Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: 50 bang Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử, EU gia hạn trừng phạt kinh tế Nga

(VNF) - 50 bang và thủ đô Washington của Mỹ đã hoàn tất chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống, EU gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga, Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 đầu tiên, căng thẳng Australia-Trung Quốc tiếp tục leo thang là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: 50 bang Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử, EU gia hạn trừng phạt kinh tế Nga

50 bang và thủ đô Mỹ hoàn tất chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống.

50 bang và thủ đô Washington hoàn tất chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống

West Virginia hôm 9/12 trở thành bang cuối cùng của Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống, chính thức tuyên bố Tổng thống Donald Trump giành 5 phiếu đại cử tri của bang.

Như vậy, toàn bộ 50 tiểu bang và thủ đô Washington đã chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tổng thống đắc cử Joe Biden được dự đoán giành 306 phiếu đại cử tri và ông Trump giành 232 phiếu. Ứng viên cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu trên toàn quốc để trở thành tổng thống.

Việc chứng nhận kết quả bầu cử được hoàn tất trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa thừa nhận thất bại. Ông cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử và chiến dịch của ông đã đưa ra hàng chục đơn kiện nhằm lật ngược kết quả.

Ở động thái liên quan mới nhất, Tòa án tối cao Mỹ ngày 11/12 (theo giờ Washington) đã chính thức ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của tiểu bang Texas nhằm đảo ngược chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tại 4 bang chiến địa.

Phán quyết này được cho là đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử năm 2020 bằng con đường pháp lý.

Theo lịch trình, các đại cử tri sẽ đại diện cho bang của mình bỏ phiếu bầu Tổng thống mới vào ngày 14/12. Ngày 20/1/2021 sẽ diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 46.

EU gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga

Ngày 10/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo người phát ngôn của EU Barend Leyts, các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.

Các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga bắt đầu từ tháng 7/2014 và định kỳ xem xét việc gia hạn trừng phạt 6 tháng/lần. EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ.

Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng phiến quân ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine.

Theo thống kê, kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân với quân đội Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người, đồng thời đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây vào tình trạng căng thẳng kéo dài.

Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 đầu tiên

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tối 11/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) nghiên cứu bào chế.

Theo Reuters, vaccine của Pfizer và BioNTech đã chứng tỏ đạt hiệu quả đến 95% trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối do các công ty này thực hiện.

Bởi vaccine này vẫn cần được Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) phê duyệt do đó việc tiêm chủng được thực hiện sớm nhất vào ngày 14/12 tới.

FDA cho biết vaccine của Pfizer và BioNTech sẽ được cấp phép dùng để tiêm chủng cho tất cả những người từ 16 tuổi trở lên. Nhân viên y tế tuyến đầu và cư dân của các cơ sở chăm sóc dài hạn sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng.

Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech trước đó đã được các nước Anh, Canada, Bahrain và Ả Rập Xê Út cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Hiện Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 16,2 triệu ca nhiễm và 302.000 người tử vong.

Chính quyền ông Trump giáng đòn nặng nề chưa từng có lên Huawei

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/12, tất cả các thành viên của Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) đã nhất trí  thông qua việc yêu cầu các nhà mạng trong nước loại bỏ thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất đồng thời cân nhắc việc rút giấy phép hoạt động của China Telecom Corp. tại Mỹ.

Trong thông báo, ủy viên hội đồng cấp cao của FCC, Geoffrey Starks, cho rằng hiện vẫn còn các thiết bị không đáng tin cậy trong các mạng của Mỹ và quốc hội phải phân bổ ngân sách cho việc thay thế.

FCC cho biết họ sẽ công bố danh sách thiết bị bị cấm và xây dựng một chương trình hoàn tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ nhằm thay thế các thiết bị đáng ngờ.

Hiện tại, các công ty Mỹ đang sử dụng thiết bị của Huawei chủ yếu là các nhà mạng nhỏ, hoạt động tại vùng nông thôn.

Động thái của FCC được xem như là một bước đi kế tiếp trong nỗ lực hạn chế thiết bị công nghệ 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất, tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Pai, các cơ quan an ninh Mỹ nghi ngờ China Telecom đã không tuân thủ luật an ninh mạng và quyền riêng tư, đồng thời tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp kinh tế do nhà nước Trung Quốc tài trợ và làm gián đoạn lưu lượng liên lạc của Mỹ.

Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ 3 nhà sản xuất Australia

Trong hai ngày 7/12 và 8/12, Trung Quốc đã ban hành lần lượt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ công ty chế biến thịt bò Meramist và lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu từ hai nhà chế biến thịt cừu lớn nhất của Australia là Australia Lamb và JBS Brooklyn. Cả 2 công ty này đều nằm tại bang Victoria, nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong vài tháng qua.

Quan hệ giữa giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh. Đầu năm nay, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch Australia từ ngày 19/5. Động thái diễn ra khoảng 1 tuần sau khi 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch.

Tiếp đó, tới cuối tháng 10, Cục hải quan Trung Quốc bất ngờ bổ sung khâu kiểm tra hải quan đối với tôm hùm của Australia khiến hầu hết nhà cung cấp Australia đã dừng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc.

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 27/11 thông báo các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11.

Không chỉ dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới của IBISWorld cho thấy, một số mặt hàng khác của Australia như các sản phẩm từ sữa, mật ong, hoa quả tươi, dược phẩm...cũng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Chính phủ Australia để ngỏ phương án khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu mới đây.

Xem thêm >> Tòa án tối cao bác đơn kiện của Texas, thu hẹp cơ hội tái đắc cử của ông Trump

Tin mới lên