứ nhất, nếu Chính phủ Việt Nam không thay đổi quy định trong nước, có thể sẽ khiến thất thu thuế bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể sẽ quay trở về đất nước của họ.

Thứ hai, Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế tại Việt Nam hiện nay không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn các quốc gia khác thay vì Việt Nam.

Phương pháp ứng xử của các nước đang phát triển

Các quốc gia và Chính phủ trong khu vực và trên toàn cầu thực tế đang phân tích các quy định mới để xác định cách họ có thể thay đổi luật thuế trong nước một mặt nhằm giảm đến mức tối thiểu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Hãy bắt đầu với Trung Quốc, nơi đã thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài trong quá khứ. Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một Ủy ban Lập pháp và theo như tôi biết, Ủy ban này đã hoàn tất nghiên cứu các tác động của Trụ cột 2 và dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp đối với luật trong nước để giảm thiểu tác động của mức thuế tối thiểu toàn cầu mới. Chúng tôi cũng dự đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đảm bảo tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các khoản hỗ trợ khác nhau đối với một số ngành nghề quan trọng và nhạy cảm.

Ở Malaysia, vào cuối tháng 1 năm nay, Bộ Tài chính Malaysia đã thành lập một nhóm đặc biệt để xem xét các biện pháp nhằm phản ứng với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và xây dựng một lịch trình dự kiến để sửa đổi luật thuế có hiệu lực vào năm 2023.

Ở Hồng Kông, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch trình dự thảo luật mới trong nửa cuối năm 2022 để tiến hành áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, ngài Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng ông ấy sẽ cân nhắc áp dụng thuế tối thiểu nội địa tại Hồng Kông.

Tương tự, Singapore dự định điều chỉnh hệ thống thuế doanh nghiệp và đang xem xét một loại thuế đầu vào, sẽ được sử dụng để nâng mức thuế hiệu quả của nhóm các doanh nghiệp đa quốc gia tại Singapore lên 15%.

Các quốc gia khác trong khu vực, như Thái Lan và Indonesia, cũng đã thành lập các nhóm đặc biệt để nghiên cứu các quy định mới và cân nhắc sửa đổi các quy định về thuế trong nước.

Từ đó, có thể thấy rằng các cơ quan thuế và Chính phủ trong khu vực đang tích cực làm việc để đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các tác động của Các quy tắc Trụ cột 2.

Khuyến nghị của một số nhà đầu tư đối với Việt Nam

Để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu. Các biện pháp khuyến khích đầu tư hiện tại chỉ dưới hình thức ưu đãi thuế có thể sẽ không còn hấp dẫn với các công ty đa quốc gia lớn thuộc đối tượng điều chỉnh của Các quy tắc Trụ Cột 2.

Các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc hay thậm chỉ các quốc gia Châu Âu hoặc Mỹ, trước Trụ Cột  2, đều đã không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, mà họ còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt. Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận tương tự và thiết kế lại các cơ chế khuyến khích đầu tư của mình để đảm bảo quyền thu thuế, đồng thời giữ được sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để xem xét lại những khoản đầu tư mà quốc gia muốn tập trung.

Để đưa ra một số ý tưởng, các quốc gia khác tập trung vào các lĩnh vực cụ thể mà họ muốn khuyến khích đầu tư và cung cấp các khoản hỗ trợ nhất định. Về ví dụ, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã cung cấp một số hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút sự phát triển trong các ngành công nghiệp tiên tiến, hoặc họ cung cấp các khoản hỗ trợ cho các công ty để giúp các công ty giảm bớt chi phí về điện của mình. Malaysia cũng cung cấp một số nguồn vốn hoặc các khoản vay ưu đãi nhất định để thúc đẩy công nghệ sinh học.

Ấn Độ thì đưa ra các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất để thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động. Có thể thấy các khoản hỗ trợ được cung cấp để thu hút đầu tư vào các địa điểm đặc biệt kém phát triển hoặc có vấn đề hoặc để nâng cao kỹ năng cho con người giúp tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao hơn.

Vì vậy, một lần nữa, Việt Nam có thể xem xét những gì mà các nước khác cung cấp cho các nhà đầu tư và nên coi các quy định mới như một cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng mà quốc gia muốn hướng đến và nên xây dựng các chiến lược khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này.

Thay vì cung cấp các ưu đãi về thuế, các chính sách hỗ trợ có thể được thiết kế để áp dụng trực tiếp cho các mục tiêu của đầu tư, chẳng hạn như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người… và những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đơn giản, rõ ràng và dễ tiếp cận sẽ giúp ích trong việc thu hút các nhà đầu tư và cuối cùng nữa là đóng góp vào sự phát triển lâu dài của đất nước.

PwC Việt Nam cho rằng việc Chính phủ nên thành lập một tổ công tác gồm các bộ, ban ngành có liên quan để xem xét ảnh hưởng của Trụ Cột 2 đồng thời đưa ra các chính sách phù hợp là yêu cầu cấp thiết do thời điểm áp dụng của Trụ cột 2 đang đến gần cũng như vấn đề này không chỉ đơn thuần là vấn đề về thuế mà sẽ liên quan đến nhiều chính sách vĩ mô khác đặc biệt định hướng và chính sách trong việc việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Sắp diễn ra hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam"

Sáng thứ Ba, ngày 14/6/2022, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức Hội thảo: "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" với sự tham gia của các cơ quan hữu quan, chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện cuộc đấu tranh chống trốn thuế, rửa tiền thông qua “thiên đường thuế” đã được Chính phủ các quốc gia coi là vấn đề toàn cầu, gần đây đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi bằng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Về nguyên tắc, các nước G7 đã đồng ý áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% nhằm ngăn chặn cạnh tranh về thuế giữa các nước.

Trụ cột 2 được hy vọng sẽ tạo ra đột phá và mang lại sự công bằng vì phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất cho các nước, góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và  hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Xem thêm: Cán bộ thuế không được 'ngâm' hồ sơ chuyển nhượng BĐS dù nghi ngờ kê khai giá thấp

Tin mới lên