Diễn đàn VNF

‘Tham nhũng nhiều cũng hỏi thanh tra, xin thưa thanh tra là tai mắt chứ không phải quả đấm thép’

(VNF) – Đó là bình luận của TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) đưa ra tại hội thảo “Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển” tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội.

‘Tham nhũng nhiều cũng hỏi thanh tra, xin thưa thanh tra là tai mắt chứ không phải quả đấm thép’

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra

Thanh kiểm tra chồng chéo không phải lỗi của cơ quan thanh tra

Theo TS Đinh Văn Minh, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thanh, kiểm tra chồng chéo nhau về nội dung, gây phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Minh nhận định việc chồng chéo không phải do lỗi của cơ quan thanh tra mà từ quy định của pháp luật.

“Khi xem luật, chúng ta sẽ thấy có trường hợp 10 ông thanh tra vào vẫn đúng. Ví dụ như một doanh nghiệp xây trường học, những ông nào vào được? Ông giáo dục vào được, ông xây dựng vào được, ông đầu tư vào được, ông thanh tra địa phương cũng vào được, thậm chí ông kiểm tra Đảng cũng vào được luôn. Nó chồng chéo ở chỗ đó”, ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng các khó khăn của doanh nghiệp đều bắt nguồn từ cơ chế chính sách, đơn cử như các điều kiện kinh doanh. “Ông thanh tra nếu tận dụng các điều kiện kinh doanh thì có chuyện ngay”.

“Ví dụ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều kiện kinh doanh yêu cầu phải có kho chứa, nhà máy xay xát… Cứ theo đúng quy trình thanh tra thì thiếu gì cái để hạch họe. Thanh tra chỉ cần làm đúng, các đồng chí cũng đủ chết, chưa nói làm sai”.

“Câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp bắt đầu từ cơ chế, chính sách. Thanh tra sẽ lợi dụng bộ công cụ đó để hạch họe. Giờ có 10 điều kiện, anh doanh nghiệp đáp ứng được mấy? Các anh giỏi lắm được 5 điều kiện, còn lại tính với nhau thế nào đây?”, ông Minh nêu thực tế.

Ông Minh cho rằng để khắc phục điều này, cần thực hiện nhiều giải pháp. Một là nhà nước phải chủ động cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, các thủ tục không cần thiết, có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Hai là doanh nghiệp phải lên tiếng. “Doanh nghiệp lên tiếng cũng phải có bài bản, có lí lẽ, lên tiếng không có nghĩa là kêu. Doanh nghiệp có lên tiếng thì từ đó ta mới sửa được cơ chế chính sách”, ông Minh nói.

Thanh tra là tai mắt, không phải quả đấm thép

Theo ông Minh, hiện nay vẫn chưa thống nhất được vấn đề nhận thức đối với công tác thanh tra.

Ông Minh cho rằng mục tiêu đầu tiên của công tác thanh tra là để hoàn thiện cơ chế, chính sách. “Thanh tra không phải là tóm tóc, vạch mặt”.

“Tôi thấy, trong hoạt động thanh tra, hầu như thành tích vẫn nặng về chuyện thực hiện được bao nhiêu cuộc thanh tra, phát hiện được bao nhiêu sai phạm. Và trong nhận thức của không ít lãnh đạo vẫn đang hiểu như vậy. Tham nhũng nhiều cũng hỏi thanh tra, xin thưa rằng thanh tra là quản lý, là tai mắt, không phải tay, không phải quả đấm thép. Chúng tôi chỉ phòng ngừa tham nhũng thôi”, ông Minh nhấn mạnh.

Vị Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra bày tỏ lấy làm tiếc khi phần kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách trong các báo cáo thanh tra hiện nay chưa được như mong đợi.

Ông cho hay ngành thanh tra đang nghiên cứu để thay đổi cách thức tổ chức hoạt động. “Cùng với Luật Phòng chống tham nhũng, thanh tra là lực lượng rất quan trọng để xây dựng chính phủ liêm chính, sáng tạo; kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột. Cho nên chắc chắn trong thời gian tới, những định hướng của ngành thanh tra sẽ thay đổi. Tôi nghĩ điều cốt yếu vẫn là con người”, ông Minh nói thêm.

Tin mới lên