Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ nóng Fed tăng lãi suất, Nga tăng quân gây hoang mang

(VNF) - Sự kiện nổi bật trong tuần qua là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất kéo theo một "làn sóng" tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới; việc Tổng thống Putin ký lệnh động viên một phần hay 4 khu vực tại Ukraine trưng cầu dân ý là những tin tức được quan tâm.

Thế giới tuần qua: Mỹ nóng Fed tăng lãi suất, Nga tăng quân gây hoang mang

Sự kiện tăng lãi suất của Fed là điểm nhấn trong tuần qua.

Cục dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất

Một trong những tin tức có tầm ảnh hưởng lớn nhất tuần qua là việc Fed nâng lãi suất cơ bản để thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát tăng cao tại Mỹ.

Sau cuộc họp được cả thị trường mong chờ của Fed diễn ra vào 2 ngày 20 - 21/9, Chủ tịch Jerome Powell đã công bố mức tăng lãi suất cơ bản 0,75%, nâng mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên phạm vi từ 3% - 3,25%.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức độ mà ông Powell gọi là “cao bất thường”. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008.

Theo Chủ tịch Fed, ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến chính sách lãi suất sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn và ở mức cao hơn dự kiến, đồng thời báo hiệu một đợt nâng lãi suất mạnh khác vào cuối năm nay.

Các quan chức dự báo rằng tỷ lệ lãi suất sẽ đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023, điều đó có nghĩa là mức tăng 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp có thể được đưa ra cho cuộc họp tiếp theo của Fed vào tháng 11, khoảng một tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Ngay sau động thái của Fed, hàng chục ngân hàng trung ương của các quốc gia từ châu Âu tới châu Á cũng đã đưa ra những quyết định mới liên quan tới lãi suất, trong đó hầu hết đưa ra các mức tăng lãi suất từ 0,5-0,75%. Cũng có các quốc gia công bố giữ nguyên hoặc giảm lãi suất như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Brazil, nhưng con số này không nhiều.

TT Putin ký lệnh động viên, Nga huy động 300.000 quân dự bị

Ngày 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội, huy động thêm 300.000 quân dự bị và tuyên bố sẽ dùng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa” trong bối cảnh căng thẳng quân sự kéo dài với Ukraine.

Theo Tổng thống Nga Putin, quân đội Nga hiện đang phải đối mặt với phương Tây ở chiến tuyến kéo dài hơn 1.000km. Do vậy, ông ủng hộ huy động một phần lực lượng dự bị để bảo vệ đất nước.

Lệnh "động viên một phần" do ông Putin công bố áp dụng với lực lượng quân nhân chuyên nghiệp đã giải ngũ. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau Thế chiến II.

Ngoài ra, lãnh đạo Nga cũng cảnh báo phương Tây nếu các nước này tiếp tục "hành vi đe dọa hạt nhân", Moskva sẽ đáp trả bằng sức mạnh toàn bộ kho vũ khí khổng lồ của mình, theo Reuters.
Động thái của Tổng thống Nga đã vấp phải sự lên án kịch liệt từ phía Ukraine và các quốc gia đồng minh phương Tây.

Theo đó, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu ra quyết định sẽ tung thêm gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Moscow, trong khi G7 cũng đồng thuận thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa, duy trì sức ép kinh tế, chính trị đối với Nga.

4 vùng Ukraine trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga

Bắt đầu từ ngày 23/9, Hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) cùng hai tỉnh Kherson và Zaporozhye bắt đầu lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập vào Nga. 4 khu vực này chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine.

Theo hãng tin Tass, 4 khu vực này sử dụng phương pháp truyền thống bầu trên giấy và không bỏ phiếu kỹ thuật số. Vì lý do an ninh, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra vào duy nhất ngày 27/9. Trong 4 ngày trước đó, việc bỏ phiếu được tổ chức theo các địa phương, hoặc gửi các lá phiếu theo đường bưu điện, hoặc giới chức trách đến nhà thu phiếu. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 28/9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tôn trọng kết quả các cuộc trưng cầu dân ý của 4 khu vực DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye, đồng thời sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho các cuộc bỏ phiếu để người dân được bày tỏ mong muốn của mình.

Trong khi đó, Các quốc gia phương Tây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã gay gắt chỉ trích việc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga và tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu của 4 khu vực này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã lên tiếng phản đối động thái này.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng ngoại giao EU ngày 23/9, Cao ủy chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết khối đã thống nhất về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga ở các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass và các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Về phía Ukraine, giới chức nước này cam kết tiếp tục nỗ lực để giành lại các vùng lãnh thổ từ phía lực lượng Nga.

Dự trữ dầu của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục 

Theo báo cáo được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 23/9, dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ (SPR) đã giảm xuống 427,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984 cho đến nay.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo 180 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ của SPR sẽ được xuất ra thị trường vào cuối tháng 3 trong nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu tăng và sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xuất khẩu dầu của Nga ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine.

