Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Canada hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc, Mỹ cấm tải TikTok và WeChat

(VNF) - Canada hủy đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc, ông Yoshihide Suga chính thức làm tân thủ tướng Nhật Bản, Mỹ cấm tải ứng dụng TikTok và WeChat… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Canada hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc, Mỹ cấm tải TikTok và WeChat

Canada hủy đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc.

Canada hủy đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne ngày 18/9 cho biết Canada đã hủy các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc, vốn đã đình trệ hơn một năm và chưa có khả năng nối lại.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Canada bị rạn nứt sau vụ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada và việc Trung Quốc giam giữ hai người Canada.

"Tôi không thấy điều kiện hiện tại phù hợp để các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra. Trung Quốc của năm 2020 không phải là Trung Quốc của năm 2016", ông Champagne nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Globe và Mail.

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne.

Ông nhấn mạnh thêm rằng tất cả sáng kiến và chính sách đưa ra năm 2016 với Trung Quốc cần phải xem xét lại.

Quyết định hủy đàm phán đánh dấu một thay đổi chính sách lớn của chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau 4 năm nỗ lực đàm phán với hy vọng trở thành thành viên đầu tiên của G7 ký thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bình luận của ông Champagne thể hiện giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, tương tự Mỹ, Australia và các nước EU đã làm, sau khi các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng thất bại.

Loạt nước châu Âu gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

3 nước châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh ngày 16/9 đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cụ thể, trong công hàm, Anh, Pháp và Đức (còn gọi là Nhóm E3) nhấn mạnh rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982 đã đặt ra "khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và trên đại dương", đồng thời cho rằng Công ước này cần được duy trì một cách toàn vẹn. Hiện cả Anh, Pháp, Đức đều là thành viên của UNCLOS.

Cũng trong công hàm, nhóm E3 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không được quy định trong UNCLOS, trong đó có Biển Đông.

Pháp, Anh và Đức bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm độc chiếm hầu hết Biển Đông qua các tuyên bố phi pháp về đường cơ sở thẳng và vùng nội thủy giữa các nhóm đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Nhóm 3E nhấn mạnh các hoạt động bồi đắp hoặc những hình thức biến đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại một thực thể theo UNCLOS.

Công hàm cũng nhấn mạnh, các yêu sách chủ quyền dựa trên cái mà Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế cũng như các quy định của UNCLOS, đồng thời đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

Công hàm Nhóm 3E nêu rõ, tất cả các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với quy định của UNCLOS cũng như các biện pháp, thủ tục giải quyết tranh chấp nêu trong Công ước.

"Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục tuân thủ và khẳng định các quyền và tự do theo quy định của UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực dựa trên công ước", Nhóm 3E nêu rõ ở cuối công hàm.

Ông Yoshihide Suga chính thức làm tân thủ tướng Nhật Bản

Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Yoshihide Suga đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 16/9.

Tân thủ tướng Suga sẽ hoàn tất nhiệm kỳ còn lại của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đến tháng 9/2021. Ông Abe hồi tháng trước thông báo từ chức vì lý do sức khỏe.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Tối 16/9, phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Đây là sự kết hợp của các chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình trệ của Nhật Bản.

Về đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Suga khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ông sẽ thực hiện các chính sách để tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời hy vọng thiết lập quan hệ ổn định với Trung Quốc và Nga.

Chính sách này của ông Suga tương đồng với người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong 8 năm cầm quyền, cựu Thủ tướng Shinzo Abe luôn đặt trọng tâm chính sách đối ngoại vào việc đưa Nhật xích lại gần hơn với Mỹ.

WTO kết luận Mỹ sai khi áp thuế hàng Trung Quốc

Trong một báo cáo ngày 14/9, một ủy ban gồm 3 chuyên gia cấp cao của WTO đã kết luận rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vi phạm luật quốc tế khi áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ủy ban này nêu rõ “Mỹ đã không chứng tỏ được rằng các khoản thuế bổ sung áp với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018 và 2019 và có thể chứng minh được là cần thiết để bảo vệ các giá trị chung của Mỹ chiểu theo Thỏa thuận Chung về Thương mại và Thuế (GATT)”.

Phán quyết của WTO cũng cho rằng các mức thuế của Mỹ đi ngược lại các quy định thương mại vì chỉ áp dụng đối với Trung Quốc và cao hơn mức tối đa mà Mỹ đã cam kết.

Ủy ban của WTO cũng cho biết chỉ xem xét các mức thuế của Mỹ chứ không xét tới các biện pháp trả đũa của Trung Quốc do Washington không đệ đơn kiện.

Theo AP, Washington có quyền phủ quyết phán quyết bằng việc đệ đơn kháng cáo trong khoảng thời gian 60 ngày.

Ngay sau khi ủy ban của WTO ra phán quyết trên, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh động thái này, cho rằng quyết định của WTO là khách quan và chính xác.

Về chiều ngược lại, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng phán quyết của WTO cho thấy tổ chức này "không đủ sức để ngăn các hoạt động công nghệ có hại của Trung Quốc".

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ sớm có động thái với WTO vì tổ chức này đã để Trung Quốc thoát tội.

Mỹ cấm tải ứng dụng TikTok và WeChat

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 đã ban hành các quy định cấm các công ty Mỹ cung cấp dịch vụ tải và cập nhật đối với TikTok và WeChat sau nửa đêm ngày 20/9. Các công ty Mỹ cũng bị cấm cung cấp dữ liệu từ ứng dụng WeChat kể từ thời điểm nêu trên.

TikTok và Wechat bị cấm tại Mỹ.

Thông báo của bộ Thương mại Mỹ cho biết các ứng dụng này thu thập nhiều dữ liệu của người dùng bao gồm địa điểm và lịch sử truy cập và tìm kiếm. Bộ Thương mại Mỹ cũng cho rằng các ứng dụng này bị bắt buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Các quy định mới nhất của bộ Thương mại Mỹ nhằm thực hiện các sắc lệnh hành pháp được ký bởi Tổng thống Trump tháng trước nhằm cấm các ứng dụng này. Tuy nhiên, các công ty Mỹ vẫn được phép tiếp tục cung cấp dịch vụ không gian lưu trữ Website trên internet cho TikTok cho tới ngày 12/11 trong khi Bydance, công ty mẹ của TikTok, tiếp tục đàm phán với Oracle về việc sở hữu ứng dụng này tại Mỹ.

Ngoài ra, bộ Thương mại Mỹ cũng vẫn cho phép các công ty Mỹ tiếp tục sử dụng WeChat bên ngoài nước Mỹ, bao gồm ở Trung Quốc.

Xem thêm >> Trung Quốc đe dọa Mỹ về chuyến thăm Đài Loan: ‘Đừng đùa với lửa’

Tin mới lên