Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Kazakhstan chìm trong bạo loạn, Mỹ thành nhà xuất khẩu LNG số 1 thế giới

(VNF) - Cuộc cách mạng về dầu đá phiến cùng với các khoản đầu tư mạnh tay vào các cơ sở khí hóa lỏng (LNG) đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu ròng thành nước xuất khẩu LNG số 1 thế giới.

Thế giới tuần qua: Kazakhstan chìm trong bạo loạn, Mỹ thành nhà xuất khẩu LNG số 1 thế giới

Kazakhstan đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập.

Mỹ chính thức trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới

Trong tháng 12/2021, xuất khẩu LNG từ Mỹ đứng đầu thế giới với 7,7 triệu tấn, lần đầu tiên vượt xa các nhà sản xuất đối thủ là Qatar và Australia.

Khách hàng nước ngoài tiêu thụ 13% tổng lượng khí đốt do Mỹ sản xuất trong tháng 12, với sản lượng tăng 7 lần so với năm trước đây – thời điểm mà những hệ thống vận hành xuất khẩu LNG còn chưa xuất hiện ở Mỹ.

Vào thời điểm giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức kỷ lục mới vào cuối tháng 12, khi Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yemen và Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa được chấp thuận, các nhà sản xuất Mỹ đã phản ứng bằng cách tăng cường vận chuyển LNG sang châu Âu. Một khu vực khác Mỹ cũng đang tăng cường xuất khẩu khí đốt là Đông Á.

Trong năm 2021, tổng số 1.043 chuyến tàu chở khí LNG đã rời cảng tại Mỹ để xuất đi nước ngoài, trong đó điểm đến châu Á chiếm gần 50%, còn châu Âu khoảng 33%.

Giá cả ở cả hai khu vực đều vượt xa giá ở Mỹ, cho thấy mảng xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2022.

Theo dự báo từ ICIS và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này sẽ là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất trên thế giới trong năm tới.

Kazakhstan chìm trong bạo loạn

Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan nổ ra từ đầu tuần sau khi chính phủ nước này quyết định tăng gấp đôi giá nhiên liệu. Chỉ trong vòng vài ngày, làn sóng biểu tình đã lan ra khắp đất nước và ngày càng nhuốm màu bạo lực.

Bất ổn an ninh buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.

Ông Tokayev tối 5/1 đã phải đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.

Ngày 7/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan thông báo các cơ quan thực thi pháp luật nước này đã thiết lập 70 trạm kiểm soát hoạt động liên tục trên khắp cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng bạo loạn. Truy cập Internet bị cắt ở phần lớn đất nước. Tình trạng bất ổn đã khiến ngân hàng trung ương phải tạm ngừng hoạt động.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/1 khẳng định Trung Quốc, "với tư cách là một nước láng giềng anh em", sẽ cung cấp bất kỳ sự giúp đỡ cần thiết nào cho Kazakhstan.

Xuất hiện biến chủng Covid-19 mới có nhiều đột biến hơn Omicron

Trong một báo cáo đăng tải trên medRxiv mới đây, một nhóm nhà khoa học tại Viện IHU Mediterranee Infection (Pháp) cho biết biến chủng B.1.640.2 mới, được tạm gọi tên là IHU, được phát hiện trên 12 bệnh nhân sống trong cùng một khu vực ở Đông Nam nước Pháp.

Biến chủng này có liên quan tới dòng B.1.640, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách biến chủng đang được theo dõi từ tháng 11/2021.

Cập nhật đến 6 giờ sáng 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 303 triệu ca nhiễm Covid-19.

Phân tích gen cho thấy biến chủng mới có tới 46 đột biến, trong đó có đột biến E484K được cho là có khả năng kháng vaccine cao hơn. Ngoài ra, biến chủng này cũng có đột biến N501Y giúp tăng khả năng lây nhiễm của virus.

Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện (ngày 10/12/2021), biến chủng mới này dường như không lây lan nhanh. Cho đến nay IHU vẫn chưa được phát hiện ở các quốc gia khác.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho hay biến chủng B.1.640.2 tìm thấy ở Pháp không gây đe dọa lớn từ khi được phát hiện lần đầu hồi tháng 11/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 303 triệu ca, trong đó có gần 5,5 triệu người tử vong.

Mỹ lại lấy Dòng chảy phương Bắc 2 để ‘uy hiếp’ Nga

Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 5/1 đã có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock nhân dịp bà Baerbock có chuyến thăm đầu tiên tới Washington kể từ khi nhậm chức.

Phát biểu trong cuộc họp báo, hai ngoại trưởng cùng nhất trí sẽ tung ra biện pháp cứng rắn với Nga nếu có động thái tấn công Ukraine.

Ông Blinken cho rằng Nga cần giảm leo thang căng thẳng với Ukraine nếu muốn các cuộc đàm phán "đạt được tiến triển thực sự".

Đề cập tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhà ngoại giao Mỹ cho rằng “rất khó để thấy khí đốt chảy qua đường ống đó nếu Nga tiếp tục gây căng thẳng với Ukraine".

"Một số người có thể coi Dòng chảy phương Bắc 2 là đòn bẩy mà Nga có thể sử dụng để chống lại châu Âu. Nhưng thực tế đây là đòn bẩy châu Âu sử dụng để chống lại Nga", nhà ngoại giao Mỹ khẳng định.

Trước đó, trong tuyên bố ngày 7/12/2021, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chính là "công cụ gây sức ép của phương Tây" đối với Nga để ngăn nguy cơ nước này tấn công Ukraine.

Xem thêm >> Bitcoin chưa dứt đà giảm, ‘bốc hơi’ 40% so với mức đỉnh 70.000 USD

Tin mới lên