Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ hạn chế visa quan chức Trung Quốc, Nga bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp

(VNF) - Mỹ hạn chế thị thực quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Hong Kong, Nga tiến hành bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp, WHO cảnh báo hàng triệu người có thể chết trong đợt bùng phát Covid-19 thứ 2… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ hạn chế visa quan chức Trung Quốc, Nga bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Mỹ hạn chế thị thực quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Hong Kong

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 26/6 cho biết Washington sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc liên quan tới việc hạn chế quyền tự chủ của Hong Kong.

Theo ông Pompeo, các hạn chế này sẽ chỉ áp dụng đối với các quan chức hiện tại và cựu quan chức của Trung Quốc được cho là đã cản trở quyền tự chủ của Hong Kong.

Tuy nhiên vị Ngoại trưởng chưa tiết lộ danh tính các quan chức Trung Quốc sẽ bị áp dụng các hạn chế thị thực của Mỹ.

Ngay sau tuyên bố của ông Pompeo, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Phương Hồng (Fang Hong) tuyên bố Trung Quốc phản đối các quyết định sai lầm của phía Mỹ và nhấn mạnh dự luật của Trung Quốc chỉ nhắm tới một số hành động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia.

Bà Phương Hồng kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa sai, rút lại quyết định của mình và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trước đó, Thượng viễn Mỹ ngày 25/6 đã thông qua dự luật có tên gọi “Đạo luật tự chủ Hong Kong”, một trong những động thái của Mỹ nhằm phản đối dự luật an ninh mới của Trung Quốc đối với Hong Kong.

Dự luật này áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với các cá nhân và công ty ủng hộ Trung Quốc hạn chế quyền tự chủ của Hong Kong.

Dự luật này cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ yếu đối với các ngân hàng có giao thương với các cá nhân ủng hộ việc cản trở quyền tự chủ của Hong Kong. Các ngân hàng này sẽ bị cấm hợp tác với các đối tác Mỹ và bị giới hạn tham gia vào các hoạt động giao dịch bằng đồng USD. 

Để trở thành luật, dự luật sẽ phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký duyệt. Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Van Hollen, một trong những người bảo trợ chính của dự luật tuyên bố văn bản này là thông điệp rõ ràng rằng sẽ có hậu quả nếu Trung Quốc tiến tới cản trở quyền tự chủ của Hong Kong.

Nga tiến hành bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp Nga đã bắt đầu vào ngày 25/6 và 2 điểm thuộc viễn đông của Nga gồm Kamchatka và Chukotka là những điểm mở cửa đầu tiên.

Theo kế hoạch, các cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc sẽ kéo dài trong 7 ngày và kết thúc vào ngày 1/7.

Được biết, 45 nghìn người sẽ có mặt tại 3,6 nghìn điểm bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp trên khắp Moscow, nhằm bảo đảm công tác bỏ phiếu diễn ra đúng phát luật.

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp Nga đã bắt đầu vào ngày 25/6.

Bộ Lao động Nga cũng quy định cho phép công dân Nga nghỉ làm việc mà vẫn hưởng lương vào ngày 1/7 để tham gia bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp. Nếu cá nhân nào vẫn phải làm việc trong ngày này, sẽ được hưởng khoản thanh toán gấp đôi cho một ngày làm việc. Nếu công dân được nghỉ bù vào một ngày khác, họ sẽ chỉ được hưởng một ngày lương như thông thường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã khẳng định sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga sẽ chỉ có hiệu lực nếu chúng được công dân ủng hộ. Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng, các điều khoản của Hiến pháp mới sẽ đặt ra những tiêu chuẩn mới về tính hiệu quả của hệ thống hành chính công.

Sau khi người dân hoàn thành việc bổ phiếu, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau 3 ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.

Nếu kết quả trưng cầu cho thấy người dân tán thành, ông Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.

WHO cảnh báo hàng triệu người có thể chết trong đợt bùng phát Covid-19 thứ 2

Phó Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Ranieri Guerra mới đây đưa ra cảnh báo rằng, hàng triệu người có thể chết nếu thế giới chứng kiến đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2.

"Chúng tôi so sánh với dịch cúm Tây Ban Nha, mọi thứ rất giống với dịch COVID. Nó có chiều hướng đi xuống vào muà hè nhưng trở lại dữ dội vào tháng 9 và tháng 10, gây ra cái chết của 50 triệu người trong đợt bùng phát thứ 2", ông Guerra cho hay.

Tuyên bố trên được ông Guerra đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia gia châu Âu cũng như trên toàn cầu bắt đầu các biện pháp nới lỏng lệnh phòng tỏa ban đầu được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tính tới hết ngày 26/6, toàn thế giới ghi nhận gần 9,9 triệu ca nhiễm và gần 496.000 người chết do dịch Covid-19.

Hồi giữa tháng 6, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thành viên Liên mình châu Âu (EU) gỡ bỏ các hạn chế đi lại giữa các nước trong khối kể từ đầu tuần tới và cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh EU từ ngày 1/7.

Trong khi đó hôm 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington đang hợp tác với các đồng minh châu Âu để nối lại các hoạt động đi lại quốc tế một cách an toàn.

Tính tới hết ngày 26/6, toàn thế giới ghi nhận gần 9,9 triệu ca nhiễm và gần 496.000 người tử vong do dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Mỹ.

Thủ tướng Canada bác đề nghị thả CFO Huawei

Theo hãng tin CBC của Canada, một nhóm gồm 19 nhân vật cấp cao của chính quyền Canada, bao gồm các cựu bộ trưởng ngoại giao Lloyd Axworthy và Lawrence Cannon, mới đây đã gửi thư tới Thủ tướng Justin Trudeau, đề nghị Bộ trưởng Tư pháp David Lametti can thiệp để trả tự do cho Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu, tạo tiền đề để Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Canada.

Hai công dân này bao gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ ngay sau khi bà Mạnh bị bắt ở Vancouver năm 2018.

Những người này vừa bị truy tố tội gián điệp hồi tuần trước, một tội danh có thể đối mặt với mức án từ 10 năm đến chung thân.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh không có sự liên quan giữa vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu và việc bắt giữ 2 công dân Canada, nhưng Thủ tướng Canada cho rằng hai vụ việc này có liên quan trực tiếp đến nhau.

Phát biểu trước báo giới ngày 25/6, đề cập tới kiến nghị thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, Thủ tướng Trudeau cho rằng đề nghị trên là "thiển cận" và hành động như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu, thậm chí thúc đẩy Trung Quốc bắt giữ thêm nhiều mục tiêu chính trị khác của Canada.

“Tôi đồng cảm với hoàn cảnh của hai ông Spavor và Kovrig nhưng Canada không thể bỏ qua cho Trung Quốc với kiểu ngoại giao con tin này. Bắt giữ tùy tiện công dân Canada sẽ không giúp họ có được thế thượng phong với chính phủ Canada", ông Trudeau khẳng định.

Thủ tướng Canada cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng tôi không thể cho phép dùng sức ép chính trị hay việc bắt giữ các công dân Canada một cách tùy tiện để gây ảnh hưởng lên hoạt động của hệ thống tư pháp của Canada”.

Ở động thái liên quan mới nhất, Tòa án tối cao tỉnh bang British Columbia của Canada ngày 23/6 thông báo các phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, sang Mỹ sẽ kéo dài đến cuối tháng 4/2021.

Xem thêm >> Loạt khách sạn, nhà hàng Ấn Độ ‘tẩy chay’ khách Trung Quốc

Tin mới lên