Tài chính quốc tế

Thế giới sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD 'nếu người trẻ được đối xử như ở Đức'

(VNF) - Kinh tế thế giới sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD nếu tất cả 35 quốc gia OECD giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống mức thấp như ở Đức, theo một nghiên cứu của hãng kiểm toán PwC.

Thế giới sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD 'nếu người trẻ được đối xử như ở Đức'

Thế giới sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp như ở Đức.

Ở Đức, chỉ 10% số người trong độ tuổi 20-24 thất nghiệp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo tại trường học. Đây được xem là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới hiện này.

Nếu tất cả 35 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống mức thấp như ở Đức, thì kinh tế thế giới sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD, theo một nghiên cứu của hãng kiểm toán PwC.

Thụy Sĩ đứng đầu về "chỉ số công nhân trẻ" của PwC. Trong khi đó, Đức đứng thứ hai. Mỹ nằm trong top 10 và Anh đứng thứ 21. Các quốc gia Nam Âu ở trong tình trạng tồi tệ nhất, cho thấy những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ châu Âu.

Ý đứng cuối bảng xếp hạng về chỉ số trên, với 35% người trẻ không có việc làm hay không đi học. Nếu Ý cải thiện tỷ lệ này như ở Đức, GDP của nước này có thể tăng thêm 156 tỷ USD, báo cáo cho biết. Một báo cáo khác được công bố tuần trước cho thấy cứ 10 người Ý thì có 1 người dưới 34 tuổi đang sống trong nghèo đói.

Tại sao các nước như Đức và Thụy Sĩ lại đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều so với các nước khác? Theo báo cáo, chính phủ các nước này đã áp dụng thực hiện "hệ thống giáo dục kép" kết hợp giữa việc học nghề trong môi trường thực tế tại một doanh nghiệp và tại trường dạy nghề, theo đó cơ sở làm việc tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, còn nhà trường cung cấp kiến thức lý thuyết về cơ bản.

Để có thể theo học, người học nghề, phải có một hợp đồng với một doanh nghiệp. Trong thời gian học, học sinh học nghề học phần lý thuyết ở trường dạy nghề và phần thực hành tại hãng xưởng.

Sau khi tốt nghiệp, con đường dẫn tới cơ hội có một công việc ổn định sẽ rộng mở hơn, ngay cả đối với việc tiếp tục được đào tạo để trở thành thợ cả. Ngoài ra học viên đạt được trình độ thợ cả còn được phép đi học tại các đại học chuyên ngành hoặc các trường đại học tổng hợp.

Tại Đức một Đạo Luật Dạy nghề đã cung cấp 500.000 hợp đồng đào tạo từ các doanh nghiệp trong một năm. Cách sử dụng lao động cũng được coi là chìa khóa để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Thụy Sĩ và Đức. 

Báo cáo của PwC nhấn mạnh Anh, nơi mà 17% những người trẻ tuổi không có việc làm hoặc không đi học tại các trường học, nếu tỷ lệ này giảm xuống còn 10%, Anh có thể thêm 45 tỷ bảng Anh (65 tỷ USD) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Số tiền này tương đương 2,3% GDP của Anh, báo cáo cho biết.

Ở Anh, một trong những rào cản lớn nhất đối với người sử dụng lao động là luôn cân nhắc việc học nghề - đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ - thường rất lo sợ rằng sau một thời gian dài đào tạo, khi các lao động đã "cứng tay" sẽ rời bỏ công ty. Trong khi đó, hơn 98% các doanh nghiệp nhỏ ở Thụy Sĩ thoải mái hơn với quan điểm này.

Tin mới lên