Tiêu điểm

Tháo vòng luẩn quẩn ‘con gà – quả trứng’ trong đầu tư công

(VNF) – Luật Đầu tư công sửa đổi đã khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.

Tháo vòng luẩn quẩn ‘con gà – quả trứng’ trong đầu tư công

Luật Đầu tư công sửa đổi đã tháo vòng luẩn quẩn ‘con gà – quả trứng’ của việc đầu tư công

Sáng nay (4/7), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

7 luật này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14; Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Báo cáo một số nội dung chính của Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết điểm mới là luật này là đã thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đây là thay đổi nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, mang ý nghĩa rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước như trước đây (ví dụ như có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...)

Sự thay đổi này đồng thời giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.

Một điểm đáng chú ý khác của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là đã tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, đó là trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

“Luật Đầu tư công sửa đổi đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Trong đó, đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu điểm mới của Luật Đầu tư công sửa đổi là phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa bảo đảm thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, hội đồng nhân dân vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.

Với sửa đổi này, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương), phân cấp mạnh hơn trước đây là địa phương phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư công sửa đổi đã khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.

Trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp "lối ra" để xử lý.

Luật Đầu tư công sửa đổi đã đưa ra phương án là phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, theo đó, phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hằng năm.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Tin mới lên