Học thuật

Tháng cô hồn, giới kinh doanh có cần kiêng kỵ?

(VNF) - Những kiêng kị dưới đây, mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng vẫn được giới kinh doanh truyền nhau để tránh xui xẻo, lỗ vốn hoặc không gặp may mắn trong tháng cô hồn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại cho rằng không cần phải quá kiêng kỵ trong tháng cô hồn.

Tháng cô hồn, giới kinh doanh có cần kiêng kỵ?

Tháng cô hồn, giới kinh doanh nên kiêng kỵ những gì để tránh gặp xui xẻo?

Tháng cô hồn là gì? Tháng cô hồn là tháng mấy?

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, tháng 7 Âm lịch hàng năm được coi là tháng cô hồn, hay còn được biết với cái tên khác là tháng của "người âm".

Tục lệ cúng Cô hồn là một tín ngưỡng được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân cũng quan niệm tháng Cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc kinh doanh, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7.

Giới kinh doanh nên kiêng kỵ những gì để tránh gặp rủi ro trong tháng cô hồn?

Hầu hết những người trong giới kinh doanh đều cho rằng, tháng cô hồn cũng là tháng xui xẻo, không may mắn. Vậy nên, mọi người thường kiêng kị tháng cô hồn nhất là những giao dịch về kinh tế.

Theo quan niệm của dân gian, những việc lớn như động thổ, xây nhà, đều phải kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch, "tháng cô hồn dã quỷ". Dân gian cho rằng, nếu cố tình thực hiện, những công việc trên sẽ gặp nhiều rủi ro.

Nhiều người Việt đều tin rằng, những người có ý định kinh doanh cũng không nên mở cửa hàng trong tháng cô hồn. Nếu khai trương tháng 7 âm lịch, sẽ bị ma quỷ quấy nhiễu, làm ăn không thuận lợi.

Việc mua nhà cũng được dân gian kiêng kỵ và khuyên nên tránh tuyệt đối trong tháng 7 âm lịch hàng năm. Thực tế cũng cho thấy, đa số người dân nước ta muốn mua nhà đều tránh tháng 7 âm lịch, khiến cho thị trường bất động sản ể ẩm nặng.

Không chỉ hạn chế mua nhà, tháng 7 “cô hồn” cũng được khuyên hạn chế mua xe vì có thể không mang lại may mắn khi bạn sử dụng chiếc xe đó.

Những người kinh doanh lớn có giao dịch như ký kết hợp đồng cũng thường được khuyên hạn chế thực hiện vào tháng 7 âm lịch.

Vào tháng cô hồn, người dân còn được khuyên, không nên nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ. 

Ngoài những kiêng kị trên, những người kinh doanh nên tránh thức khuya, thức đêm nhất là sau 12 giờ đêm để tránh tinh thần hao tổn, suy nhược dễ nhiễm khí xấu trong tháng cô hồn.

Có nên kiêng kỵ trong tháng cô hồn?

Trao đổi với Vietnamnet, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng việc kiêng kỵ tháng cô hồn là truyền miệng trong dân gian, không có cơ sở khoa học,  không nhất thiết phải kiêng. Ông Nguyễn Hùng Vĩ khuyên rằng thay vì sa đà vào các hủ tục mê tín dị đoan, người dân Việt Nam nên coi tháng 7 âm lịch là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Trịnh Sinh cũng cho biết đây là tín ngưỡng dân gian mà không ai hay một ngành khoa học nào có thể kiểm chứng về các quan niệm trong tháng cô hồn. Theo TS Trịnh Sinh. Tuy nhiên, từ quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người dân vẫn quan tâm và thường kiêng kỵ một số điều trong tháng cô hồn. 

TS Trịnh Sinh cũng khuyên rằng, thay vì mang nặng tư tưởng mê tín dị đoan, người dân nên coi đây là dịp cầu an, phóng sinh và đề cao việc báo hiếu, làm phúc. Qua đó, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất. 

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, dân gian đã kiêng thì mình nên tránh. Tuy nhiên, theo khoa học thì chưa ai chứng minh được rằng nếu không kiêng thì sẽ gặp họa.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói trên tờ Vietnamnet: "Trong Phật giáo, hoàn toàn không có những quan niệm như 18 điều nên tránh trong tháng 7, cũng như quan niệm về ngày tháng đẹp – xấu. Trong 360 ngày thì ngày nào cũng là ngày tốt. Xui hay không xui là do tâm lý của con người".

Nguồn gốc lễ Vu lan báo hiếu tháng 7 âm lịch

Tháng 7 âm lịch có 2 lễ lớn là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ và lễ xá tội vong nhân vào ngày Rằm 15/7. 

Nguồn gốc của lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ sự tích của Phật giáo.  Đệ tử đức Phật Thích ca là Mục Kiền Liên - là đệ tử thần thong nhất với nhiều những thuật biến hóa và hoàng pháp tế độ chúng sinh. Thương xót mẹ ở chốn địa ngục phải chịu cảnh đày ải khổ sở, đói khát. Theo lời đức Phật, Ngài đã đem hết của cải trong nhà cũng mời các vị chư tăng mười phương. Được sự giúp đỡ, đồng tâm hiệp lực của các chư tăng lập đàn cầu siêu tế độ giúp cho bà siêu thoát được.

Bởi thế cứ hễ đến ngày rằm 15/7, người dân thường đến chùa chiền tham dự ngày lễ báo hiếu cha mẹ.

Theo dân gian, từ mùng 2/7 âm lịch Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến 12 giờ đêm ngày 14/7 cánh cửa sẽ được đóng lại, các linh hồn đó phải quay về địa ngục.

Vào những ngày này, đặc biệt chiều tối 14/7 người dân sẽ chuẩn bị các nghi lễ cúng cô hồn, khao lao chúng sinh để các hồn ma không quấy phá gia đình mình. Đồng thời cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng, lang thang đó.

Xem thêm: Ngại khởi động làm ăn trong 'tháng cô hồn', lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh

Tin mới lên