Tài chính quốc tế

The Economist: 'Quan hệ Mỹ-Trung sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2020’

(VNF) - Đó là nhận định của bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) trong báo cáo mới đây.

The Economist: 'Quan hệ Mỹ-Trung sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2020’

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Trong báo cáo, EIU khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nên chuẩn bị cho sự biến động hơn nữa vào năm 2020, bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo nhận định của EIU, mặc dù đã có tiến triển trong cuộc chiến thuế quan, quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2020 và có khả năng sẽ xấu đi trong giai đoạn 2021-2024.

Báo cáo nêu rõ giữa hai nước có những vấn đề mang tính cơ cấu sâu sắc hơn mà thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chưa thể giải quyết được, trong đó có thể kể đến như bất đồng trong chính sách công nghiệp và vấn đề tiếp cận thị trường của Trung Quốc.

Những bất đồng này trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hai nước đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược để tìm kiếm sự thống trị công nghệ toàn cầu. Bản chất cơ bản của những tranh chấp này sẽ chuyển hóa thành căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Về lâu dài, trong mọi trường hợp, quan hệ kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục được định hình bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến sự chia tách giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

EIU giả định rằng thỏa thuận thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì cho đến cuộc tổng tuyển cử quan trọng của Mỹ vào tháng 11/2020.

Cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 15/1 đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại một buổi lễ được tổ chức ở Nhà Trắng.

Theo văn kiện được ký kết, Trung Quốc đã nhất trí mở rộng đáng kể danh mục hàng hóa nước này mua của Mỹ, lên tới trên 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD nông sản, 75 tỷ USD các sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD năng lượng.

Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.

Mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.

Trong khi đó, kế hoạch áp thuế lên gần 160 tỷ USD hàng Trung Quốc như điện thoại, máy tính, đồ chơi, hàng may mặc, từ ngày 15/12/2019 sẽ được hoãn vô thời hạn. Những cam kết trên dự kiến có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký kết.

Ngoài ra, thỏa thuận giai đoạn 1 này cũng bao gồm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như chuyển giao công nghệ, tiền tệ và khả năng tham gia vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Trung Quốc từ phía Mỹ bao gồm tài chính, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong thỏa thuận này cũng có điều khoản rằng, Mỹ sẽ có quyền đơn phương áp thuế đối với các loại hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không thực hiện đúng theo thỏa thuận đã ký.

Điểm lại diễn biến tranh chấp thương mại Mỹ-Trung:

22/1/2018: Mỹ thông báo đánh thuế 30% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu, 20% đối với máy giặt nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc. Trung Quốc phản ứng bằng những tuyên bố chỉ trích.

8/3/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu.

2/4/2018: Bộ Thương mại Trung Quốc áp thuế nhập khẩu mới đối với 128 sản phẩm của Mỹ. Theo đó, 120 mặt hàng nhập khẩu trong đó có trái cây sẽ chịu mức thuế 15%, trong khi 8 sản phẩm còn lại, trong đó có thịt lợn, sẽ là 25%

3/4/2018: Mỹ công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới 25% trong gói trừng phạt trị giá 50 tỷ USD sau cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của Mỹ, bao gồm các sản phẩm: công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, thuốc trị bệnh, thiết bị y tế, giáo dục.

4/4/2018: Trung Quốc đáp trả bằng việc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế 25%, trong đó có đậu tương, máy bay, ô tô và hóa chất. Trung Quốc tuyên bố, thời điểm mức thuế mới này có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào thời điểm Mỹ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kể từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018, Mỹ tung ra ba vòng áp thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhắm tới một loạt mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ túi xách cho đến thiết bị tàu hỏa.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành. Họ cáo buộc Mỹ khơi mào "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử".

Tháng 12/2018, căng thẳng thương mại hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý về một "lệnh ngừng bắn".

Washington đình chỉ trong ba tháng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng sản phẩm "đáng kể" của Mỹ và đình chỉ việc áp thêm thuế với ôtô và phụ tùng ôtô Mỹ trong ba tháng. Sau "lệnh ngừng bắn", phái đoàn hai bên tổ chức nhiều vòng đàm phán để đưa ra một thỏa thuận thương mại.

Tình trạng đối đầu quay trở lại vào ngày 10/5, khi Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán. Mỹ cho biết thỏa thuận giữa hai bên đã sắp ngã ngũ nhưng vào phút chót, Trung Quốc đột ngột yêu cầu sửa đổi dự thảo, rút lại các cam kết quan trọng trong đó có việc đồng ý sửa luật, vốn là mấu chốt để giải quyết các phàn nàn khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, Bắc Kinh nêu ba lý do khiến họ thay đổi điều kiện: Washington từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý; Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của họ.

Ngày 13/5, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực kể từ ngày 1/6.

Hai ngày sau, ông Trump mở ra một mặt trận mới về công nghệ trong cuộc chiến bằng cách cấm Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mua linh kiện Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài được coi là có rủi ro an ninh cao.

Sau 13 lần đàm phán, Mỹ - Trung ngày 13/12/2019 tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn một.

Theo thỏa thuận này, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Đổi lại, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực cùng ngày, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ.

Xem thêm >> Kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc tăng kỷ lục

Tin mới lên