Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Australia kiện Trung Quốc lên WTO, bùng nổ tranh cãi quanh nguồn gốc Covid-19

(VNF) - Australia kiện Trung Quốc lên WTO vì áp thuế nhập khẩu bất hợp pháp với lúa mì; Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất ngân sách 6.000 tỷ USD để định hình lại nền kinh tế; Malaysia phong tỏa toàn quốc do ca nhiễm Covid-19 gia tăng kỷ lục; Mỹ-Trung tranh luận gay gắt quanh nguồn gốc Covid-19.

Thế giới tuần qua: Australia kiện Trung Quốc lên WTO, bùng nổ tranh cãi quanh nguồn gốc Covid-19

Australia ngày 28/5 đã xúc tiến một vụ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với lúa mì của Australia.

Australia kiện Trung Quốc áp thuế nhập khẩu bất hợp pháp với lúa mì

Australia ngày 28/5 đã xúc tiến một vụ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với lúa mì của Australia.

Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan cho biết Canberra sẽ đề nghị WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để xem xét vụ kiện này, bước tiếp theo trong một nỗ lực nhằm tuyên bố rằng Trung Quốc áp thuế bất hợp pháp.

Theo ông Tehan, việc Trung Quốc áp mức thuế lên tới 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia đã “làm ngừng hoạt toàn hoạt động mua bán lúa mì giữa hai nước”.

Xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc từng đạt doanh thu tới khoảng 1 tỷ USD/năm.

Bắc Kinh cáo buộc Chính phủ Australia đang trợ cấp cho các nông dân sản xuất loại ngũ cốc này và bán chúng với giá rẻ, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

Bộ trưởng thương mại Tehan cho biết: “Australia vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thương lượng với Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề”, nhưng Trung Quốc đã hủy bỏ một sự kiện đối thoại kinh tế song phương cũng như đình chỉ vô thời hạn các cuộc gặp cấp cao với Australia.

Tổng thống Mỹ Biden đề xuất ngân sách 6.000 tỷ USD để định hình lại nền kinh tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD nhằm tái tạo nền kinh tế Mỹ, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong tương lai.

Trong một thông báo về đề xuất trên, Tổng thống Biden cho biết một nước Mỹ sau đại dịch "không thể đủ khả năng để đơn giản trở lại như trước đây", đồng thời cho rằng đây là thời điểm cần nắm bắt để tái tạo và "định hình lại" một nền kinh tế mới của Mỹ.

Theo kế hoạch, quỹ liên bang sẽ chi hơn 6.000 tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8.200 tỷ USD vào năm 2031.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đề xuất ban đầu ở mức 2.300 tỷ USD sẽ giảm xuống còn 1.700 tỷ USD; 1.800 tỷ USD khác sẽ được sử dụng vào việc tăng cường giáo dục nhằm xây dựng lực lượng lao động tốt hơn trong thế kỷ 21.

Theo Tổng thống Joe Biden, mục tiêu tổng thể là phát triển tầng lớp trung lưu Mỹ, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.

Malaysia phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần

Ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong hai tuần trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 tăng vọt.

"Quyết định được đưa ra sau khi xem xét tình hình lây nhiễm hiện tại ở Malaysia, khi số ca ghi nhận trong một ngày vượt 8.000, số ca đang điều trị vượt 70.000", Văn phòng Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 28/5 ra thông cáo.

Theo Hãng thông tấn quốc gia Bernama của Malaysia, lệnh phong tỏa sẽ kéo dài 2 tuần từ ngày 1/6 đến 14/6 đối với tất cả các hoạt động kinh tế và xã hội. Chỉ những dịch vụ cần thiết theo quy định của cơ quan chức năng mới được duy trì.

Cùng với việc siết chặt các quy định phòng dịch, Chính phủ Malaysia thông báo thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại 21 khu vực thuộc thành phố Kuala Terengganu, thủ phủ bang Terengganu, từ ngày 30/5-12/6. Nguyên nhân là do thời gian qua, số ca mắc mới Covid-19 ở đây tăng rất mạnh, chỉ trong hai tuần đã tăng 370%.

Cùng thời gian, EMCO cũng được áp dụng tại hai khu vực thuộc bang Pahang, hai khu vực thuộc bang Selangor. Ngoài ra, EMCO còn được gia hạn tới ngày 12/6 tại một số khu vực thuộc bang Malacca và bang Sabah.

Malaysia hiện ghi nhận tổng cộng 549.514 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.552 người đã tử vong.

Bùng nổ tranh luận quanh nguồn gốc Covid-19

Các tranh luận về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bỗng bùng lên khiến một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rơi vào bế tắc.

Một số quốc gia cho biết kết luận về nguồn gốc virus có thể sai sót do chính phủ Trung Quốc thiếu minh bạch.

Phái đoàn Mỹ hôm 27/5 kêu gọi “tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai kịp thời, minh bạch, dựa trên bằng chứng và do chuyên gia dẫn dắt”.

Đại diện của Trung Quốc tham dự cuộc họp cũng nói Bắc Kinh vẫn hỗ trợ cuộc điều tra, nhưng nhấn mạnh rằng phần công việc tại Trung Quốc đã hoàn thành, và đến lúc các nước khác hợp tác để nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trong phái đoàn WHO nhận định vẫn cần thực hiện nghiên cứu bổ sung ở Trung Quốc.

Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ hôm 26/5 nói cộng đồng tình báo Mỹ đang xem xét đến 2 khả năng gồm dịch bệnh xuất phát tự nhiên khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm virus hoặc một sự cố trong phòng thí nghiệm.

Tới ngày 27/5, Tổng thống Joe Biden kêu gọi tình báo Mỹ "nỗ lực gấp đôi" để điều tra nguồn gốc của virus, bao gồm cả giả thuyết nói trên.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng ý định của Mỹ công bố báo cáo về nguồn gốc của Covid-19 là một trò chơi chính trị và một nỗ lực để đẩy trách nhiệm cho người khác.

Xem thêm >> Myanmar: 28 người lĩnh án 20 năm tù vì tấn công nhà máy Trung Quốc

Tin mới lên