Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Căng thẳng Nga - phương Tây leo thang, Philippines trao công hàm phản đối Trung Quốc

(VNF) - Philippines tiếp tục trao công hàm phản đối sự hiện diện của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông; căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây leo thang đỉnh điểm; Australia hủy thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường với Trung Quốc; Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đề xuất Đặc khu Columbia là bang thứ 51 là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng Nga - phương Tây leo thang, Philippines trao công hàm phản đối Trung Quốc

Căng thẳng Nga - phương Tây leo thang.

160 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện trên Biển Đông, Philippines tiếp tục trao công hàm phản đối

Philippines ngày 23/4 tiếp tục gửi 2 công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các quan chức hàng hải nước này đã quan sát thấy "những hành động và sự hiện diện trái phép" của 160 tàu cá và tàu dân quân Trung Quốc quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough kể từ ngày 20/4 vừa qua. Bên cạnh đó, khoảng 5 tàu tuần duyên Trung Quốc cũng bị phát hiện xung quanh những khu vực này.

"Sự hiện diện tràn ngập và mang tính đe dọa của các tàu Trung Quốc đang tạo ra môi trường bất ổn và là sự coi thường trắng trợn các cam kết của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực", Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

Hiện Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vẫn chưa phản hồi về các công hàm phản đối mới của Philippines ngày 23/4.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang điều một lượng lớn khí tài hải quân và không quân đến tỉnh Palawan gần các khu vực các tàu dân quân biển Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông.

Ngoài ra, 5 máy bay của không quân và hải quân Philippines cũng đang ở tỉnh Palawan để thực hiện các cuộc tuần tra trên không.

Nga - phương Tây "ăn miếng, trả miếng"

Trong tuần qua, một loạt nước châu Âu gồm Latvia, Lithuania và Estonia, Slovakia đồng loạt thông báo trục xuất nhà ngoại giao Nga.

Những động thái trên của các nước Baltic nhằm ủng hộ Cộng hòa Séc giữa lúc căng thẳng với Nga. Cộng hòa Séc ngày 23/3 tuyên bố trục xuất 63 nhân viên ngoại giao Nga sau khi đã trục xuất 18 người vài ngày trước.

Đáp trả động thái này của Séc, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ buộc Séc cắt giảm hơn 100 nhân viên ngoại giao để cân bằng số lượng nhân viên tại đại sứ quán hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/4 đã ký một sắc lệnh về các biện pháp đáp trả hành động không thiện chí của nước ngoài.

Theo sắc lệnh này, các phái bộ ngoại giao, các đơn vị lãnh sự, văn phòng đại diện cơ quan chính phủ nước ngoài có hành động không thiện chí nhằm chống lại nước Nga, công dân hay các thực thể pháp lý của Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh hạn chế hoặc thậm chí cấm hoàn toàn việc tuyển dụng công dân Nga nếu cần.

Chính phủ Nga sẽ xác định số lượng nhân viên mà các phái bộ nước ngoài được phép tuyển dụng. Ngoài ra, sắc lệnh giao nhiệm vụ cho chính phủ Nga lên danh sách các quốc gia không thiện chí bị đưa vào diện đáp trả nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân Nga trong trường hợp họ bị cắt hợp đồng với phái bộ nước ngoài do tác động của sắc lệnh.

Điện Kremlin cho biết, sắc lệnh có hiệu lực từ khi công bố cho đến khi các biện pháp đáp trả được hủy bỏ.

Australia hủy thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường với Trung Quốc

Trong thông báo phát ra ngày 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết chính quyền nước này đã hủy 4 thỏa thuận giữa chính quyền Victoria ký với nước ngoài, trong đó có hai thỏa thuận ký với Trung Quốc là Bản ghi nhớ ký năm 2018 và Thỏa thuận ký năm 2019 về các nội dung hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường và Con đường tơ lụa thế kỷ 21.

Theo Ngoại trưởng Payne, các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020.

Phản ứng trước động thái này của Australia, phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói thỏa thuận ban đầu giữa Victoria và Trung Quốc ký năm 2018 và 2019 là động thái tích cực cho quan hệ 2 quốc gia nhưng việc Canberra hủy bỏ nó đã "phá hủy nghiêm trọng lòng tin giữa 2 nước".

Ông Uông cho biết Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với hành động của Australia và kêu gọi Australia ngay lập tức “thu hồi quyết định sai trái, sửa chữa sai lầm” nếu không Trung Quốc sẽ “đáp trả kiên quyết và mạnh mẽ".

Cũng trong ngày 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Washington ủng hộ quyết định của Canberra và “tiếp tục đứng về phía người dân Australia trong khi họ phải hứng chịu hành vi bắt nạt của Trung Quốc”.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đề xuất Đặc khu Columbia là bang thứ 51

Hạ viện Mỹ ngày 22/4 bỏ phiếu thông qua dự luật đề xuất Đặc khu Columbia là bang thứ 51, và gửi văn kiện này tới Thượng viện.

Với 216 phiếu thuận và 208 phiếu chống, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật nói trên mà không có sự ủng hộ nào từ đảng Cộng hòa. Trước đó, ngày 26/6/2020, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mang tính lịch sử này với 232 phiếu thuận và 180 phiếu chống.

Theo luật hiện hành, Đặc khu Columbia chỉ có duy nhất một đại diện tại Hạ viện, song đại diện này chỉ có quyền bỏ phiếu ở các ủy ban chứ không có quyền biểu quyết trong những phiên họp kín của Nghị viện.

Nhiều đạo luật Liên bang được thông qua mà không cần đại diện của cử tri thủ đô Mỹ. Đa số người dân tại Đặc khu Columbia theo đảng Dân chủ.

Nếu trở thành một bang, Đặc khu Columbia sẽ có thể được bầu 2 Thượng nghị sỹ, và có khả năng làm thay cán cân quyền lực tại Thượng viện, trong bối cảnh hiện nay đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có 50 Thượng nghị sỹ tại cơ quan lập pháp này.

Việc thủ đô Washington thiếu đại diện của mình tại Quốc hội từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Xem thêm >> Việt Nam giảm mạnh điện than, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% vào năm 2045

Tin mới lên