Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Bán đảo Triều Tiên 'rung chuyển' vì tên lửa, Eurozone trước mối nguy lớn

(VNF) - Một trong những sự kiện hàng đầu tuần qua là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản lần thứ 6 trong năm nay lên mức cao lịch sử. Ngoài ra, những bất ổn tiềm tàng trong mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên, lạm phát của châu Âu hay việc Mỹ giải phóng kho dầu dự trữ... là các tin tức đáng chú ý.

Thế giới tuần qua: Bán đảo Triều Tiên 'rung chuyển' vì tên lửa, Eurozone trước mối nguy lớn

Mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn trong tuần qua.

Fed tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm

Ngày 2/11, kết thúc cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng trung ương Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã công bố mức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản lên phạm 3,75 - 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Lần tăng mới nhất đánh dấu lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, cũng là lần tăng thứ 6 trong năm nay, kể từ tháng 3/2022. Chỉ tính riêng trong năm nay, lãi suất cơ bản của Mỹ đã tăng từ 0,5% lên mức cao nhất là 4%, tức tăng 3,5% chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Động thái này cho thấy quyết tâm đánh bại lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ, khi tiếp tục tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980.

Ngoài ra, Chủ tịch Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát có thể dẫn tới việc lãi suất sẽ còn nâng cao hơn nữa, nhưng tốc độ tăng có thể chậm lại trong tương lai.

Ông Powell cho biết: “Còn quá sớm để thảo luận về việc ngừng tăng lãi suất”. Mặc dù vậy, ông cũng nói thêm Fed “sẽ tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích lũy, những điểm mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như phát triển kinh tế và tài chính” khi xác định các mức tăng trong tương lai.

Các nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm 0,5% tại cuộc họp tháng 12 và sau đó là một vài lần tăng nhỏ hơn vào năm 2023.

Hàn Quốc – Triều Tiên gia tăng căng thẳng

Từ đầu tháng 11, tình hình biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc đã trở nên căng thẳng đáng kể khi phía Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa và đạn pháo nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, gần đây nhất là cuộc tập trận không quân mang tên “Vigilant Storm” diễn ra trong khoảng thời gian từ 31/10 – 4/11.

Ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt tập trận quy mô lớn, đồng thời cảnh báo sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết "để bảo vệ chủ quyền, an ninh của người dân và toàn vẹn lãnh thổ trước những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài".

Sau đó, trong các ngày từ 2 – 5/11, Triều Tiên liên tục bắn nhiều tên lửa ra vùng biển phía đông, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bị nghi là tên lửa Hwasong-17, và bắn đạn pháo vào vùng đệm quân sự với Hàn Quốc. Đỉnh điểm, Bình Nhưỡng được cho là đã bắn hơn 20 tên lửa trong ngày 2/11, ghi nhận số tên lửa kỷ lục được bắn trong 1 ngày, tiêu tốn từ 50 – 75 triệu USD.

Ngày 4/11, phía Bình Nhưỡng được cho là đã điều hơn 180 máy bay chiến đấu tiến sát biên giới với Hàn Quốc, bay qua khu vực cách Đường phân định quân sự (MDL) 20km về phía bắc trong hơn 4 giờ.

Trước động thái này, Hàn Quốc đã huy động 80 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, để đáp trả. Quân đội nước này cũng xác nhận khoảng 240 chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận “Vigilant Storm” với Mỹ vẫn tiếp tục tập trận.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên lịch mở cuộc họp khẩn cấp vào chiều 4/11 để thảo luận về những diễn biến gần đây của Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ, Anh, Pháp, Ireland và Albania.

Ngoài ra, đại diện Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại trước hoạt động phóng tên lửa bất thường của Triều Tiên, cho rằng đây là hành động “thách thức cộng đồng quốc tế”.

Lạm phát khu vực eurozone lên cao kỷ lục trong tháng 10

Theo dữ liệu sơ bộ được văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 31/10, lạm phát của khu vực eurozone ở mức 10,7% vào tháng 10. Đây là mức lạm phát tháng cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi khu vực đồng euro hình thành và trở thành nguy cơ đe doạ với nền kinh tế châu lục này.

Con số lạm phát đã tăng từ mức 9,9% ghi nhận trong tháng 9 do chi phí năng lượng tăng 41,9% so với năm ngoái, Eurostat cho biết. Giá thực phẩm tăng 13,1% cũng là một yếu tố khiến lạm phát lên cao kỷ lục.

Dữ liệu được Eurostat đưa ra sau khi từng quốc gia báo cáo ước tính vào tuần trước. Tại Italy, lạm phát cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, đạt mức 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức cũng cho biết lạm phát đã tăng vọt lên 11,6%. Còn ở Pháp, con số này lên tới 7,1%.

Nền kinh tế của khu vực cũng đã giảm tốc tăng trưởng trong quý III. Số liệu tăng trưởng mới được công bố cho thấy con số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) là 0,2% đối với khu vực đồng EUR trong tháng 10. Đây là mức giảm tương đối sâu sau khi khu vực này tăng trưởng với tốc độ 0,8% trong quý II.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi công bố dữ liệu lạm phát, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết khả năng suy thoái trong khu vực đồng EUR đã gia tăng.

