Tài chính quốc tế

Thần tượng ảo – đột phá của ngành truyền thông

(VNF) - Sự phát triển của thần tượng ảo (virtual idol) được cho là đã mang tới làn gió mới cho ngành công nghiệp truyền thông, nhất là trong bối cảnh vũ trụ ảo (metaverse) đang trở thành xu thế như hiện nay. Nhiều chuyên gia nhận định thần tượng ảo có thể thay đổi cuộc chơi trong việc kích cầu người tiêu dùng, đặc biệt đối với giới trẻ.

Thần tượng ảo – đột phá của ngành truyền thông

Thần tượng ảo – đột phá của ngành truyền thông.

Ngành công nhiệp tỷ USD

Chỉ 5 ngày sau khi Liu Yexi (Liễu Dạ Hi) ra mắt trên Douyin, ứng dụng “chị em” của TikTok, nhân vật này đã thu hút hơn 3 triệu người theo dõi. Trong video đầu tiên ra mắt, được đăng vào tháng 11/2021, Liễu Dạ Hi mặc trang phục đạo sĩ theo phong cách truyền thống của Trung Quốc với lớp trang điểm ấn tượng. Video kéo dài khoảng 2 phút này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt chỉ sau một đêm, thu hút hơn 11 triệu lượt xem và nhận được 2,7 triệu lượt thích.

Hiện tại, Liễu Dạ Hi có hơn 830 triệu người theo dõi và được xem là một trong những nhân vật ảo có chất lượng cao nhất hiện nay ở Trung Quốc. Nhân vật này được phát triển bởi Chuangyi Technology and Culture Co., một công ty ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Công ty này chuyên tạo ra nội dung hình ảnh và các ký tự kỹ thuật số bằng công nghệ chụp chuyển động.

Lil Miquela cũng là một trong những nữ thần tượng ảo dành được nhiều sự quan tâm và có thu nhập cao nhất đến thời điểm hiện tại. Sở hữu hàng triệu người theo dõi trên Instagram, nhân vật này ảo này nhận được sự săn đón nồng nhiệt từ các thương hiệu nổi tiếng như Prada và Calvin Klein với giá lên đến 7.000 USD cho một bài đăng trên mạng xã hội.

Thần tượng ảo vốn không phải là một khái niệm mới. Thế hệ đầu tiên của những người nổi tiếng nhân tạo này được phát triển cho ngành công nghiệp ACG của Nhật Bản (hoạt hình, truyện tranh, trò chơi) vào những năm 1980. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cộng hưởng với các lĩnh vực tương tác thực tế ảo tân tiến, thần tượng ảo được xây dựng với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng theo con người một cách chân thực, sắc nét.

Thêm vào đó, các nền tảng truyền thông xã hội như ngành công nghiệp chia sẻ video ngắn (Douyin, TikTok) và nền tảng phát trực tiếp (live-streaming) cũng cho phép các nhân vật kỹ thuật số thể hiện bản thân theo cách gần gũi và sống động hơn.

Mặc dù Nhật Bản, Mỹ và châu Âu bắt đầu sớm hơn, nhưng Trung Quốc lại là nước có tốc độ phát triển nhân lực ảo mạnh nhất hiện nay. Báo cáo ngành được QbitAI công bố ngày 23/12/2021 dự báo tổng quy mô thị trường nhân lực ảo của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 270 tỷ nhân dân tệ (42,4 tỷ USD) vào năm 2030.

“Thay đổi cuộc chơi” của ngành giải trí

Theo số liệu do công ty tư vấn nghiên cứu iiMedia tổng hợp, phần lớn người hâm mộ thần tượng ảo ở độ tuổi từ 18 đến 23. Lớn lên trong thời đại Internet, thế hệ trẻ hiện là những người tiêu dùng độc lập, do đó nhiều thương hiệu đã dùng các thần tượng ảo để kết nối dễ dàng hơn với nhóm nhân khẩu học này.

“Việc tiếp nhận con người ảo trong môi trường xã hội và kinh doanh là một phần của thế hệ người trẻ mới. Thế hệ này lớn lên với phim hoạt hình, do đó họ dễ dàng tiếp nhận các nhân vật ảo”, theo nhận định của ông James Cheng, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger.

Giám đốc điều hành Park Ji Eun của công ty đồ họa AI Pulse 9 thì cho rằng thần tượng ảo có thể “thay đổi cuộc chơi” của ngành giải trí trong thời gian tới. AI Pulse 9 là đơn vị đứng sau nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Eternity gồm 11 giọng ca được tạo ra bằng công nghệ AI.

