Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: 300 ngày chiến sự Nga – Ukraine, TT Putin muốn kết thúc càng sớm càng tốt

(VNF) - Bắt đầu từ ngày 24/2, cuộc chiến Nga - Ukraine tới nay đã tiến sang ngày thứ 305 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tất cả các bên liên quan tới chiến sự, dù trực tiếp hay gián tiếp, vẫn đang tiếp tục tìm các biện pháp mới để trừng phạt và làm tổn hại lẫn nhau.

Thế giới tuần qua: 300 ngày chiến sự Nga – Ukraine, TT Putin muốn kết thúc càng sớm càng tốt

Ảnh minh hoạ.

Chiến sự Nga – Ukraine vượt mốc 300 ngày

Tính tới ngày 20/12, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 300.

Bắt đầu vào ngày 24/2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân đội vào miền đông Ukraine để “bảo vệ cư dân vùng Donbass”, một trong 2 khu vực mà Moscow công nhận độc lập trước đó, cuộc chiến hiện tại đã lan ra nhiều thành phố lớn của Ukraine, nâng cấp cả về quy mô và tính chất.

Các cuộc tấn công của lực lượng Nga đã được báo cáo tại các thành phố lớn trên khắp Ukraine, bao gồm Berdyansk, Chernihiv, Kharkiv, Odesa, Sumy và thủ đô Kiev. Các quan chức phương Tây tuyên bố rằng xét về phạm vi, cuộc chiến có thể là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.

Cuối tháng 9, Nga đã chính thức sáp nhập 4 khu vực thuộc lãnh thổ Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye sau một cuộc trưng cầu dân ý tập thể tại các địa điểm này. $ khu vực nêu trên chiếm khoảng 15% diện tích Ukraine, và được coi là có tầm quan trọng “chiến lược” giúp Nga giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài ra, Moscow cũng đang nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhie (ZNPP).

Trong những diễn biến gần đây, phía Kiev cáo buộc Nga liên tục pháo kích vào Kiev và gây ra các cuộc mất điện diện rộng. Cơ quan điện lưới quốc gia và người đứng đầu các khu vực bị ảnh hưởng đã đưa ra cảnh cáo về nguy cơ mất điện kéo dài có thể ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục triệu dân Ukraine.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã xác minh tổng cộng 6.826 dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến, tính đến ngày 18/12. Trong số đó, 428 nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, 10.769 người được báo cáo là đã bị thương. Tuy nhiên, OHCHR đã xác định rằng con số thực có thể cao hơn.

Các nước phương Tây như các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ đã áp đặt hàng nghìn biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các hạn chế nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tài chính, các cá nhân có liên kết với chính phủ và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga. EU tới nay đã áp đặt tới gói trừng phạt thứ 9, cũng cấm các hãng hàng không Nga vào không phận của mình, trong khi Đức tạm dừng cấp phép cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Mới đây nhất, các quốc gia G7 và Liên minh châu Âu đã thống nhất áp đặt trần giá với sản phẩm khí đốt và dầu mỏ của Nga, nhằm hạn chế thu nhập của quốc gia này thông qua 2 sản phẩm xuất khẩu chính. Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Moscow cũng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 vừa qua.

Ngày 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ cố gắng để đảm bảo cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt, hãng thông tấn TASS đưa tin. Ngoài ra, ông Putin cũng lần đầu sử dụng từ “chiến tranh” với cuộc chiến tại Ukraine, thay vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” như ông vẫn gọi trước đây, cho thấy sự nâng cấp về quy mô cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine đến Mỹ

Ngày 21/12, lần đầu tiên kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã có chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài tới Mỹ. Tại đây, Tổng thống Ukraine đã gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden và có bài phát biểu trước Nghị viện Mỹ, nhằm thuyết phục Lầu Năm Góc viện trợ thêm cho Kiev.

Theo CNN, chuyến thăm Nhà Trắng của ông Zelensky như ngầm củng cố vai trò của Mỹ như một "kho vũ khí dân chủ" trong cuộc chiến của Ukraine, đồng thời là lời cảnh cáo gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Như các phương tiện truyền thông đưa tin, ông Zelensky đã gặp mặt ông Joe Biden tại Nhà Trắng trong cuộc gặp song phương giữa các quan chức cấp cao của cả hai quốc gia, sau đó là cuộc họp báo chung, nơi Biden cam kết giúp đỡ nhà lãnh đạo Kiev “miễn là có thể”.

Sau đó, tối 21/12 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo Ukraine đã có bài phát biểu lịch sử dài 32 phút trước các nhà lập pháp Mỹ tại tòa nhà Quốc hội ở Washington DC. Tổng cộng, cuộc viếng thăm nước Mỹ của nhà lãnh đạo Ukraine kéo dài chỉ 10 tiếng đồng hồ.

“Bất chấp tất cả các kịch bản bất lợi, diệt vong và u ám, Ukraine đã không gục ngã. Ukraine đang sống và đang phát triển”, ông Zelensky nói trong sự ủng hộ nồng nhiệt của các nhà lập pháp Mỹ.

