Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Trung Quốc miễn thuế cho hàng Mỹ

(VNF) - Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lĩnh án 17 năm tù, Thái Lan giải tán đảng đối lập, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bên ngoài Trung Quốc... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (17//2-23/2).

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bên ngoài Trung Quốc

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 đã lan ra khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) đã lan ra khoảng 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ít nhất 18 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm virus Covid-19 tăng theo cấp số nhân trong những ngày qua. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm virus Covid-19 tại Hàn Quốc là hơn 500 người (trong đó có 4 trường hợp tử vong). Các chuyên gia cảnh báo, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Ngày 22/2, giới chức Nhật Bản xác nhận thêm 4 ca nhiễm mới, trong đó có một phụ nữ độ tuổi 60, là giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Chiba.

Đến nay Nhật Bản đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm trên đất liền và hơn 600 ca nhiễm khác trên du thuyền Diamond Princess, 3 ca đã tử vong.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, trong tuần này, các ca bệnh mới đã được phát hiện tại Iran, Israel, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Li Băng, Italy. 

Ngày 22/2, hãng tin ANSA của Italy cho biết đã có thêm một người thứ hai ở nước này thiệt mạng vì dịch Covid-19. Cùng ngày, Iran thông báo có 10 ca nhiễm bệnh mới và thêm một người tử vong.

Như vậy, tới thời điểm này Italy đã có 2 người thiệt mạng trên tổng cộng 79 người nhiễm bệnh. Trong khi đó Iran có tổng cộng 5 người thiệt mạng trên 28 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tỏ ra đặc biệt lo ngại với sự xuất hiện của các ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục mà không có “liên hệ dịch tễ học rõ ràng” nào như từng đến vùng dịch hay tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Giới chức y tế cũng lo ngại về nguy cơ dịch bùng phát trong nội bộ từng nước.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, không chỉ số ca nhiễm mới tăng, mà cách thức lây truyền cũng thay đổi tại các khu vực khác nhau.

Ủy ban Y tế Hồ Bắc sáng nay (23/2) cho biết tỉnh này ghi nhận thêm 96 ca tử vong do nhiễm virus Covid-19 trong ngày 22/2, nâng số người chết trên toàn tỉnh lên 2.346. Hồ Bắc cũng phát hiện thêm 630 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm tại tỉnh lên 64.084.

Như vậy, tổng số ca nhiễm virus Covid-19 trên toàn cầu hiện là 78.754 ca. Trong đó có 2.460 người tử vong và 22.939 người đã bình phục.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lĩnh án 17 năm tù

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Tòa án Hàn Quốc ngày 19/2 đã tuyên án cựu Tổng thống Lee Myung-bak 17 năm tù và khoản nộp phạt lên tới 13 tỷ won (11 triệu USD) vì một loạt tội danh gồm tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ.

Hồi tháng 3/2019, ông Lee Myung-bak đã nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, tòa án Hàn Quốc đã hủy quyết định nộp tiền bảo lãnh tại ngoại của ông do đó ông sẽ bị giam giữ trở lại.

Trước đó, tòa sơ thẩm Hàn Quốc ra phán quyết ông Lee có hành vi nhận hối lộ và tham nhũng liên quan tới công ty sản xuất linh kiện tự động DAS do em trai của ông này làm chủ. Trên cương vị tổng thống, ông Lee đã lạm dụng quyền lực để thu lợi bất chính cho công ty và bản thân. Tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Lee 15 năm tù giam vì nhận hối lộ 7,1 triệu USD và tham nhũng 20 triệu USD.

Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm Hàn Quốc kết luận số tiền ông Lee thu lợi bất chính lớn hơn, cụ thể là 22 triệu USD từ tham nhũng và 7,9 triệu USD từ nhận hối lộ, trong đó có khoản hối lộ từ tập đoàn Samsung. Vì vậy, tòa phúc thẩm tuyên mức án lên tới 17 năm tù, cao hơn 2 năm so với tòa sơ thẩm.

Bên cạnh đó, tòa án Hàn Quốc đồng thời tịch thu gia sản trị giá khoảng 5 triệu USD và yêu cầu ông Lee bồi thường 10,9 triệu USD.

Ông Lee Myung-bak giữ chức tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến năm 2013. Ông là tổng thống thứ tư của nước này phải ngồi tù. Trước đó, người kế nhiệm ông, bà Park Geun Hye, cũng đã phải rời ghế lãnh đạo từ đầu năm 2017 vì bê bối nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật quốc gia.

Trung Quốc tiếp tục miễn thuế cho hàng Mỹ

Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 18/2 thông báo nước này sẽ chấp nhận đơn xin miễn thuế bổ sung đối với 696 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 18/2 thông báo nước này sẽ chấp nhận đơn xin miễn thuế bổ sung đối với 696 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Đây là đợt miễn thuế thứ 3 và đợt mạnh nhất mà Trung Quốc thực hiện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ đến nay.

Theo đó, 696 sản phẩm bao gồm các mặt hàng nông sản và năng lượng chủ chốt như thịt lợn, thịt bò, đậu tương, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và dầu thô.

Các mặt hàng khác được miễn thuế bổ sung, vốn được áp đặt trong giai đoạn leo theo căng thẳng thương mại giữa hai nước, là ethanol và lúa mỳ, ngô và lúa miến. Một số thiết bị y tế và kim loại như quặng đồng, phế liệu đồng và phế liệu nhôm cũng được miễn thuế.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, các công ty muốn được miễn thuế bổ sung có thể nộp đơn từ ngày 2/3. Thời hạn miễn thuế sẽ là một năm.

Quyết định trên được đưa ra gần 1 tháng sau khi Bắc Kinh và Washington ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Thái Lan giải tán đảng đối lập

Tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 21/2 ra phán quyết giải tán đảng Hướng tới Tương lai và cấm ủy viên điều hành đảng hoạt động chính trị 10 năm.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng đảng này phạm luật vì nhận 191 triệu baht (6 triệu USD) từ tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit, người thành lập đảng.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng cấm ông Thanathorn và 15 thành viên ủy ban điều hành của FFP bị cấm hoạt động chính trị trong 10 năm tới.

Hơn 60 đảng viên của FFP đang là nghị sĩ quốc hội Thái Lan có 60 ngày để tham gia một đảng khác.

Tỷ phú Thanathorn bác bỏ cáo buộc, cho rằng số tiền 6 triệu USD là khoản vay và kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục đấu tranh.

Đảng FFP được thành lập tháng 3/2018 và giành vị trí thứ ba trong tổng tuyển cử năm ngoái ở Thái Lan. Đảng có cương lĩnh hoạt động hướng tới "giảm vai trò của quân đội trong chính trị Thái Lan" và được nhiều người trẻ tuổi ủng hộ.

Đây không phải lần đầu Thái Lan giải tán một đảng chính trị. Năm 2007, Thái Lan giải tán đảng Thai Rak Thai của cựu thủ tưởng Thaksin Shinawatra, 8 tháng sau khi ông bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Xem thêm >> ‘Lao đao’ vì dịch Covid-19, ngành hàng không toàn cầu nguy cơ thiệt hại gần 30 tỷ USD

Tin mới lên