Bất động sản

Thanh tra Bộ Công Thương: ‘Thoái vốn cảng Lotus không qua định giá’

(VNF) - Thanh tra Bộ Công Thương đã có Kết luận thanh tra số 5609/KL-BCT chỉ rõ hàng loạt sai phạm liên quan đến về việc thoái vốn tại Cảng Lotus của Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen. Cụ thể như: thẩm định giá không qua đấu giá và bán dưới giá trị thực; sai phạm trong việc chuyển nhượng 5ha đất, mua sắm thiết bị cảng gây lãng phí...

Thanh tra Bộ Công Thương: ‘Thoái vốn cảng Lotus không qua định giá’

“Nhóm lợi ích”?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Cảng Lotus liên doanh giữa Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương (Vietrans) thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty Tàu Biển Đen (Blasco) của Ukraine từ năm 1991, trong đó Vietrans chiếm 63% vốn. Hiện nay, Vietrans đang được Bộ Công Thương chuyển sang cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.

Ngày 18/3/2008, HĐQT Cảng Lotus đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-HĐQT về việc tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Hàng hải Bông Sen với tổng giá trị là 17,64 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty tự định giá phần vốn góp bằng hiện vật với giá trị 16 tỷ đồng, gồm: Cần cẩu P&H (1 tỷ đồng) và bãi container rộng 5 ha tọa lạc tại 1A Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM (15 tỷ đồng). Còn lại là tiền mặt 1,64 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 5 ha bãi container do UBND TP.HCM giao cho Cảng Lotus thuê kể từ ngày 10/3/2005 đến 31/8/2031 với giá thuê khoảng 0,18 USD/m2/năm, tương đương 4.140 đồng/m2/năm. Thông qua việc mang tài sản hình thành trên khu đất 5 ha góp vốn, Cảng Lotus cũng chuyển quyền sử dụng đất cho Hàng hải Bông Sen theo Quyết định số 1490/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.

Cho đến ngày 28/4/2008, Hàng hải Bông Sen được thành lập với vốn điều lệ là 36 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa. Cổ đông sáng lập gồm: Cảng Lotus nắm giữ 49% vốn điều lệ, còn lại 51% bất ngờ được sở hữu bởi ông Dương Tuấn Hải (30%) và Nguyễn Ngọc Hậu (21%). Ông Hậu là người giữ chức vụ Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Hàng hải Bông Sen.

Có thể thấy, thay vì tìm cổ đông chiến lược, thông thường là các tổ chức có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics, hai cổ đông nắm giữ tới 51% cổ phần của Hàng hải Bông Sen lại là hai cá nhân. Ông Hải và ông Hậu hẳn phải là người có năng lực và kinh nghiệm trong việc vận hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics mới được tham gia vào thương vụ được xem là đầy tiềm năng này.

Bên cạnh việc góp vốn bằng quyền khai thác cảng, bến bãi, đất đai, Cảng Lotus cũng đồng thời ký hàng loạt hợp đồng dịch vụ bốc xếp vận chuyển hàng hóa với Hàng hải Bông Sen từ năm 2012 - 2016.

Tuy nhiên, có một nghịch lý, kể từ khi thành lập Hàng hải Bông Sen vào giữa năm 2008, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của Cảng Lotus liên tục đi xuống. Nếu năm 2007 và 2008, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu lần lượt là 20,4% và 33,18% thì đến năm 2009 chỉ còn 18,96%, sau đó giảm xuống mức thấp nhất 0,37% vào năm 2012. Như vậy, cứ 100 đồng doanh thu chỉ tạo ra 3,7 đồng lợi nhuận sau thuế.

Sau cổ phần hoá, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Hàng hải Bông Sen "thụt lùi" bất thường

Những vi phạm bán phần vốn góp của Cảng Lotus đã làm dấy lên nghi vấn có hay không việc các cá nhân bán rẻ tài sản, gây thất thoát lớn cho Nhà nước, “rút ruột” làm giàu cho “nhóm lợi ích”? Bởi thực tế đã xảy ra vụ việc Vinalines bán cổ phần Cảng Quy Nhơn cho tư nhân thâu tóm, vi phạm quy định pháp luật và đã phải huỷ chuyển nhượng cổ phần, thu hồi lại tài sản khắc phục hậu quả và đã phải trả về cho nhà nước…

Nghi án làm thất thoát vốn nhà nước?

Cho đến ngày 20/7/2016, HĐQT Cảng Lotus họp và thông qua Biên bản họp lần thứ 31, có nội dung biểu quyết nhất trí việc bán toàn bộ số cổ phần sở hữu của Cảng Lotus tại Hàng hải Bông Sen là 17,64 tỷ đồng và giao cho Tổng giám đốc của Cảng Lotus thực hiện việc bán số cổ phần nêu trên.

Ngày 10/4/2017, đại diện Cảng Lotus - ông Phạm Huy Minh, Tổng giám đốc có Công văn số 29/LTS/2017 báo cáo việc thực hiện bán cổ phần. Cụ thể, sau 2 lần chào bán, tổng khối lượng 1.564.000 cổ phần (tương đương 44% vốn điều lệ) đã được bán thành công. Với giá mua bình quân 11.191 đồng/cổ phần, tổng số tiền thu về là 17,504 tỷ đồng, cao hơn 12% so với mệnh giá.

Sau thoái vốn, tính đến thời điểm 31/7/2017, Cảng Lotus chỉ còn nắm giữ 5% cổ phần của Hàng hải Bông Sen; cổ đông chiến lược bên ngoài nắm giữ 24,55%; cán bộ công nhân viên 2 công ty 64,16% và ông Phạm Huy Minh nắm giữ 6,29%.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kết luận thanh tra số 5609/KL-BCT của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ký ngày 17/7/2018, việc Cảng Lotus thoái vốn tại Hàng hải Bông Sen không thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá để làm cơ sở xác định giá khởi điểm là không phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 29, Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty Luật The Light thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Theo ông Đại, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, đối với trường hợp Cảng Lotus bán cổ phần tại Hàng hải Bông Sen, cần có Kiểm toán Nhà nước vào cuộc làm rõ, đồng thời cơ quan thanh tra xem xét hậu quả và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Trong trường hợp cần thiết có thể thu hồi số cổ phần đã bán như trường hợp tại Cảng Quy Nhơn.

Tin mới lên