Cùng ngày 21/12, Ngoại trưởng Antony Blinken đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine bao gồm hệ thống tên lửa Patriot mà Nga đã cảnh báo Mỹ không được gửi tới Ukraine.

Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ nhận được khoản viện trợ gần 45 tỷ USD vừa được Mỹ phê duyệt trong dự luật tài chính cho năm 2023.

Mỹ thông qua dự luật chi tiêu năm 2023 trị giá 1.700 tỷ USD

Ngày 23/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói dự luật chi tiêu khổng lồ trị giá 1.700 tỷ USD để duy trì tài trợ cho chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2023, tránh tình trạng phải đóng cửa một phần. Trước đó 1 ngày, Thượng viện cũng đã thông qua dự luật này.

“Dự luật tài trợ lưỡng đảng thúc đẩy các ưu tiên chính cho đất nước chúng ta và đánh dấu một năm tiến bộ lịch sử đối với người dân Mỹ”, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 23/12, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ ký thành luật “ngay khi nó được đưa tới bàn của tôi”.

Dự luật giữ cho chính phủ liên bang được tài trợ cho đến ngày 30/9 và cung cấp tài chính cho năm tài chính 2023.

Cụ thể, dự luật chi tiêu năm 2023 của Mỹ bao gồm 772,5 tỷ USD tài trợ cho các chương trình trong nước và 858 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tăng 10% so với năm 2022. Đáng chú ý, gói dự thảo bao gồm 45 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo bổ sung cho Ukraine và các đồng minh NATO.

Ngoài ra, gói cũng bao gồm 40 tỷ USD để cứu trợ thiên tai, 785 triệu USD cho các dịch vụ di cư ở các thành phố ẩn náu và 5 tỷ USD cho Quỹ Chi phí Phơi nhiễm Chất độc Chiến tranh thông qua Đạo luật PACT, mở rộng lợi ích chăm sóc sức khỏe cho các cựu quân nhân Mỹ.

Dự luật cũng bao gồm một điều khoản để cải cách Đạo luật Kiểm phiếu Bầu cử, cập nhật luật năm 1887 và làm rõ rằng vai trò của Phó Tổng thống trong việc xác nhận các phiếu đại cử tri chỉ mang tính chất nghi lễ, sau vụ kiện đáng ngờ về mặt pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump rằng cựu Phó Tổng thống Mike Pence có quyền can thiệp vào việc nghị viện chứng nhận số phiếu đại cử tri năm 2020.

Nó cũng bao gồm lệnh cấm nền tảng truyền thông xã hội TikTok trên các thiết bị của chính phủ, sau nhiều sáng kiến tại một số tiểu bang nhằm cấm ứng dụng này vì lý do lo ngại an ninh quốc gia. Công ty Trung Quốc ByteDance, sở hữu TikTok, nhiều lần bị nghi ngờ có thể sử dụng nền tảng này để theo dõi người Mỹ.

Dự luật chi tiêu dự kiến sẽ là bộ luật lớn cuối cùng được thông qua trước khi Nghị viện mới triệu tập vào tháng 1/2023.

EU thống nhất mức trần giá khí đốt

Đầu tuần này (19/12), Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được mức trần giá khí đốt chính thức sau nhiều tháng đề xuất và tranh luận giữa 27 quốc gia thành viên.

Cụ thể, mức trần giá 180 EUR được áp dụng cho Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF), trung tâm kinh doanh khí đốt hàng đầu của châu Âu và các địa điểm tương tự khác. Giá quy định hàng ngày tại TTF có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hóa đơn mà các công ty và người tiêu dùng nhận được hàng tháng.

Mức trần khí đốt sẽ tự động được kích hoạt chỉ khi hai điều kiện chính được đáp ứng. Một là nếu giá TTF đạt hoặc vượt qua 180 EUR (191 USD) mỗi megawatt-giờ (MWh) trong ít nhất 3 ngày. Hai là nếu giá TTF cao hơn 35 EUR so với giá tham chiếu thị trường của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong ít nhất 3 ngày giao dịch liên tiếp.

Mục tiêu của EU là ngăn chặn đợt tăng đột biến kỷ lục mà TTF đã trải qua trong mùa hè khi các chính phủ đổ xô bơm khí đốt vào các kho chứa dưới lòng đất của họ. Giá cả sau đó đã ổn định nhưng vẫn ở mức cao.

Sau khi được kích hoạt, mức trần sẽ hoạt động trong 20 ngày nhưng trong trường hợp giới hạn dẫn đến giảm nguồn cung cấp khí đốt, buộc phải phân phối, gây bất ổn tài chính, gây nguy hiểm cho các hợp đồng hiện có hoặc khuyến khích tiêu thụ điện, nó có thể bị đình chỉ hoàn toàn theo quyết định của Ủy ban Châu Âu (EC).

Mức giới hạn này sẽ chỉ áp dụng cho các hợp đồng kỳ hạn một tháng, kỳ hạn ba tháng và kỳ hạn một năm được thực hiện tại TTF, đại diện cho hơn 1/5 giao dịch của trung tâm nhưng có ảnh hưởng lớn đến tất cả các giao dịch khí đốt.

