Tài chính quốc tế

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng đầu năm

(VNF) - Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng đầu năm

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng gần 10% trong tháng 1/2022.

Ngày 8/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại đã tăng 9,4% lên mức cao nhất mọi thời đại là 89,7 tỷ USD trong tháng 1/2022. 

Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics ở White Plains, New York cho rằng: “Thâm hụt có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do nhu cầu nhập khẩu đang tăng mạnh”.

Mức thâm hụt 89,7 tỷ USD cao hơn con số dự báo 87,1 tỷ USD được đưa ra trước đó bởi các nhà kinh tế của Reuters.

Theo đó, thâm hụt thương mại sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong 6 quý liên tiếp. Ước tính tăng trưởng trong quý đầu tiên hầu hết đều dưới mức 2,0% hàng năm. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 7,0% trong quý IV.

Nhập khẩu tăng 1,2% lên 314,1 tỷ USD, cũng là mức cao nhất được ghi nhận. Nhập khẩu hàng hóa tăng 1,8% lên mức cao nhất mọi thời đại là 264,8 tỷ USD. Nhập khẩu thực phẩm và hàng tiêu dùng cũng đạt mức cao kỷ lục. Nhập khẩu ngoài xăng dầu cũng cao nhất trong lịch sử.

Nhập khẩu tăng cao phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục bổ sung hàng hoá để đáp ứng nhu cầu nội địa mạnh mẽ, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Stephen Stanley, trưởng quỹ Amherst Pierpont.

Tuy nhiên, nhập khẩu dịch vụ giảm 1,0 tỷ USD xuống 49,3 tỷ USD trong tháng 1 do vận tải và du lịch giảm, ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19.

Trái với nhập khẩu tăng cao, xuất khẩu Mỹ lại giảm, phản ánh nhu cầu của các nước khác với hàng xuất khẩu Mỹ phần nào yếu đi.

Trong tháng 1, xuất khẩu giảm 1,7% xuống 224,4 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa giảm 1,5% xuống 155,9 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm cả các chế phẩm dược phẩm cũng sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp ở mức cao kỷ lục.

Xuất khẩu dịch vụ giảm 1,6 tỷ USD xuống 68,5 tỷ USD, phản ánh sự giảm sút của hoạt động đi lại và vận tải.

Tháng 1 là thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine biến thành chiến sự và khiến Mỹ áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt với Nga, vì vậy những con số được Bộ Thương mại đưa ra chưa phản ánh được sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tới kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng dự báo cuộc chiến Nga – Ukraine cũng chỉ dẫn tới các tác động rất hạn chế với thương mại Mỹ, do Nga chỉ chiếm khoảng 1% nhập khẩu và 0.4% xuất khẩu của Mỹ vào năm 2021.

Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics ở New York cho biết: “Các biện pháp trừng phạt sẽ cắt đứt gần như toàn bộ thương mại giữa Mỹ và Nga trong những tháng tới, nhưng với lượng thương mại chỉ chiếm một lượng nhỏ trong tổng số, điều đó sẽ ít ảnh hưởng đến các số liệu thương mại hàng đầu”.

Xem thêm >> Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng vọt, thỏa thuận giai đoạn 1 thành ‘công cốc’?

Tin mới lên