Tài chính

Thanh khoản TTCK năm 2022: Đừng vội lạc quan

(VNF) - Diễn biến dòng tiền từ nước ngoài cũng như trong nước vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2022 có thể không được lạc quan như đa số nhà đầu tư đang kỳ vọng.

Thanh khoản TTCK năm 2022: Đừng vội lạc quan

Thanh khoản TTCK năm 2022: Đừng vội lạc quan

"Tôi có quan điểm rằng Việt Nam khó thu hút được dòng tiền của nước ngoài trong năm 2022", chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường chia sẻ tại sự kiện FiinGroup Invest Summit: Triển vọng đầu tư năm 2022.

Ông Tường nhấn mạnh rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất với kế hoạch rất rõ ràng nên các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải tái cơ cấu danh mục cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, khi lãi suất tại Mỹ tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn đối với các thị trường mới nổi và thị trường cận biên, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường do đó sẽ hạn chế hơn.

Trên thực tế, dòng tiền nước ngoài vào TTCK Việt Nam những năm qua đa phần là dòng tiền từ châu Á chứ không phải từ Bắc Mỹ hay châu Âu. "Điều này chứng tỏ rằng TTCK Việt Nam cũng chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Bắc Mỹ và châu Âu. Vài năm trước đây, chúng ta có câu chuyện nâng hạng thị trường nhưng liên tục bị trì hoãn từ năm này qua năm khác", ông Tường nói.

Thêm vào đó, vị chuyên gia này cho rằng dòng tiền châu Á không có tính bền vững như dòng tiền từ Bắc Mỹ và châu Âu, nhất là dòng tiền từ Đài Loan, Hàn Quốc thường ra, vào thị trường rất nhanh khi có biến động.

"Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có câu chuyện gì mới để thu hút dòng tiền quay trở lại. Vì vậy, tôi không quá kỳ vọng vào dòng tiền từ nước ngoài", người được mệnh danh là "guru đầu bạc" của giới chứng khoán nêu góc nhìn.

Đối với dòng tiền trong nước, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường chỉ ra một hiện tượng "lạ": dư nợ margin tăng rất mạnh trong 3 quý gần đây nhưng nhà đầu tư cá nhân lại không tích cực mua ròng.

"Ví dụ trong quý IV/2021, tổng giá trị cho vay margin tăng lên khoảng 31.000 tỷ đồng nhưng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước chỉ đạt 400 tỷ đồng trên HoSE. Nếu cộng dồn quý III và quý IV/2021 thì tổng giá trị cho vay margin tăng thêm khoảng gần 50.000 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư cá nhân trong nước thậm chí còn rút ròng khoảng 4.000 tỷ đồng. Vậy tiền vay margin đi đâu?", ông Tường đặt nghi vấn trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan khi nhìn vào mức tăng dư nợ margin.

Bên cạnh đó, thước đo về chất lượng nhà đầu tư mới trên thị trường cũng cho thấy triển vọng dòng tiền không mấy khả quan. Cụ thể, dư nợ margin trên mỗi tài khoản đã giảm từ 70 triệu đồng cuối quý II/2021 xuống 54 triệu đồng cuối quý IV/2021. "Số lượng tài khoản tăng lên rất nhiều nhưng dòng tiền có vẻ chưa vào thị trường", ông Tường nhận định.

Theo vị chuyên gia này, năm 2022, trong bối cảnh dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường qua kênh margin, chất lượng nhà đầu tư mới đang giảm đi thì TTCK cần cú hích nào đó để tác động vào tâm lý nhà đầu tư, kéo nhà đầu tư quay trở lại.

"Khi nhìn vào những yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư, ngoài yếu tố lợi nhuận thì còn những yếu tố như: lãi suất có giảm không, chính sách kiểm soát TTCK có được nới lỏng hay không, các chương trình thoái vốn có được thúc đẩy hay không, hệ thống giao dịch mới có được đưa vào hoạt động hay không? Tôi chưa nhìn thấy yếu tố nào có xác suất cao sẽ xảy ra trong năm 2022. Vì vậy quan điểm của tôi là phải cẩn trọng với thanh khoản năm 2022", chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường nêu quan điểm.

Tin mới lên