Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Châu Âu điêu đứng vì dịch Covid-19, Nga thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp

(VNF) - Số người chết do dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, Nga thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (16/3-22/3).

Thế giới tuần qua: Châu Âu điêu đứng vì dịch Covid-19, Nga thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp

Số người chết do dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên 13.000, trong số 304.622 ca nhiễm.

Châu Âu điêu đứng vì dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã xuất hiện tại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người chết do dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên 13.112, trong số 307.855 ca nhiễm.

Italy hiện là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 53.578 ca nhiễm và 4.825 người tử vong. Tỷ lệ tử vong tương đương 9%, cao hơn gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,2%.

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 24.496 ca nhiễm, 1.378 ca tử vong, tăng lần lượt 3.925 và 285 ca so với một ngày trước đó.

Trên cả nước Đức đã ghi nhận 22.040 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 83 trường hợp tử vong. Như vậy, Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ ba ở châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.

Sau 3 ngày không có ca lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong nước, Trung Quốc đã ghi nhận 1 ca Covid-19 nội địa. Trong khi đó, Hàn Quốc có thêm 89 ca nhiễm mới.

Hiện Trung Quốc đã có dấu hiệu kiểm soát được tình hình dịch bênh lây lan trong nước, tuy nhiên, họ vẫn đang đối mặt với thách thức từ các ca bệnh "ngoại nhập". 

Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đưa tin, Bình Nhưỡng ngày 21/3 được cho đã bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía đông của Triều Tiên.

Theo Hàn Quốc, 2 tên lửa được bắn từ tỉnh phía tây Triều Tiên Bắc Pyongan vào buổi sáng sớm.

Một vụ thử vũ khí của Triều Tiên tháng 5/2019.

Đây là lần thứ 3 mà Triều Tiên thực hiện thử vũ khí trong tháng 3 sau một thời gian dài tạm dừng.

Các vụ thử vũ khí đến trong bối cảnh Triều Tiên đang nỗ lực trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2, giữa lúc mầm bệnh đã lây lan ra khắp toàn cầu. Tới lúc này, Triều Tiên vẫn chưa ghi nhận bất cứ ca mắc Covid-19 nào.

Hiện thời, việc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục đình trệ. Trong thông điệp đầu năm, ông Kim Jong-un cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ giới thiệu “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần. Các chuyên gia quân sự nói rằng vũ khí nói trên có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Nga thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp, rộng đường cho ông Putin tái tranh cử

Tòa án Hiến pháp Nga ngày 16/3 đã thông qua các đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các sửa đổi này cho phép ông Putin có thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2024 sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

Trước đó, Tổng Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp. Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga - Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể LB Nga thông qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Do các yêu cầu mới, các sửa đổi này sẽ áp dụng với tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga.

Theo hiến pháp hiện hành của Nga, một người không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Đối với ông Putin, năm 2024 là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông và nếu tính luôn các nhiệm kỳ trước, đó đã là nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.

Sau khi được Tòa án Hiến pháp thông qua, Tống thống Putin sẽ yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn quốc về văn bản sửa đổi. Nếu kết quả trưng cầu cho thấy người dân tán thành, ông Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.

Bầu cử Mỹ 2020: Ông Joe Biden tiến gần hơn tới cuộc ‘song đấu’ với ông Trump

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giành chiến thắng trước đối thủ chính là Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont, Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang Arizona, Florida và Illinois và Arizona trong ngày bầu cử 17/3.

Florida được đánh giá là "tiểu bang chiến trường" trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020, đồng thời cũng là tiểu bang quan trọng nhất bỏ phiếu vào ngày 17/3 khi được phân bổ tới 219 phiếu đại biểu.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Illinois được phân bổ 155 phiếu đại biểu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2020, là tiểu bang có số phiếu đại biểu lớn thứ hai trong đợt bầu cử ngày 17/3 này.

Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chiến thắng tại các cuộc bầu cử sơ bộ ở Florida và Illinois ngày 17/3, ông đã giành được sự ủng hộ của hơn 1.276 đại biểu cần thiết để nhận được đề cử đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử.

Với kết quả bầu cử sơ bộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đến thời điểm này, trừ khi có sự kiện mang tính đột biến, cuộc đua vào Nhà Trắng gần như chắc chắn sẽ diễn ra giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Xem thêm >> Nga bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa SARS-CoV-2, có thể đưa vào sử dụng trong năm nay

Tin mới lên