Nga tái tham gia thoả thuận ngũ cốc

Ngày 2/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Moscow sẽ tiếp tục tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, sau khi nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Kiev rằng "hành lang nhân đạo trên biển sẽ chỉ được sử dụng phù hợp với các quy định của Sáng kiến Biển Đen và quy định liên quan về Trung tâm điều phối chung".

Theo đó, nhờ những nỗ lực vận động từ Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bảo đảm hành lang vận chuyển lương thực, Nga đã quyết định tiếp tục thực hiện thỏa thuận “Sáng kiến vận chuyển an toàn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng của Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga có quyền rút khỏi thỏa thuận một lần nữa nếu Ukraine vi phạm cam kết.

Trước đó, cuối tháng 10, Moscow đã quyết định rút khỏi thoả thuận ngũ cốc với Ukraine sau cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga tại bán đảo Crimea, nghi ngờ do Kiev đứng sau.

Mỹ hoàn thành đợt giải phóng kho dầu lớn nhất lịch sử

Bộ Năng lượng Mỹ ngày 3/11 cho biết đã bán 15 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ Dầu mỏ chiến lược (SPR) cho 6 công ty, hoàn thành lô cuối cùng của đợt mở bán lớn nhất từ trước đến nay từ SPR do Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 3.

Theo đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ bán 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, nhằm bình ổn giá xăng dầu tăng cao sau hàng loạt biến cố như chiến sự Nga – Ukraine, nhu cầu tăng cao sau đại dịch, OPEC không tăng sản lượng và nguồn cung trong nước bị hạn chế.

Bộ Tài chính Mỹ ước tính rằng việc bán 180 triệu thùng đã giúp giảm giá xăng khoảng 40 xu Mỹ/gallon (1 gallon = 3,78 lít) so với mức ước tính cho kịch bản không có đợt phát hành. Nhưng việc bán ra cũng khiến SPR - vốn có vai trò bảo vệ nước Mỹ trước các cú sốc trên thị trường năng lượng - xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/1984. Động thái mở kho SPR của Mỹ cũng khiến mối quan hệ của nước này với Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới xấu đi.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch bắt đầu nạp đầy kho dự trữ khi giá dầu thô của Mỹ ở khoảng 70 USD/thùng, mức mà ông cho rằng sẽ cho phép các nhà khai thác kiếm lời đồng thời là một thỏa hiệp có lợi cho người nộp thuế. Ông Biden cũng cho biết Mỹ sẵn sàng khai thác kho SPR một lần nữa vào đầu năm tới để kiềm chế giá.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới đầu ngày 6/11, toàn thế giới ghi nhận 637,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 617 triệu ca đã phục hồi và 6,6 triệu ca tử vong.

Trong tuần từ 31/10 – 6/11, toàn cầu có thêm 2,1 triệu ca nhiễm mới, giảm 17% so với mức 2,5 triệu ca ghi nhận trong tuần trước đó.

Các khu vực lãnh thổ/quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm mới trong tuần này bao gồm Nhật Bản (346.260 ca), Hàn Quốc (293,709 ca), Đức (252,641 ca) và Đài Loan (211,566 ca).

Đáng chú ý, Sau khi trở lại là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 2 thế giới trong tuần trước, tuần này Nhật Bản đã quay lại vị trí “đầu bảng” về số ca nhiễm mới. Hàn Quốc cũng đã quay trở lại danh sách quốc gia có số ca nhiễm mới tăng cao sau nhiều tuần. Cả 2 quốc gia này đều có số ca nhiễm mới tăng 32% trong tuần này.

Xét theo khu vực, một tuần trôi qua đã khiến châu Âu và châu Á đổi vị trí cho nhau về châu lục có số ca nhiễm mới nhiều nhất. Theo đó, sau nhiều tuần là lục địa có số ca nhiễm mới nhiều nhất, tuần này, châu Âu đã lui xuống vị trí thứ 2 với tổng số ca nhiễm là 742,801 ca, giảm tới 39% so với tuần trước. Trong khi đó, châu Á ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong tuần, tăng 13% so với tuần trước.

Tại châu Đại Dương, Australia đang đứng trước làn sóng lây nhiễm mới khi quốc gia này ghi nhận trung bình khoảng 5.300 ca nhiễm SARS-CoV-2/ngày trong tuần qua. Giới chức nước này đã đưa ra cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm có thể xuất hiện trong vài tuần tiếp theo, và kêu gọi người dân không nên coi thường việc tiêm vaccine tăng cường.

Trong khi đó, tại quốc gia dập dịch gắt gao nhất tới thời điểm hiện tại là Trung Quốc, đại diện Ủy ban Y tế Quốc gia nước này hôm 5/11 khẳng định Bắc Kinh sẽ không dao động trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và dập dịch ngay khi mới xuất hiện, tiếp tục thực hiện nghiêm chính sách “zero-Covid”, mặc dù có ghi nhận nhiều thiệt hại về kinh tế.

Xem thêm >> Quay đầu tăng, chứng khoán Mỹ vẫn không thể 'cứu' tuần thua lỗ

Tin mới lên