Dữ liệu chính thức cho thấy từ đầu năm đến nay, SPR đã giải phóng khoảng 155 triệu thùng dầu. Dự kiến sẽ có thêm 10 triệu thùng nữa được bơm vào thị trường trong tháng 11 tới.

Theo một phân tích gần đây từ Bộ Tài chính Mỹ, nỗ lực xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ và các đối tác quốc tế của nước này đã giúp hạ giá xăng trong nước khoảng 40 cent/gallon.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng bán lẻ tại Mỹ giảm dần trong hơn 13 tuần liên tiếp kể từ tháng 6/2022. Tuy nhiên, vào đầu tuần này, giá xăng ở Mỹ lại có dấu hiệu tăng trở lại khi nguồn cung bị gián đoạn do một số nhà máy lọc dầu ngưng hoạt động để bảo trì.

Trong phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô Brent giao sau giảm 4,31 USD (tương đương 4,8%) xuống 86,15 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,75 USD, xuống 78,74 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

Sáng 25/9, theo trang truyền thông Yonhap, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định, chỉ vài tiếng sau khi Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này.

Động thái phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt tại cảng Busan hôm 23/9, lần đầu tiên sau gần 5 năm, để chuẩn bị cho đợt tập trận cùng Hàn Quốc. Các cuộc tập trận sẽ diễn ra ở biển Hoa Đông vào cuối tháng.

Đây là vụ phóng lần thứ 5 kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol nhậm chức hồi tháng 5.

Trước đó, ngày 23/9, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã đánh giá Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử hạt nhân trong thời điểm diễn ra chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bà Harris dự kiến có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Nhật Bản từ ngày 26/9, dẫn đầu một phái đoàn tham dự lễ quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau đó, bà Harris sẽ tới Hàn Quốc ngày 29/9 để gặp Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới ngày 24/9, toàn cầu hiện có khoảng 619,9 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, số ca nhiễm mới được ghi nhận trong 7 ngày vừa qua là 2,9 triệu ca, giảm 12% so với tuần trước.

Trong 7 ngày qua, các quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất lần lượt là Nhật Bản (430.000 ca), Nga (370.000 ca) và Mỹ (332.000 ca).

Trái với xu hướng số ca nhiễm mới giảm dần ở các quốc gia châu Á, một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Áo đều có số ca nhiễm mới tăng. Do đó, châu Á đã không còn là châu lục có số ca nhiệm nhiều nhất trong tuần (1,1 triệu ca), thay vào đó là châu Âu với gần 1,3 triệu ca.

Đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden tuyên bố đại dịch đã kết thúc tại Mỹ khi số ca tử vong đã giảm từ hàng nghìn xuống chỉ còn khoảng 400 ca mỗi ngày kể từ đầu nhiệm kỳ của ông: “Chúng ta vẫn còn vấn đề với Covid-19 và đang làm rất nhiều việc để xử lý, nhưng đại dịch đã kết thúc. Không còn ai đeo khẩu trang. Mọi người đều trong trạng thái tốt, vì vậy tôi nghĩ tình hình đang thay đổi”.

Sau phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ, ngày 22/9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cảnh báo đại dịch vẫn chưa kết thúc, dù thế giới đang trong giai đoạn nước rút để thoát khỏi “bóng ma” của nó, đồng thời hối thúc các chính phủ có hành động phối hợp và đưa ra các cam kết chính trị để giảm số ca tử vong và ngăn thiệt hại về kinh tế do đại dịch gây ra.

Ngày 19/9, chính quyền thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc, đã dỡ bỏ biện pháp phong tỏa kéo dài hơn 2 tuần vốn sau khi tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, tuy nhiên vẫn sẽ duy trì việc xét nghiệm hàng loạt với người dân.

Trong khi đó, ngày 20/9, Nội các Thái Lan đã thông qua một quy định cấp bộ, theo đó loại trừ Covid-19 khỏi danh sách các bệnh bị từ chối nhập cảnh hoặc cư trú tại quốc gia này (bao gồm bệnh phong, bệnh lao ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh phù chân voi, nghiện ma túy, nghiện rượu mãn tính và bệnh giang mai giai đoạn 3).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Hong Kong đang có xu hướng giảm dần, chiều 23/9, chính quyền đặc khu kinh tế thông báo điều chỉnh quy định cách ly đối với người nhập cảnh, theo đó hủy bỏ việc cách ly tại khách sạn và chuyển thành tự theo dõi y tế tại nhà trong 3 ngày.

Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời để phòng dịch. Quyết định có hiệu lực từ ngày 26/9 tới, trong đó ghi rõ những cá nhân đến các địa điểm tập trung trên 50 người ở ngoài trời, cùng các sự kiện thể thao và ca nhạc sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang.

 

Xem thêm >> Trung Quốc có quỹ giải cứu bất động sản quy mô hơn 500 tỷ USD

Tin mới lên