Tài chính

Thắng doanh thu, ngành thép lại rụt rè lợi nhuận

(VNF) - Nối tiếp đà thăng hoa của năm 2021, ngành thép tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn đầu năm 2022 khi ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu khá mạnh mẽ.

Thắng doanh thu, ngành thép lại rụt rè lợi nhuận

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 11,43 triệu tấn.

Quý I tích cực

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 4 vừa qua, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,96 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 2,42 triệu tấn, cũng giảm 22,52% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 11,43 triệu tấn. Lượng tiêu thụ cũng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 10,56 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, tăng 9,4%.

Báo cáo của VSA cho biết trong quý I/2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu đạt khoảng 2,28 triệu tấn thép, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong quý này là khu vực ASEAN (40,57%), EU (19,32%), Hoa Kỳ (8,34%), Hàn Quốc (6,97%) và Hồng Kông (3,91%).

Về giá cả, giá thép trong nước quý I/2022 có xu hướng đi lên, đặc biệt là thép xây dựng. Cụ thể, bắt đầu từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2022, giá thép xây dựng trên cả nước đã tăng mạnh (từ 600 đồng - 1.200 đồng/kg), đưa giá các loại dao động trong khoảng 18.600 - 20.600 đồng/kg. Trung bình quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.

Các doanh nghiệp cho biết nguyên nhân tăng giá thép xây dựng là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất của các công ty tăng theo. Ngoài ra, các dự án trong nước đã hoạt động trở lại cũng là nguyên nhân thúc đẩy lượng tiêu thụ thép.

Đến nay, VSA cho biết giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể. Theo đó, giá thép xây dựng trong nước vừa được các công ty thép nội địa đồng loạt giảm giá nhẹ. Mức giảm khoảng 300 đồng - 920 đồng/kg. Nhiều thương hiệu thép lớn như Hoà Phát, Việt Đức, Việt Ý, Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam đều đồng loạt thông báo điều chỉnh giảm giá thép từ ngày 11/5.

Doanh thu tăng đều, lợi nhuận phân hóa

Hưởng lợi về giá, nhiều doanh nghiệp thép có doanh thu tăng trưởng cao trong quý I/2022, trong đó một số doanh nghiệp lớn đạt được tăng trưởng đồng thời cả doanh thu và lợi nhuận. Điển hình là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), doanh nghiệp này đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu trong quý I, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2021. Trong đó, sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của doanh nghiệp trong quý I/2022.

Hay như Thép Nam Kim (HoSE: NKG), đơn vị này có doanh thu quý I đạt mức 7.151 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận đạt 507 tỷ đồng, tăng 60%.

Tuy nhiên, mía không ngọt cả cụm. Ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng leo thang, kèm theo chi phí dầu, khí đốt, vận chuyển đều gia tăng khiến cho lợi nhuận của một doanh nghiệp thép nhỏ hơn bị suy giảm trong quý I, dù cho doanh thu tăng trưởng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại SMC (HoSE: SMC) đạt doanh thu hơn 6.630 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 63%, đạt 80 tỷ đồng. Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (UPCoM: TVN) có doanh thu đạt 12.240 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 195 tỷ đồng, giảm 50%.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) có doanh thu thuần 12.661 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 234 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) cũng không tránh khỏi kịch bản tương tự. Doanh thu của TIS tăng 24% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 34% (chỉ 29 tỷ đồng); doanh thu của TLH tăng 83% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 29% (đạt 86 tỷ đồng).

Toan tính thận trọng

Mặc dù năm nay được nhận định hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng từ xung đột Nga - Ukraine, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận khá thận trọng.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen đưa ra 3 phương án kinh doanh cho niên độ 2021 - 2022. Trong đó, kế hoạch về sản lượng được đề ra là 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng cho cả 3 phương án. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận sẽ thay đổi từ 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận giảm 11,1% về sản lượng, gần 5% về doanh thu và giảm từ 42% đến 65% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện niên độ 2020 - 2021.

Tương tự, Thép Nam Kim lên kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, giảm 28% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, kết thúc quý I, nhà sản xuất thép này đã thực hiện được 25,5% chỉ tiêu doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Đầu tư Thương mại SMC chỉ đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 20.000 tỷ đồng, giảm 6,2%; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 66,8% so với thực hiện trong năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ là 1,25 triệu tấn, giảm 2,9% so với năm ngoái.

VNSteel công bố kế hoạch doanh thu năm nay đạt 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,4% và 51,6% so với thực hiện 2021.

Đối với Tập đoàn Hoà Phát, trong báo cáo gửi đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ban lãnh đạo “vua thép” trình kế hoạch doanh thu năm nay tăng trưởng dương, với mức dự kiến 160.000 tỷ đồng. Dù kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn tăng gần 7% so với năm trước, nhưng Hòa Phát lại đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm nay vào khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13% - 28% so với năm 2021.

Kỳ vọng tăng trưởng từ bất động sản và đầu tư hạ tầng

Về triển vọng của ngành thép trong năm 2022, theo dự báo của Chứng khoán Mirae Asset, sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 33,3 triệu tấn, tăng 8%. Chứng khoán Mirae Asset cho rằng ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.

Trước đó, năm 2021, sản lượng thép toàn ngành đạt 30,8 triệu tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Theo Chứng khoán Mirae Asset, nhu cầu ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 khiến ngành bất động sản không thực sự sôi động trong năm 2021. Điểm sáng nhất của ngành giúp cho sản lượng không bị suy giảm đến từ việc kích cầu đầu tư công của Chính phủ cũng như nhu cầu rất lớn đến từ châu Âu và Mỹ.

Mirae Asset cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động của xung đột Nga – Ukraine. Sản lượng xuất khẩu được dự báo năm 2022 sẽ tăng 15% đạt mức 8,7 triệu tấn.

Trong khi đó, VSA đánh giá triển vọng thị trường thép có thể bắt đầu với một mặt bằng giá mới khi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng, nhu cầu trong nước có tín hiệu tốt. Tại Chỉ thị 01 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Còn trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, Chứng khoán BSC cho rằng trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn...

Xung quanh vấn đề giá thép, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, cho rằng giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế… đều đã tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu xây dựng, các dự án trong nước đã trở lại hoạt động khiến lượng tiêu thụ thép tăng cao. “Ngoài ra, không thể không nói tới yếu tố căng thẳng tại Nga – Ukraine như một tác nhân đẩy giá thép tăng đột biến hơn”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.

Với diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này dự báo giá thép trong nước sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn. “Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép… nhưng thị trường này đang có vấn đề khiến nguồn cung thiếu hụt nên rất khó nói trước về giá các mặt hàng trong tương lai”, ông Sưa nhấn mạnh.

Ông Nghiêm Xuân Ða, Chủ tịch VSA, cho biết để tạo động lực cho ngành thép phát triển, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19.

“Các doanh nghiệp thép xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất thép không ngừng đổi mới công nghệ, giảm chi phí giá thành nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay”, Chủ tịch VSA nhấn mạnh.

Tin mới lên