Bất động sản

Thấy gì từ bức tranh kinh doanh của Capital House?

(VNF) – Doanh thu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô suy giảm liên tiếp trong giai đoạn 2017 – 2019. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh do vậy cũng “đổ đèo”, thậm chí là số âm vào năm 2019.

Thấy gì từ bức tranh kinh doanh của Capital House?

Thấy gì từ bức tranh kinh doanh của Capital House?

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô là cái tên khá tiêu biểu của thị trường bất động sản Hà Nội. Đây là doanh nghiệp hạt nhân của Capital House (thương hiệu xuất hiện lần đầu vào năm 2016, được dùng để gọi chung cho cả nhóm công ty).

Capital House là chủ đầu tư của một loạt dự án nhà ở thuộc cả 2 phân khúc: nhà ở cho người thu nhập thấp với thương hiệu EcoHome (dự án EcoHome 1, EcoHome 2, EcoHome 3, EcoHome Phúc Lợi) và nhà ở cho người thu nhập trung – cao cấp với thương hiệu EcoLife (dự án EcoLife Tây Hồ, EcoLife Capitol, EcoLife Riverside).

Ngoài ra, Capital House cũng đang triển khai một dự án nhà ở (biệt thự, liền kề) có quy mô khá lớn tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với tên gọi EcoCity Premia.

Bên cạnh bất động sản, Capital House cũng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với 2 thương hiệu GCA và Genesis, trong đó GCA là hệ thống trường mầm non còn Genesis là trường liên cấp.

Được thành lập vào năm 2004, Capital House được biết đến rộng rãi là đế chế của vợ chồng doanh nhân Đỗ Đức Đạt – Đỗ Thị Thùy Chi với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chỉ riêng doanh nghiệp hạt nhân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô cũng đã có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng (tính đến hết năm 2019).

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô: Doanh thu giật lùi

Là doanh nghiệp có tiếng tăm trên thị trường Hà Nội, song kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô lại gây ngạc nhiên khi liên tục suy giảm qua các năm.

Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, doanh thu thuần của công ty giảm cực mạnh từ 2.201 tỷ đồng xuống chỉ còn 286 tỷ đồng, tức giảm 7,6 lần.

Lợi nhuận gộp cũng giảm tương ứng từ 207 tỷ đồng xuống chỉ còn 60 tỷ đồng, tức giảm 3,4 lần.

Trong bối cảnh doanh thu tài chính giảm mạnh qua các năm, các loại chi phí lại neo ở mức cao, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty rơi vào tình cảnh lao dốc không phanh, giảm từ 77 tỷ đồng (2017) xuống 18 tỷ đồng (2018), thậm chí sụt sâu xuống -10 tỷ đồng (2019).

Phải nhờ đến khoản lợi nhuận khác lên tới 41 tỷ đồng, công ty mới có lãi trước thuế trong năm 2019, đạt 31 tỷ đồng. Mức lãi này dù chưa bằng một nửa so với năm 2017 (78 tỷ đồng), song cũng là “chấp nhận được” so với năm 2018 (chỉ 20,5 tỷ đồng).

Về tài sản, trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của công ty thăng giáng rất mạnh theo hình chữ V với đáy là năm 2018, lần lượt là: 3.363 tỷ đồng, 2.439 tỷ đồng và 3.389 tỷ đồng. Tuy vậy, chất lượng tài sản của công ty khá tốt khi các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho tương đối thấp.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty trong cùng giai đoạn trên lần lượt là: 2.378 tỷ đồng, 1.156 tỷ đồng và 2.099 tỷ đồng, đa số là nợ ngắn hạn.

Với quy mô nợ phải trả không lớn so với tổng tài sản, trong khi vốn chủ sở hữu dày dặn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty được duy trì ở ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, điểm đáng quan ngại trong bức tranh tài sản của công ty là hệ số thanh toán tức thời rất thấp và liên tục giảm qua các năm, lần lượt là 0,36, 0,26 và 0,25. Hệ số này thấp cho thấy khả năng dùng tiền để trang trải nợ ngắn hạn không tốt, do lượng tiền và tương đương tiền dự trữ cho thanh toán của công ty không cao, lần lượt là: 716 tỷ đồng, 233 tỷ đồng và 470 tỷ đồng.

