Ngân hàng

Thấy gì từ việc ‘chấm dứt mua ngân hàng 0 đồng’?

(VNF) – Nhìn rộng hơn từ câu chuyện "không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng", có thể mường tượng được trở lực rất lớn nếu NHNN có ý định tiến hành phá sản một ngân hàng cụ thể.

Thấy gì từ việc ‘chấm dứt mua ngân hàng 0 đồng’?

Sẽ không có thêm ngân hàng 0 đồng

Từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức đưa thuật ngữ "0 đồng" vào dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, nay, các thành viên Chính phủ lại thống nhất "không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng".

Các ngân hàng yếu kém, theo đó, sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng chỉ là vấn đề câu chữ.

Ông Thành đặt vấn đề, dự thảo Luật đưa ra quy định NHNN thực hiện mua bắt buộc với một điều kiện quan trọng là "giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng", vậy, mua bắt buộc phải bằng giá nào nếu không phải là 0 đồng? Vốn chủ sở hữu đã âm, các tổ chức/nhà đầu tư trên thị trường đều đã chê, thì làm sao Nhà nước có thể mua với giá dương đồng?

Vị giảng viên Fulbright nhận định, nói là chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn phải là mua 0 đồng. Còn nếu không 0 đồng, thì phải điều chỉnh lại là NHNN chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, chứ không mua bắt buộc. Ngay khi dùng ngôn từ này thì về thực chất, các cổ đông hiện hữu của TCTD cũng mất quyền cổ đông, tương tự như mua bắt buộc.

Thực chất, việc mua 0 đồng trước nay chỉ mang tính hình thức, giá mua 0 đồng chỉ mang tính biểu tượng, tuy nhiên, từ khi NHNN bắt đầu mua bắt buộc một số ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều, nhất là những ý kiến đi sâu vào giá mua 0 đồng.

Với việc "không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng", NHNN như đã đi một vòng tròn lớn, nay quay trở lại điểm ban đầu là không dùng giá tượng trưng 0 đồng, dù bản chất việc mua bắt buộc vẫn không có gì thay đổi. Tín hiệu này phần lớn mang mục đích xử lý vấn đề truyền thông, làm dịu tâm lý bằng việc loại bỏ điểm nhấn "0 đồng".

Tuy nhiên, bản thân NHNN chính là cơ quan đề xuất đưa thuật ngữ "0 đồng" vào dự thảo Luật, cho thấy NHNN muốn thừa nhận công khai cũng như hợp thức hóa cách thức mua lại này, bất chấp có nhiều ý kiến trái chiều. Dù vậy, ý định này của NHNN không được các thành viên Chính phủ thông qua.

Nhìn rộng hơn, việc tiến hành phá sản ngân hàng có thể sẽ gặp trở lực rất lớn từ phía các thành viên Chính phủ, bởi một khi phá sản ngân hàng xảy ra hoặc có ý định rõ ràng sẽ xảy ra, lượng ý kiến trái chiều là cực lớn.

Tin mới lên