Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Hàn Quốc chào đón tân Tổng thống, Nga ‘doạ’ cắt khí đốt để trả đũa phương Tây

(VNF) - Xuất hiện biến chủng Covid-19 mới lai giữa Omicron và Delta, phương Tây và Nga liên tục ra đòn trừng phạt lẫn nhau trong khi chiến sự tại Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, Hàn Quốc bầu cử Tổng thống là những sự kiện nổi bật đã diễn ra trong tuần.

Thế giới tuần qua: Hàn Quốc chào đón tân Tổng thống, Nga ‘doạ’ cắt khí đốt để trả đũa phương Tây

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga trong khi EU "chùn bước" do lo ngại bị cắt nguồn cung khí đốt.

Tình hình dịch Covid-19: Xuất hiện biến chủng lai Deltacron

Theo worldometer.info, tính đến 6h sáng ngày 12/3, thế giới ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 454,7 triệu ca, trong đó trên 6,05 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (282.987 ca), Đức (245.342 ca) và Anh (72.828 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (777 ca), Nga (674 ca) và Brazil (409 ca).

Sau làn sóng lây nhiễm ở châu Âu, nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với số ca nhiễm và tử vong cao trong vài tuần gần đây.

Quốc gia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm trầm trọng nhất hiện tại là Hàn Quốc khi ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm trong 2 ngày gần đây. Ngày 11/3, Hàn Quốc đã ghi nhận 282.987 ca lây nhiễm mới. Tuy số ca mắc giảm, song số ca tử vong tăng ở mức cao kỷ lục với 229 ca.

Trung Quốc vẫn kiên định áp dụng chính sách “không Covid-19” và đã quyết định đóng cửa thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm (Đông Bắc Trung Quốc) từ ngày 11/3, trong bối cảnh số ca nhiễm theo ngày trên cả nước lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Hiện tại, chủng chính lưu hành tại các quốc gia đang có số ca nhiễm tăng cao là biến chủng Omicron và thể phụ “tàng hình” của chủng này là BA.2. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện sự xuất hiện của một biến chủng SARS-CoV-2 mới, lai giữa chủng Omicron và Delta, được gọi tên là Deltacron.
Biến chủng lai này được cho là có nguồn gốc từ Pháp, được mô tả là “có protein gai của Omicron gắn trên cơ thể Delta”. Trong 17 ca nhiễm được ghi nhận, có 3 ca tại Pháp, 2 ca tại Mỹ và 12 ca ở châu Âu.
Hiện các nhà khoa học đang theo dõi sát sao biến chủng mới này bởi cả Delta và Omicron đều đã được chứng minh là rất dễ lây lan.

Ngoài ra, trong một buổi họp báo gần đây của WHO, Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định về việc đại dịch “còn lâu mới có thể kết thúc”.

“Mặc dù các trường hợp được báo cáo và số ca tử vong đang giảm trên toàn cầu và một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi trên thế giới”, ông Tedros phát biểu.

Phương Tây và Nga “giằng co” trừng phạt lẫn nhau

“Chiến dịch đặc biệt” của Nga tại Ukraine vẫn chưa đi tới hồi kết dù đã trải qua 3 phiên đàm phán, đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh EU vẫn tiếp tục giáng các đòn trừng phạt vào Nga để cô lập kinh tế nước này.

Các công ty phương Tây vẫn tiếp tục rời Nga để hưởng ứng các lệnh trừng phạt và phản đối chiến tranh. Danh sách này gần đây đã được nối dài bởi các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu như JPMorgan, Goldman Sachs, Deutsche Bank, cùng với hàng loạt các công ty thuộc ngành F&B và dịch vụ tiêu dùng.

Sau hàng loạt biện pháp trừng phạt đã được áp dụng, mới đây ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, đánh dấu động thái đầu tiên nhắm vào ngành năng lượng của quốc gia này.

Lệnh trừng phạt này sau đó được Anh hưởng ứng và làm theo, cố ý tìm cách dồn kinh tế Nga vào “chân tường” khi bị cắt giảm doanh thu từ nguồn thu nhập chính của quốc gia. Ngày 10/3 vừa qua, Anh cũng ra quyết định trừng phạt tỷ phú người Nga Roman Arkadievich Abramovich – Chủ tịch CLB bóng đá Chelsea, bằng cách phong toả tài sản và cấm đi lại đối với người này.

