Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ gia tăng báo động, Hà Lan kiện Nga vụ bắn hạ MH17

(VNF) - Hà Lan kiện Nga ra tòa án châu Âu về vụ bắn hạ máy bay MH17, Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO, Australia đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ gia tăng báo động, Hà Lan kiện Nga vụ bắn hạ MH17

Mỹ hiện đã ghi nhận gần 3,3 triệu ca nhiễm và gần 137.000 ca tử vong do Covid-19.

Số ca nhiễm Covid-19 của Mỹ gia tăng báo động

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong ngày 10/7, toàn thế giới ghi nhận khoảng 228.000 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay. Đây là lần thứ 5 trong tháng số ca nhiễm toàn cầu vượt ngưỡng 200.000. 

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch lớn nhất thế giới với gần 3,3 triệu ca nhiễm và gần 137.000 ca tử vong. Đặc biệt, trong ngày 10/7, số ca nhiềm mới Covid-19 ở Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 70.000. Kỷ lục lây nhiễm trong 1 ngày ở Mỹ đã thay đổi 7 lần trong vòng 11 ngày qua. Có ít nhất 6 bang ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày bao gồm Georgia, Utah, Montana, Bắc Carolina, Iowa và Ohio.

Số ca nhiễm mới ở Mỹ vẫn đang gia tăng ở mức đáng báo động ngay cả khi một vài điểm nóng trước đây, bao gồm New York, đã kiểm soát được sự lây lan của virus. Tỷ lệ tử vong cũng đang gia tăng sau một thời gian suy giảm. Tỷ lệ tử vong trung bình trong vòng 7 ngày ở Mỹ đã tăng lên 608 từ 471 hồi đầu tháng.

Một số chuyên gia y tế cảnh báo rằng hiện còn quá sớm để có thể đưa ra dự báo cho thời gian tới sau khi các bang ở Mỹ đã mở cửa trở lại theo giai đoạn. Tuy nhiên, Tiến sỹ Deborah Birx, điều phối viên nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, ngày 10/07 cho rằng tỷ lệ tử vong sẽ sớm gia tăng, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn.   

Hà Lan kiện Nga ra tòa án châu Âu về vụ bắn hạ máy bay MH17

Ngày 10/7, Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu về vụ bắn hạ máy bay chở khách số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên không phận miền Đông Ukraine cách đây 6 năm.

Một bức thư gửi quốc hội cho hay, Hà Lan đang nộp đơn kiện vụ này lên Tòa án Nhân quyền châu Âu để tìm ra "sự thật, công lý và trách nhiệm" cho toàn bộ 298 nạn nhân trong vụ rơi máy bay này.

Hà Lan, nước có tới 3/4 số nạn nhân trong thảm họa này, luôn quy trách nhiệm cho Nga trong vụ rơi máy bay ngày 17/7/2014.

MH17 là chuyến bay di chuyển từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì bị trúng tên lửa vào ngày 17/7/2014 ở không phận của khu vực lãnh thổ miền đông Ukraine, nơi có lực lượng phiến quân ủng hộ Nga chiếm đóng khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng.

Sau nhiều năm thu thập thông tin, nhóm điều tra chung quốc tế do Hà Lan dẫn đầu vào năm ngoái cho biết bệ phóng tên lửa dùng để bắn hạ chiếc máy bay thương mại này đến từ một căn cứ của Nga ở bên kia biên giới.

Nhóm điều tra cũng yêu cầu bắt giữ 4 nghi phạm. Những nghi phạm này có 3 người Nga, 1 người Ukraine, hiện vẫn đang đào tẩu và được tin là đang ở Nga.

Hà Lan, nước có tới 3/4 số nạn nhân trong thảm họa này, luôn quy trách nhiệm cho Nga trong vụ rơi máy bay ngày này. Trong khi đó, Điện Kremlin một mực phủ nhận liên quan.

Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 đã gửi thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres về việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phát ngôn viên của LHQ và WHO đã lên tiếng xác nhận thông tin này.

"Tổng thư ký đang trong quá trình xác nhận với WHO liệu Mỹ đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để rút tư cách thành viên tại WHO hay chưa", người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus về cách ứng phó dịch Covid-19.

Theo điều khoản đưa ra khi WHO thành lập năm 1948, Mỹ có thể rút khỏi tổ chức này trong vòng 1 năm nhưng với điều kiện phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính.

Theo hồ sơ do WHO cung cấp, Mỹ vẫn còn nợ hơn 99 triệu USD tiền cam kết viện trợ.

Trước đó, Tổng thống Trump hồi tháng 4 đã ngừng khoản tiền tài trợ cho WHO. Đến ngày 18/5 đã cho WHO thời gian 30 ngày để cải tổ. Và chưa đầy 2 tuần sau đó, ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi WHO.

Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu, đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ rút khỏi tổ chức và ngưng đóng góp về mặt tài chính do vai trò áp đảo của Washington trong việc tài trợ cho tổ chức này.

Australia đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 9/7 thông báo nước này sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc mới đây đã chính thức áp dụng luật an ninh quốc gia với đặc khu này.

Thủ tướng Morrison cho rằng luật an ninh mới mà Trung Quốc áp dụng với Hong Kong đã làm suy yếu mô hình “một quốc gia, hai chế độ” do đó cũng dẫn tới sự thay đổi cơ bản liên quan tới hiệp ước dẫn độ của Australia với Hong Kong.

Ông Morrison cho biết Australia đã chính thức thông báo với Hong Kong và Trung Quốc về việc dừng hiệp ước dẫn độ với đặc khu, vốn được ký từ ngày 15/11/1993.

Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Thủ tướng Morrison cũng tuyên bố sẽ gia hạn thị thực thêm 5 năm cho khoảng 10.000 người Hong Kong đang sống tại nước này, từ đó tạo điều kiện cấp thường trú nhân cho người Hong Kong hiện ở Australia bằng thị thực sinh viên hoặc lao động tạm trú.

Thêm vào đó, Thủ tướng Australia cũng khuyến khích các doanh nghiệp muốn rời khỏi Hong Kong, do lo ngại về luật an ninh mới, có thể cân nhắc chuyển tới nước này.

Canada hồi tuần trước cũng đã thông báo sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, đồng thời sẽ xem xét việc cho phép người dân Hong Kong nhập cư sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới.

Tổng thống Brazil bị kiện vì phơi nhiễm Covid-19 cho nhiều người

Hiệp hội Truyền thông Brazil (ABI) ngày 8/7 đã đệ đơn lên Tòa án tối cao kiện Tổng thống Jair Bolsonaro về việc ông này có thể đã lây nhiễm Covid-19 cho các phóng viên khi họ đang tác nghiệp.

ABI cho biết, ông Bolsonaro đã không tôn trọng việc giữ khoảng cách an toàn sức khỏe với các phóng viên, cũng như tháo khẩu trang trong lúc tuyên bố trước báo giới về việc ông dương tính Covid-19 hôm 7/7 vừa qua.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Ông Bolsonara hôm 7/7 đã thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Bolsonara vẫn lặp lại lời kêu gọi nối lại các hoạt động kinh tế và thường xuyên xuất hiện trước công chúng mà không đeo khẩu trang.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 10/7, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm ẩn nguy hiểm hơn cả dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời cảnh báo những hậu quả sẽ gây thiệt hại cho đất nước.

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 bởi đại dịch nguy hiểm này sau Mỹ, với hơn 1,7 triệu ca nhiễm.

Xem thêm >> Nói quan hệ Mỹ-Trung ‘tổn hại nghiêm trọng’, ông Trump không hào hứng với thỏa thuận giai đoạn 2

Tin mới lên