Biện pháp chưa từng có này nhằm mục đích kiềm chế giá năng lượng khi khối này "quay cuồng" với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn bao giờ hết kể từ khi Moscow ngừng cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho EU.

Theo Reuters, giới hạn có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023 và ban đầu sẽ không áp dụng cho các giao dịch mua bán tự do.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trần giá khí đốt sẽ được kích hoạt khi giá trên sàn giao dịch TTF đạt 275 EUR cho mỗi megawatt giờ (MWh) và cao hơn 58 EUR so với giá tham chiếu LNG cho hai tuần.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối và khơi mào tranh luận giữa 27 quốc gia thành viên, Hội đồng EU đã đề xuất giảm mức trần xuống 220 EUR/MWh, nhưng vẫn không thể tìm được sự đồng thuận.

Đáp lại biện pháp trừng phạt mới nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm 19/12 rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đặt trần giá khí đốt là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cho biết thêm rằng Nga sẽ đưa ra phản ứng thích hợp đối với động thái của EU.

Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda.

 

Vốn nổi tiếng vì kiên định với chương trình thả lỏng tiền tệ, ngày 20/12 vừa qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã bất ngờ quyết định tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ mức cộng trừ 0,25% hiện nay lên cộng trừ 0,5%.

Quyết định này được đưa ra sau phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày của Hội đồng Chính sách BoJ trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Mặc dù vậy, trong chương trình kiểm soát đường cong lãi suất, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quyết định trên vẫn đồng nghĩa với việc BoJ đã tăng lãi suất dài hạn.

Trong thông báo phát đi cùng ngày, BoJ nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra nhằm tăng cường “sự bền vững của việc nới lỏng tiền tệ” trong khuôn khổ hiện nay. Bên cạnh đó, những biến động gia tăng trên các thị trường tài chính toàn cầu đang tác động tới Nhật Bản, và “hoạt động của các thị trường trái phiếu đang xấu đi”.

Bình luận về quyết định trên của BoJ, chuyên gia Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi, nói: “Thời điểm đưa ra quyết định này là đáng ngạc nhiên. BoJ đang bắt đầu đặt nền móng cho sự điều chỉnh chính sách trong thời hậu Thống đốc Kuroda”.

Ngay sau khi BoJ công bố quyết định trên, đồng yên đã tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ, lên mức 133 yên/USD.

Bão tuyết kinh hoàng tại Mỹ

Bắt đầu từ ngày 21/12, nước Mỹ đã phải đón chịu cơn bão có tên gọi Elliott với cường độ mạnh, mang theo gió lớn và bão tuyết, ước tính bao phủ diện tích hơn 3.200 km2. Nhiệt độ giảm mạnh dự kiến khiến cho đêm Giáng sinh năm nay trở thành kỳ nghỉ lễ lạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ.

Cơn bão tuyết với sức ảnh hưởng chưa từng có tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ, khiến lưới điện bị hư hại, ùn tắc trên cao tốc và hàng nghìn chuyến bay bị hủy.

Tính đến ngày 24/12, bão tuyết đã bao trùm phần lớn nước Mỹ, hơn 2 triệu người phải chịu cảnh mất điện, hàng chục người thiệt mạng vì tai nạn xe hơi và hàng ngàn người phải hủy chuyến bay, theo đài CNN.

Theo trang FlightArawe, trong 2 ngày 24-25/12, trên tổng số hơn 16.000 chuyến bay dự kiến xuất hành đến và đi trên nước Mỹ, đã có tới hơn 14.400 chuyến bay bị huỷ. Số liệu thống kê chưa bao gồm số chuyến bay bị huỷ trong 2 ngày trước đó, cho thấy cường độ khủng khiếp của cơn bão.

Đêm 24/12, Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear đã đưa ra cảnh báo với toàn bộ cư dân "Hãy ở nhà, giữ an toàn, giữ mạng sống" sau khi bang này ghi nhận ba trường hợp thiệt mạng do bão tuyết gây ra.

Các chuyên gia thời tiết Mỹ nhận định cơn bão đã nhanh chóng chuyển biến thành "bão bom tuyết", thuật ngữ được sử dụng từ thập niên 1980 khi xảy ra những cơn bão diễn biến nhanh, có áp suất không khí giảm sâu trong vòng 24 tiếng.

Hôm 24/12, bang Minneapolis được ghi nhận là nơi có nhiệt độ thấp nhất nước Mỹ và nhiệt độ chạm mức tới âm 60 độ C.

Thời tiết khắc nghiệt đã khiến các nhà chức trách trên khắp đất nước mở các trung tâm sưởi ấm trong thư viện và đồn cảnh sát trong nỗ lực để mở rộng nơi trú ẩn tạm thời cho người vô gia cư. Thách thức ngày càng phức tạp do dòng người di cư qua biên giới phía nam Mỹ lên tới hàng ngàn người trong những tuần gần đây.

Xem thêm >> Bị áp giá trần, Nga doạ giảm sản lượng dầu, TT Putin ra sắc lệnh đáp trả

Tin mới lên