Ngân hàng

'Tháo van' tín dụng bất động sản, vay tiêu dùng tăng hơn 31%

(VNF) - Vốn ngân hàng dành cho tín dụng bất động sản được kích hoạt mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng chung của lĩnh vực vay tiêu dùng trong gần một năm qua.

'Tháo van' tín dụng bất động sản, vay tiêu dùng tăng hơn 31%

Vay mua nhà, sửa nhà đã tăng nhanh trong một năm qua

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 31/12/2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (9 tháng đầu năm 2014 là 6,31%).

Trong số này, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%.

Ông Dũng cho hay xét về nhu cầu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đều tăng, trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của cá nhân giảm.

Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính. Trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm.

Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn.

Đối với vấn đề lãi suất cho vay đang bị xem là quá cao, đặc biệt tại các công ty tài chính, ông Dũng nói rằng theo quy định tại các văn bản hiện hành, các tổ chức tín dụng được phép thỏa thuận lãi suất cho vay đối với khách hàng vay trên cơ sở cung cầu vốn, mức độ tín nhiệm của khách hàng, rủi ro, mục đích của khoản vay, chi phí vốn đầu vào.

Đặc thù của loại hình của cho vay tiêu dùng là có rủi ro và chi phí cao nên theo nguyên tắc kinh tế, để bù đắp rủi ro các tổ chức tín dụng thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường.

Dưới góc độ đánh giá rủi ro cho vay, đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp, khó xác định chắc chắn tình hình tài chính và thu nhập để đánh giá khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm thấp, không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, vay tín chấp hoặc thế chấp nhưng giá trị tài sản thấp, khấu hao nhanh.

Trong khi đó, chi phí cho vay tiêu dùng lại cao do các chi phí quản lý, vận hành mạng lưới hoạt động cao, nhiều khoản vay nhỏ lẻ, có giá trị thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhiều trường hợp cán bộ tín dụng phải đến tận nơi của khách hàng để làm thủ tục cho vay... làm tăng chi phí quản lý.

Tính đến tháng 9/2015, lãi suất cho vay phục vụ đời sống của các công ty tài chính áp dụng đối với khách hàng phổ biến ở mức 20-35%/năm, cao hơn lãi suất cho vay thông thường. 

"NHNN đã làm việc và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn", ông Dũng nói.

Tin mới lên