Đáng chú ý, trong khối tài sản bị phong toả có cả CLB Chelsea mà ông Abramvich đang có ý định bán, CLB này sẽ không được bán vé cho cổ động viên, không được mua bán cầu thủ và phải đứng ngoài ở thị trường chuyển nhường hè 2022, thậm chí có nguy cơ bị loại khỏi giải Ngoại hạng Anh.

Trái với Anh, khối EU tỏ ra ngần ngại trước việc ngưng nhập khẩu năng lượng từ Nga, do các quốc gia này hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga.

Đáp lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây, phía Nga cho biết kinh tế nước này đang trải qua “cú sốc chưa từng có”, song sẽ tự lực vượt qua khó khăn này để đáp trả lại những gì xứng đáng.

Nga cũng cảnh báo có thể sẽ cắt đứt vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 từ đầu tuần tới và báo trước rằng thị trường lương thực thế giới sẽ gặp “hậu quả tiêu cực” nếu phương Tây tiếp tục gây ra các vấn đề cho Nga.

Không chỉ vậy, từ ngày 10/3 đến nay, quốc gia này cũng ra lệnh cấm xuất khẩu tổng cộng hơn 200 mặt hàng ra nước ngoài cho đến cuối năm 2022, bao gồm thiết bị viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, điện và công nghệ, nông sản, rượu vodka,…

Bộ Kinh tế Nga cho biết: “Những biện pháp này là phản ứng hợp lý đối với những biện pháp áp đặt chống lại Nga và nhằm đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn của các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế”.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 đã mở một cuộc tấn công mới vào nền kinh tế Nga khi công bố thêm một loạt biện pháp trừng phạt, đồng thời cho biết Mỹ và các nước G7 sẽ tiến tới thu hồi quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Nga nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về hành động quân sự ở Ukraine.

Theo ông Biden, việc chấm dứt quy chế tối huệ quốc sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong giao thương với Mỹ và việc Mỹ phối hợp thực hiện cùng với các nước khác, những nước chiếm tới một nửa kinh tế toàn cầu, sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế Nga lao đao.

Châu Âu hé lộ thời điểm “cai nghiện” khí đốt Nga

Ngày 11/3, trong một cuộc họp của các lãnh đạo EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này sẽ phác thảo kế hoạch để giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá. Kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2027, đánh dấu thời điểm EU hoàn toàn “cai nghiện” nguồn năng lượng từ Nga.

Quyết định này của khối EU được thúc đẩy bởi “chiến dịch đặc biệt” của Nga tại Ukraine và sức ép từ đồng minh Mỹ, khi nước này quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga vào ngày 8/3. Đặc biệt, phía Nga mới đây cũng dùng việc ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu để gây sức ép với EU, buộc khối này phải cân nhắc các lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Moscow.

Mặc dù không thể ngay lập tức ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhưng Liên minh châu Âu cũng đã quyết tâm tìm nguồn cung thay thế Nga và giảm phụ thuộc ngay từ năm nay.

Frans Timmermans, Giám đốc chính sách khí hậu của EU, cho biết châu Âu có thể thay thế 100 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022.

Ông nói với các phóng viên: “Đó là 2/3 số lượng chúng tôi nhập khẩu từ họ. 2/3 vào cuối năm nay. Khó khăn, khó khăn đẫm máu nhưng có thể thực hiện được nếu chúng tôi sẵn sàng đi xa hơn và nhanh hơn những gì chúng tôi đã làm trước đây".

Khí đốt từ Nga hiện chiếm tới 40% nguồn cung của toàn khối EU. Nga cũng cung cấp 27% dầu và 46% than nhập khẩu cho EU. Tổng cộng, kim ngạch thương mại về năng lượng với Nga trị giá hàng chục tỷ USD một năm.

Khu vực đồng EUR tạo ra khoảng một phần tư năng lượng từ khí đốt tự nhiên, trong khi Nga chiếm khoảng một phần ba lượng nhập khẩu của khối. Theo Goldman Sachs, bất kỳ sự gián đoạn nhập khẩu khí đốt nào nữa có thể gây ra những tác động đáng kể đối với sản lượng và lạm phát của nền kinh tế khu vực này.

Hàn Quốc bầu cử Tổng thống mới

Ông Yoon Suk Yeol - Tân Tổng thống Hàn Quốc

 

Ngày 9/3, hơn 44 triệu người dân Hàn Quốc đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống 2022, nhằm tìm ra người kế nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in đương thời.

