Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Omicron ‘tấn công’ 85 quốc gia

(VNF) - Biến chủng Omicron cho tới nay đã lây lan tới ít nhất 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Anh, Đan Mạch và Na Uy là những nước chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm mạnh nhất. Những diễn biến mới liên quan tới biến chủng này dành được nhiều sự chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Omicron ‘tấn công’ 85 quốc gia

Biến chủng Omicron cho tới nay đã lây lan tới ít nhất 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ liên tiếp giáng đòn trừng phạt vào các công ty Trung Quốc

Tưởng sẽ hòa hợp hơn sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào giữa tháng trước, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Trong tuần qua, Mỹ đã liên tiếp giáng đòn trừng phạt vào các công ty Trung Quốc.

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Bide ngày 15/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt 4 công ty hóa chất Trung Quốc và 1 cá nhân nước này trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm dụng các loại thuốc giảm đau nhóm opioid khiến hàng trăm người Mỹ tử vong mỗi ngày.

Lệnh trừng phạt sẽ ngăn các thực thể truy cập giao dịch bằng USD và đóng băng bất kỳ tài sản nào mà họ có thể nắm giữ ở Mỹ.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, phát biểu trước báo giới ngày 16/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh rằng đây là những “hành động sai lầm không mang tính xây dựng”.

Bỏ qua những quản ứng của Trung Quốc, cũng trong ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thông báo bổ sung 8 công ty Trung Quốc, trong đó có hãng sản xuất máy bay không người lái DJI, vào danh sách các công ty liên hợp công nghiệp quốc phòng.

Động thái này của Bộ Tài chính Mỹ sẽ cấm mọi công dân Mỹ mua hoặc bán một số chứng khoán giao dịch công khai nhất định của những công ty này.

Đồng thời, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng áp lệnh hạn chế thương mại với 34 viện nghiên cứu và thực thể của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền và phát triển các công nghệ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ như vũ khí kiểm soát não bộ...

Omicron ‘tấn công’ 85 quốc gia

Biến chủng Omicron cho tới nay đã lây lan tới ít nhất 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Anh, Đan Mạch và Na Uy là những nước chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm mạnh nhất.

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, nguy cơ tái nhiễm đối với biến chủng Omicron cao gấp 5 lần biến chủng Delta và cũng không có dấu hiệu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng mắc Covid-19 nhẹ hơn.

Nghiên cứu này do Đại học Hoàng gia London của Anh thực hiện, dựa trên các dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Anh và Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, phân tích kết quả của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này từ ngày 29/11 đến ngày 11/12.

Đại học Hoàng gia London cho biết, khả năng miễn dịch được tạo ở người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 giảm 19% hiệu quả khi chống lại Omicron.  

Nghiên cứu của Đại học Hong Kong thì cho thấy biến chủng Omicron có thể nhân lên trong mô phế quản nhanh hơn 70 lần so với Delta.

Phát hiện này có thể đẩy nhanh việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn tại châu Âu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron.

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch Covid-19 với gần 60% số ca mắc mới hằng ngày trên toàn cầu tập trung tại châu lục này. Sự lây lan của biến chủng Omicron đang đặt ra những thách thức lớn cho khu vực này.

Giá khí đốt châu Âu lại nhảy vọt lên hơn 1.600 USD/1.000 m3

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua sau khi Đức trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo dữ liệu của sàn giao dịch ICE, trong tuần qua, giá khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan có lúc chạm ngưỡng 1.602 USD/1.000 m3, tương đương 137 Euro/MWh.

Việc giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến các hoạt động công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng trong khi người tiêu dùng cũng đối mặt với những hóa đơn tăng vọt giữa lúc mùa đông đến gần.

Chính phủ các nước EU đã phải dùng biện pháp trợ cấp và miễn giảm thuế tạm thời, có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương và cung cấp viện trợ cho các công ty hoặc ngành công nghiệp.

Theo một văn bản được chuyển đến các nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong hai ngày 16-17/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một hệ thống để các nước EU cùng mua khí đốt cho kho dự trữ nhiên liệu chiến lược.

EC cho biết đề xuất này bao gồm một khung quy định cho phép các cơ quan được quản lý tiến hành mua chung khí đốt cho kho dự trữ chiến lược trên cơ sở tự nguyện. Theo EC, hệ thống này sẽ đóng góp vào các biện pháp phối hợp của EU trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực.

Bị dọa cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Nga bắt tay Trung Quốc lập hạ tầng mới

Điện Kremlin mới đây phát ra thông báo cho biết tại cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ đẩy nhanh thành lập một hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ các hoạt động thương mại giữa hai nước, không bị can thiệp hoặc ảnh hưởng từ bên thứ ba.

Ngày 16/12, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trực tuyến, kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi.

Cũng tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo kêu gọi tăng cường sử dụng đồng tiền nội tệ trong các giao dịch song phương, mở rộng hợp tác, tạo điều kiện để các nhà đầu tư của Nga và Trung Quốc tiếp cận thị trường chứng khoán của nhau, ông Yuri Ushakov, cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, cho biết.

Loạt động thái diễn ra trong bối cảnh Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland mới đây cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về phương án cô lập gần như hoàn toàn nước Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu với tất cả những hệ lụy đối với doanh nghiệp Nga và người dân Nga, bao gồm cả các cơ hội làm việc, du lịch và thương mại.

Truyền thông Mỹ mới đây cũng đưa tin Washington có thể tính đến đòn trừng phạt nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga, thậm chí “ngắt” Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, hệ thống thanh toán chủ đạo trên thế giới hiện nay, nhưng nằm dưới sự chi phối của Mỹ và phương Tây.

Tiếp bước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc cũng xin gia nhập CPTPP

Ngày 13/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết nước này sẽ bắt đầu chuẩn bị các thủ tục cần thiết để gia nhập khối thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Hàn Quốc sẽ bắt đầu các thủ tục liên quan dựa trên các cuộc thảo luận với các bên khác nhau để thúc đẩy việc trở thành thành viên của CPTPP,” ông Hong Nam-ki cho biết tại một cuộc họp chính sách ở Seoul.

Trước đó, ông Kwon Chil-seung, Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn rằng những lo ngại về việc tham gia CPTPP đã được giải quyết.

Được biết, lý do Hàn Quốc chậm trễ việc tham gia CPTPP một phần vì lo ngại về việc làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của xứ sở kim chi và những căng thẳng thương mại gia tăng với Nhật Bản gần đây.

Nhưng chính Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9. Chỉ một tuần sau đó, Đài Loan cũng nộp đơn tham gia hiệp định CPTPP.

Ông Cheong Inkyo, một chuyên gia thương mại tại Đại học Inha (Hàn Quốc), cho rằng: "Quá trình tham gia CPTPP dường như bị trì hoãn vì chính phủ không muốn chấp nhận rủi ro khi mở cửa thị trường hơn nữa và cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn ba tháng nữa. Nhưng tính cấp bách của việc này đã tăng lên khi Trung Quốc và một số quốc gia khác nộp đơn đăng tham gia."

Theo Nikkei Asia, việc tham gia CPTPP sẽ mang lại cho Hàn Quốc những lợi ích kinh tế có ý nghĩa.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk: ‘Tôi sẽ nộp thuế nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào trong lịch sử’

Tin mới lên