Tài chính quốc tế

Thế giới thay đổi như thế nào sau khi dân số đạt 8 tỷ người?

(VNF) - Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11. Cột mốc này đạt được chỉ 11 năm sau khi dân số loài người chạm ngưỡng 7 tỷ.

Thế giới thay đổi như thế nào sau khi dân số đạt 8 tỷ người?

Thế giới thay đổi như thế nào sau khi dân số đạt 8 tỷ người?

Tăng dân số chậm lại

Phần lớn sự gia tăng dân số thế giới đã xảy ra trong thế kỷ trước, khi mức sống tốt hơn và những tiến bộ về sức khỏe kéo dài tuổi thọ.

Tổng số người trên trái đất tăng từ 2 tỷ năm 1927 lên 6 tỷ vào năm 1998. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu ban đầu rằng sự gia tăng này đang chậm lại. Mức tăng dân số hàng năm hiện đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1950.

Mặc dù chỉ sau khoảng 11 năm dân số thế giới đã tăng thêm một tỷ người, nhưng sẽ mất thêm 15 năm nữa để đạt được cột mốc tiếp theo, theo các dự đoán của Liên hợp quốc. 

Các nước giàu sẽ có ít trẻ sơ sinh hơn

Sự chậm lại phần lớn là do các quốc gia giàu có, nơi mà việc nuôi dạy một đứa trẻ đè nặng lên vấn đề tài chính khiến tỉ lệ sinh con thấp hơn các nước khác. Cùng với đó, tỷ lệ kết hôn giảm cũng góp phần làm chậm mức tăng dân số hàng năm.

Điều đó đồng nghĩa với việc một số quốc gia phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số, chẳng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngay cả khi các chính phủ sử dụng các biện pháp như xuất chi và các khoản vay mua nhà tốt hơn cho các gia đình có nhiều con hơn, Liên hợp quốc vẫn nhận thấy rất ít dấu hiệu thay đổi.

Theo đó, trong ba thập kỷ tới, số người dưới 65 tuổi ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao sẽ giảm trong khi nhóm nhân khẩu học già hơn độ tuổi đó sẽ tăng lên.

Gia tăng dân số ở các quốc gia nghèo hơn

Liên hợp quốc dự báo rằng phần lớn sự gia tăng dân số trong tương lai của thế giới sẽ tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp, chẳng hạn như Ấn Độ, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ethiopia, Tanzania, Uganda và Indonesia.

Vào năm 2023, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Các quốc gia và tổ chức phi lợi nhuận đang cố gắng nâng cao nhận thức về các vấn đề như kiểm soát sinh sản để giảm tỷ lệ sinh.

Không có kịch bản "ngày tận thế"

Đã có những kịch bản tận thế thường được vẽ ra về sự gia tăng đột biến dân số toàn cầu, bao gồm cả những kịch bản được phổ biến bởi “Quả bom dân số” do giáo sư Paul Ehrlich của Đại học Stanford viết vào năm 1968, cảnh báo về nạn đói hàng loạt. 

Tuy nhiên, các kịch bản này khó lòng xảy ra do những tiến bộ trong công nghệ canh tác và sự suy giảm tỷ lệ sinh. 

Mặc dù vậy, Liên hợp quốc cảnh báo rằng sự gia tăng dân số đã góp phần gây hại cho môi trường, đồng thời thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu và các vấn nạn khác. 

Tăng tốc năng lượng tái tạo

Đối mặt với vấn đề bùng nổ dân số, thế giới cần nhiều hơn năng lượng tái tạo khi các công nghệ này là lời giải bền vững và kinh tế hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% sản lượng năng lượng. Khi dân số tăng lên và các nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng tăng lên.

Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho biết, năm 2021, 2/3 lượng điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất thấp hơn so với sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch ở các nước G20.

Trong khi đó, các tòa nhà hiện tại cần được trang bị thêm để trở nên tiết kiệm năng lượng hơn, chẳng hạn như cách nhiệt hiệu quả hơn và lắp đặt các máy bơm nhiệt.

Xem thêm >>Hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu năm 2022 đạt kỷ lục gần 2.000 tỷ USD 

Tin mới lên