Tiêu điểm

‘Tham nhũng trong cổ phần hóa ở Vivaso còn ngâm đến bao giờ?’

(VNF) - Đây là câu hỏi mà đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa đặt ra tại Quốc hội trong phiên thảo luận cuối tuần qua.

‘Tham nhũng trong cổ phần hóa ở Vivaso còn ngâm đến bao giờ?’

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc tố cáo tham nhũng, cổ phần hóa của Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) thuộc Bộ Giao thông vận tải là một trong 3 vụ việc nổi cộm mà ông để ý theo dõi trong thời gian qua và theo ông thì đều "có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ".

"Người ta lên tận cơ quan tiếp dân gửi đơn. Người tố cáo là một trong những lãnh đạo của Tổng công ty này, nhưng các đồng chí không đôn đốc. Sau khi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn này về Bộ Giao thông vận tải 5 tháng không giải quyết, người ta tiếp tục gửi đơn lên tôi, tôi tiếp tục gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, nhưng đến bây giờ đồng chí lại gửi quay trở lại Bộ Giao thông vận tải. Tôi không biết ngâm vụ việc này đến bao giờ?", ông Nhưỡng nêu câu hỏi với Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

Bên cạnh vụ việc tại Vivaso, hai vụ khác được đại biểu nêu tên là vụ lình xinh liên quan đến đầu tư bến xe Thượng Lý ở Hải Phòng và vụ việc đất đai mới đây tại Đồng Tâm.

Liên quan đến vụ việc tại Vivaso, theo nguồn tin của VietnamFinance, trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty này, đã có một số diễn biến khá bất thường.

Cụ thể, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp do đơn vị tư vấn – Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam công bố ngày 16/9/2013, giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ Vivaso trước khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng (làm tròn số).

Con số này được xem là "rất đáng lưu ý" vì thời điểm đó, riêng về tài sản đất đai, Vivaso đang quản lý, sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là "đất vàng".

Sau khi định giá doanh nghiệp, ngày 19/3/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, VIvaso bán đấu giá thành công 550.700 cổ phần. Số còn lại (hơn 14 triệu cổ phần), Tổng công ty đã xin phép Bộ GTVT cho trực tiếp thương thảo với các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá thành công ngày 19/3/2014 để bán tiếp cho đến hết ngày 4/4/2014.

Nhưng ngay sau đó, có chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải là phải đàm phán bán cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, theo đề nghị của ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty này.

Tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải có Công văn "hỏa tốc" số 4118/BGTVT-QLDN chính thức giới thiệu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đến mua cổ phần của Vivaso và sau đó Vạn Cường sau đó đã dễ dàng sở hữu 45% vốn điều lệ (hơn 140 tỷ đồng) của Vivaso.

Trước tình hình này, đã xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, cho rằng việc cổ phần hóa tại Vivaso có thể đã gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 3/2016, Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư mua cổ phần theo lô - Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 08/HĐTĐ-VTT gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc nhà đầu tư đủ điều kiện mua cổ phần Vivaso.

Theo đó, 03 nhà đầu tư cá nhân đáp ứng đủ điều kiện tham gia mua cổ phần bao gồm: bà Phạm Thị Linh, ông Nguyễn Thủy Nguyên và bà Dương Thị Huyền Quyên.

VIVASO có vốn điều lệ là 327.737.000.000 đồng (tương đương: 32.773.700 cổ phần; mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần). Trong đó, cổ phần do Nhà nước nắm giữ tính đến tháng 3/2016 là 7.349.131 cổ phần chiếm 22,42% vốn điều lệ.

Trước đó, trong thông báo đấu giá cổ phần, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ bán toàn bộ lô cổ phần này với giá khởi điểm một cổ phần là 10.119 đồng, tương đương cả lô cổ phần sẽ có giá khởi điểm 74.365.856.589 đồng.

Tin mới lên