Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Giá khí đốt châu Âu cao kỷ lục, Mỹ trừng phạt loạt quan chức Trung Quốc

(VNF) - Những diễn biến mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa bộ ba Mỹ - Trung Quốc – Nga và giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt lên mức kỷ lục là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Giá khí đốt châu Âu cao kỷ lục, Mỹ trừng phạt loạt quan chức Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường gọi nhau là "bạn bè".

Kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ảm đạm do 'bóng ma' Omicron

Tính đến ngày 25/12, tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết đã có ít nhất 108 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận ít nhất 1 ca nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra. Với tốc độ lây lan nhanh chưa từng có, biến chủng này đã được ghi nhận tại tất cả các châu lục trên thế giới, với điểm nóng hàng đầu hiện nay là Anh.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh người dân nhiều quốc gia phương Tây bắt đầu bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và mừng năm mới. WHO cũng đưa ra cảnh báo về việc kỳ nghỉ Giáng sinh có thể trở thành “kỳ nghỉ sinh tử”, đồng thời khuyến hích người dân trên khắp thế giới nên hạn chế hết sức việc tham gia vào các hoạt động đông người để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Trên khắp châu Âu, nhiều nước quay lại áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang và các quy định khác liên quan đến đi lại. Anh đã hủy sự kiện đón Giao thừa 2022 dự kiến có hàng nghìn người tham gia; Hà Lan ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 19/12. Italy quyết định hủy các lễ hội năm mới trong khi Đan Mạch đề xuất đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu từ tuần trước Giáng sinh.

Tại Mỹ, ngày 23/12 vừa qua, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thông báo sẽ thu hẹp quy mô tổ chức và giới hạn người tham gia bữa tiệc mừng Năm mới tại Quảng trường Thời đại sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất lịch sử.

Trang web Flight Aware cho biết số lượng hủy chuyến trên toàn cầu trong ngày Giáng sinh lên đến hơn 3.500 chuyến bay. Trước "bóng ma" do biến chủng Omicron gây ra, kỳ nghỉ lễ của nhiều người cũng không còn trọn vẹn do không thể đoàn tụ cùng gia đình, và cũng không thể thoải mái tham gia các hoạt động mừng năm mới.

Giá khí đốt tại châu Âu đạt mức kỷ lục mới

Nhìn chung, giá khí đốt năm 2021 tại châu Âu vẫn luôn không ngừng biến động và là mối quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, trong tuần qua, một sự kiện đáng chú ý đã xảy đến với nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu, khiến giá khí đốt tại khu vực này tăng vọt lên mức kỷ lục.

Cụ thể, sau một thời gian duy trì công suất 6% tại tuyến đường ống trung chuyển khí đốt Yamal-châu Âu, ngày 21/12, con đường cung ứng khí đốt này bất ngờ bị dừng hẳn trong khi nhu cầu năng lượng tại Nga và châu Âu đều tăng cao giữa tháng cao điểm mùa đông.

Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung bất ngờ bị cắt đứt khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

Động thái này đã lập tức ảnh hưởng tới giá khí đốt châu Âu. Trong phiên giao dịch ngày 21/12, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan tăng hơn 10% lên mức đỉnh lịch sử là 171,4 euro (khoảng 193,46 USD)/MWh).

Trước động thái này của Nga, có nhiều luồng ý kiến cho rằng Nga muốn tạo áp lực lên châu Âu nhằm sớm phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, phía Nga đã lập tức bác bỏ quan điểm này và giải thích việc Nga ngừng cung ứng khí đốt “hoàn toàn mang tính chất thương mại”.

Ngoài ra, trong buổi họp báo ngày 23/12, Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng Nga đang hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp khí đốt tới châu Âu và đề nghị các quốc gia châu Âu nên phản ứng với những vấn đề về khí đốt của mình một cách kịp thời thay vì đổ lỗi cho Nga.

Quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng vì dự luật mới

Ngày 23/12, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương do lo ngại về lao động cưỡng bức, khiến Trung Quốc giận dữ lên án.

Theo truyền Dự luật “Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại cách đối xử mà Mỹ cho là thiếu tôn trọng nhân quyền của Bắc Kinh với những người dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Theo luật này, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ hàng hoá được sản xuất tại khu vực Tân Cương do lo ngại các sản phẩm này được làm ra bởi lao động cưỡng bức. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ áp lệnh trừng phạt cho các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Đạo luật này được cho là “cam kết của Mỹ trong việc chống lại lao động cưỡng bức, và cả trong bối cảnh cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương".

Đáp lại hành động của Nhà Trắng, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Mỹ đã "vu khống ác ý tình hình nhân quyền ở Tân Cương" và "vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc", đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết bác bỏ luật này. 

Mặc dù vấn đề nhân quyền tại Tân Cương đã trở thành điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ -Trung từ đầu năm 2021 bên cạnh các vấn đề về công nghệ hay quân sự, nhưng giữa thời điểm đôi bên đang “giằng co”, hành động ban hành đạo luật mới của Mỹ được coi như một hành vi “châm dầu vào lửa”, khiến mối quan hệ 2 nước ngày càng xấu đi.

Ông Putin ca ngợi quan hệ hợp tác Nga-Trung Quốc

Ngày 23/12 vừa qua, trong cuộc họp báo cuối năm thường niên với sự tham gia của các hãng truyền thông trong nước, quốc tế và cả người dân Nga, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định rằng Nga là “đối tác số một của Trung Quốc” và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ cao, hàng không và vũ trụ, cũng những dự án chiến lược lớn khác.

“Nếu quý vị để ý thì sẽ thấy tôi và Chủ tịch Tập Cận Bình gọi nhau là bạn, và sự thật là như vậy. Chúng tôi có một mối quan hệ cá nhân rất đáng tin cậy, điều này giúp xây dựng các mối quan hệ thương mại”, ông Putin phát biểu.

Quan điểm này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tái khẳng định vào ngày 24/12, đồng thời nhân mạnh rằng lãnh đạo hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau và tập trung chỉ đạo phát triển quan hệ song phương và sự hợp tác giữa 2 nước kể từ năm 2013.

Ngoài ra, tổng thống Putin còn cho rằng trong vòng 3 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về mọi mặt của nền kinh tế và khiến Mỹ mất vị thế thống trị trong lĩnh vực tài chính và thương mại.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện được nhận định là đang ở tầm cao “chưa từng có” trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước với phương Tây và Mỹ cùng leo thang. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quốc gia hàng đầu của Nga và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2021.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Omicron ‘tấn công’ 85 quốc gia

Tin mới lên