Những mảnh ghép kém màu

Ngoài Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô, Capital House còn có khá nhiều cái tên đáng chú ý. Một trong số đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn EFC (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Capital House, sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn CHG). Đây là doanh nghiệp được lập ra vào tháng 9/2016, do ông Vũ Bá Sang làm tổng giám đốc.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy tính đến hết năm 2019, Tập đoàn EFC có vốn điều lệ 1.196,5 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Đức Đạt có tỷ lệ sở hữu cao nhất với 70,24%, kế tiếp là bà Đỗ Thị Thùy Chi với 10%. Bà Đỗ Thị Thúy nắm 1,46% nhưng đã chuyển nhượng.

Về tài sản, tổng tài sản của công ty tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 2016 – 2019, từ 159,6 tỷ đồng lên 1.535 tỷ đồng, tức tăng gấp 9,6 lần. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng này là vốn chủ sở hữu, khi tăng một mạch từ 150 tỷ đồng lên 1.218 tỷ đồng, tức tăng gấp 8 lần.

Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của công ty lại không có sự đồng pha với tốc độ tăng tài sản. Tập đoàn EFC bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2017 với 19,5 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tăng lên 25 tỷ đồng song năm kế tiếp lại sụt xuống 13,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế mà công ty đạt được cao nhất là năm 2017 với 17,9 tỷ đồng. Các năm sau đó, lợi nhuận liên tiếp tục dốc, giảm xuống 7,2 tỷ đồng (năm 2018) rồi 5,2 tỷ đồng (năm 2019).

Một doanh nghiệp đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Đầu tư TDI. Doanh nghiệp này thành lập tháng 7/2010, vốn điều lệ đến hết năm 2019 là 24 tỷ đồng, đại diện pháp luật bởi bà Đào Thị Hồng Nhung.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, Đầu tư TDI có sự tăng trưởng khá nhanh về tài sản, từ 35,3 tỷ đồng lên 108,6 tỷ đồng, tức tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này lại đến từ nợ phải trả. Nợ phải trả của công ty trong cùng giai đoạn đã tăng rất mạnh từ 4,5 tỷ đồng lên 96,1 tỷ đồng, tức tăng gấp… 21 lần.

Trong bối cảnh đó, vốn chủ sở hữu của công ty lại không ngừng giảm, từ 30,7 tỷ đồng xuống 12,5 tỷ đồng. Hệ quả là đến năm 2019, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên tới 7,6 lần.

Doanh thu của Đầu tư TDI diễn biến khá lạ khi đạt 9,8 tỷ đồng năm 2017, rồi bất ngờ không ghi nhận doanh thu năm 2018, trước khi đạt 13,8 tỷ đồng năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế là câu chuyện buồn khi công ty chỉ báo lãi vào năm 2016 với mức lãi khiêm tốn 177 triệu đồng, còn các năm sau đó là chuỗi thua lỗ với mức lỗ khá nặng, lần lượt là: -16 tỷ đồng, -156 triệu đồng và -9,5 tỷ đồng.

Ngoài 2 công ty trên, Capital House còn ít nhất 2 doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án Eco City Premia Buôn Ma Thuột) và Công ty Cổ phần Đầu tư nhà An Bình ( chủ đầu tư dự án EcoLife Riverside Quy Nhơn).

Về Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk, doanh nghiệp này được lập ra vào tháng 7/2018. Tính đến hết năm 2019, vốn điều lệ của công ty đạt 400 tỷ đồng, chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là Bùi Viết Sơn và Phạm Mạnh Hùng (người đang nắm chức CEO).

Do dự án EcoCity Premia đang trong quá trình triển khai, giai đoạn 2018 – 2019, công ty chưa ghi nhận doanh thu và báo lỗ sau thuế lần lượt là: -1 tỷ đồng và -1,9 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nhà An Bình, doanh nghiệp này thành lập tháng 10/2019, vốn điều lệ 220 tỷ đồng, đại diện theo pháp luật là Giám đốc Hà Tất Thắng. Năm 2019, công ty chưa ghi nhận doanh thu và báo lỗ sau thuế 253 triệu đồng. Tính hết năm 2019, tổng tài sản của công ty đạt 249,6 tỷ đồng.

Tin mới lên