Nhiều thần tượng ảo có lượng lớn người hâm mộ, được nhiều thương hiệu danh tiếng săn đón và thu về số tiền không nhỏ cho công ty sở hữu. Những nhân vật này biết biểu diễn ca hát, chụp ảnh thời trang, đóng quảng cáo... Đặc biệt, dù “sống” trên không gian mạng, “thần tượng ảo” hoạt động năng suất không kém người nổi tiếng ngoài đời.

Christopher Travers, người sáng lập virtualhumans.org, cho rằng nếu tính về dài hạn, chi phí dành cho những thần tượng ảo “rẻ hơn” so với con người thật. Thêm vào đó, họ có thể kiểm soát 100% các động thái của các thần tượng ảo nhằm đảm bảo những nhân vật này luôn có một hình ảnh trong sạch, không có các scandal. Tuy nhiên, điều ông Travers đánh giá cao hơn cả chính là những thần tượng ảo “không bao giờ già đi hay chết”.

Hiện tại, các thương hiệu tiêu dùng đa quốc gia như KFC, Tesla, Louis Vuitton và Givenchy đã dùng các thần tượng ảo cho các chiến dịch quảng cáo ở Trung Quốc. Nhìn xa hơn, sự phát triển của vũ trụ ảo (metaverse) cũng sẽ cung cấp những không gian mới cho các thần tượng ảo tồn tại và kết nối với người hâm mộ.

Ông Zhang, người làm việc tại một công ty AI có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng con người ảo sẽ được sử dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giải trí mà còn trong giáo dục, phát thanh truyền hình và một loạt các lĩnh vực khác.

“Bạn có thể tưởng tượng một đứa trẻ sẽ được truyền cảm hứng như thế nào nếu Elsa (nhân vật nữ chính trong phim hoạt hình nổi tiếng Frozen) dạy chúng tiếng Anh? Con người ảo có thể mang tới nhiều cải tiến trong ngành giáo dục”, ông Zhang nhận định.

Cuộc đua đốt tiền

Dù được đánh giá là “mỏ vàng” đang được khai phá, không thể phủ nhận phát triển thần tượng ảo là một quá trình tốn kém. Đây vẫn đang được coi là cuộc chơi của những “gã khổng lồ” công nghệ khi đầu tư chi phí cao mà chưa có hiệu quả ngay lập tức.

Theo báo cáo của UBS, chi phí trung bình để tạo ra một thần tượng ảo tiên tiến vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ (4,7 triệu USD). Bên cạnh đó, việc duy trì và tạo ra các hoạt động cho các thần tượng ảo này cũng khá tốn kém và không hề dễ dàng.

Liễu Dạ Hi được cho là có đội ngũ hỗ trợ hơn 100 người đứng sau. Chi phí để tạo ra mỗi giây hoạt động của Liễu Dạ Hi được tiết lộ là “tương đương với 2-3 gam vàng”. Dù vậy, công ty tạo ra nhân vật ảo này cho biết họ vẫn chưa thu về lợi nhuận.

“Cuộc đua người ảo hiện là trò chơi đốt tiền. Chúng tôi đã đầu tư hơn một triệu nhân dân tệ (150.000 USD) vào Metamuse (“giám đốc dịch vụ khách hàng” ảo) nhưng vẫn chưa thu được gì. Về cơ bản, cuộc chơi vẫn dành cho kẻ lắm tiền và xác định không cần lợi nhuận”, bà Tong Xiaoyan, người sáng lập kiêm CEO của Musiness, một nền tảng bản quyền âm nhạc thương mại có trụ sở tại Thượng Hải, cho hay.

Li Shiyan, người đứng đầu phòng thí nghiệm tương tác người - máy của Baidu Cloud, thì cho biết công nghệ xây dựng người ảo hiện vẫn còn sơ khai, do đó muốn sản xuất hàng loạt sẽ vấp phải rất nhiều rào cản về công nghệ, thời gian và chi phí.

Thêm vào đó, người ảo cũng mất dần sức hút theo thời gian. Bài đăng đầu tiên của Ayayi, nữ thần tượng ảo đầu tiên của Trung Quốc, trên Xiaohongshu thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Tuy nhiên, cho tới nay, những bài đăng của nhân vật này chỉ còn khoảng 100 lượt xem do bị chê là thiếu sáng tạo, thậm chí là giả tạo.

Ông Jin Yuchen, Giám đốc điều hành ứng dụng xã hội AlphaLink của Trung Quốc, thì cho rằng dù thần tượng ảo có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng không thể thay thế được người thực bởi “chính những điểm không hoàn hảo đã làm nên nét độc đáo của các thần tượng thực sự”.

Tin mới lên