Theo Reuters, sau khi khoảng 99,9% số phiếu bầu được kiểm, ứng viên Yoon Suk Yeol thuộc Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) đã giành chiến thắng sít sao trước ứng viên Lee Jae Myung thuộc Đảng Dân chủ (DPK) với 48,6% số phiếu, cao hơn con số 47,8% số phiếu mà ứng viên Lee Jae Myung giành được.

Chênh lệch dưới 1% biến cuộc bầu cử năm nay trở thành cuộc bầu cử có kết quả sát sao nhất từ trước đến nay tại xứ sở kim chi.

Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol sinh ngày 18/12/1960 tại Seoul. Dòng họ của ông Yoon là dòng họ có truyền thống danh môn, có nhiều nhà Nho học. Cha và mẹ của ông đều là Giáo sư Đại học, chuyên ngành thống kê.

Ông Yoon Suk-yeol học khoa Pháp lý học của trường Đại học Seoul. Năm 1991, ông đã lấy được bằng Tư pháp. Năm 1994, ông bắt đầu làm việc trong ngành kiểm sát và từng nắm chức Viện trưởng Viện kiểm sát Trung ương Seoul dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định: "Chúng ta, những người dân của Đại Hàn Dân Quốc, là một. Bất kể khu vực, phe phái hay giai cấp, người dân của Đại Hàn Dân Quốc là những người bình đẳng của quốc gia này cho dù họ ở đâu và phải được đối xử công bằng".

Sau cuộc bầu cử, ông Yoon Suk Yeol sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 10/5 tới đây.

Tân tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa chính sách bất động sản trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, sau những lời chỉ trích rằng đây là một trong những thất bại lớn nhất của chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Moon Jae-in.

Bên cạnh vấn đề bất động sản, Hàn Quốc còn đang đối mặt với các vấn đề như khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao, dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Những điều này hứa hẹn sẽ trở thành thách thức khó khăn cho vị tân Tổng thống sau khi nhậm chức.

Theo nhận định của các chuyên gia, nhiệm kỳ của ông Yoon có lẽ sẽ gây dấu ấn về tăng trưởng kinh tế và phòng chống tham nhũng hơn là về các chính sách đối ngoại.

Lạm phát kinh tế Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm

Ngày 10/3, Bộ Lao động Mỹ công bố mức lạm phát ghi nhận trong vòng 12 tháng qua, kết thúc vào tháng 2/2022 của Mỹ. Theo đó, mức lạm phát mới của nước này là 7,9% - mức cao nhất kể từ năm 1982, được thúc đẩy bởi chi phí khí đốt, thực phẩm và nhà ở tăng cao.

Mức tăng này chưa bao gồm giá dầu và khí đốt sau khi Nga tấn công Ukraine từ ngày 24/2. Kể từ thời điểm đó, giá khí đốt trung bình trên toàn quốc đã tăng khoảng 0,62 USD/gallon, lên mức 4,32 USD, theo AAA.

Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý tài sản AllianceBerntein, cho biết: "Đỉnh điểm của lạm phát sẽ cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây và sẽ đến muộn hơn so với dự kiến trước đây".

Lạm phát đang vượt xa mức tăng lương mà người dân Mỹ đã nhận được trong năm qua, khiến họ khó mua được các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, khí đốt và tiền thuê nhà. Trên khắp đất nước, cá nhân người Mỹ cũng như các công ty đang phải vật lộn với lạm phát tăng đột biến và cố gắng giảm thiểu tác động của nó.

Do đó, lạm phát đã trở thành mối đe dọa chính trị hàng đầu đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ trong quốc hội khi cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần.

Trong nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự gia tăng lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, bắt đầu với mức tăng 1/4 vào tuần tới. Tuy nhiên, Fed cũng phải đối mặt với một thách thức tinh tế rằng nếu thắt chặt tín dụng quá mạnh trong năm nay sẽ dẫn tới nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế và có thể gây ra suy thoái.

Theo nhà kinh tế Eric Winograd, nếu giá xăng vẫn ở gần mức hiện tại, ước tính lạm phát có thể lên tới 9% vào tháng 3 hoặc tháng 4/2022.

Xem thêm >> Mỹ lại giáng đòn chí mạng vào kinh tế Nga, khẳng định ông Putin phải ‘trả giá’

Tin mới lên