Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục 3.100 tỷ USD, EU trừng phạt loạt quan chức Nga

(VNF) - Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD vì Covid-19, Philippines dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Anh ngưng đàm phán với EU, Síp dừng chương trình “hộ chiếu vàng”… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục 3.100 tỷ USD, EU trừng phạt loạt quan chức Nga

Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD vì Covid-19.

Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD vì Covid-19

Số liệu Nhà Trắng công bố ngày 16/10 cho thấy thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2020 của chính phủ Mỹ (kết thúc vào tháng 9) là 3.100 tỷ USD. Con số này gấp ba lần năm ngoái (984 tỷ USD) và gấp đôi kỷ lục trước đó là 1.400 tỷ USD năm 2009.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2020 đã lên tới 16,1%, con số lớn nhất kể từ năm 1945 – thời kỳ mà nước Mỹ phải chi nhiều khoản khổng lồ cho các hoạt động quân sự nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II.

Nợ liên bang năm 2020 đã tăng 25% lên tới 21 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 9 (cuối năm tài khóa), so với mức 16,8 nghìn tỷ USD ở thời điểm bắt đầu năm tài khóa 2020.

Phần lớn mức thâm hụt ngân sách của năm tài khóa 2020 là do Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES), một gói chi tiêu trị giá 2. 200 tỷ USD, bao gồm khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho những người lao động phải tạm nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch và các khoản vay mà có thể không phải trả dành cho doanh nghiệp để họ giữ lại lao động.

Số liệu nghiên cứu cho thấy việc phải chi những khoản cứu trợ lớn chưa từng thấy đã giúp các doanh nghiệp và các gia đình Mỹ trụ vững qua những tháng đầu tiên khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, tăng thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên với hơn 10 triệu người hiện nay vẫn chưa thể quay lại làm việc, có nhiều dấu hiệu cho thấy động lực phục hồi kinh tế đang chậm lại bởi các chương trình hỗ trợ của chính quyền liên bang bắt đầu hết hạn.

Philippines dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Thông tấn xã Philippines ngày 15/10 công bố thông tin cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ năng lượng nước này về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu và khí đốt ở phía đông biển Đông.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi, chính phủ ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, công ty Forum Ltd và Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC)”.

Ông Cusi cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ khiến các nhà thầu dịch vụ có nghĩa vụ pháp lý phải góp vốn vào các khu vực theo hợp đồng và thuê các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Philippines.

Trong cuộc họp báo ngày 16/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận thông tin này, cho biết Trung Quốc và Philippines đã đạt được đồng thuận về việc cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông, tạo cơ chế tham vấn và hợp tác thích hợp.

Theo giới quan sát, nếu Manila dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông thì Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách "đường 9 đoạn".

Anh ngưng đàm phán với EU

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/10 ra tuyên bố kêu gọi các doanh nghiệp và người dân Anh chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối năm nay, đồng thời tạm ngưng các đàm phán đang tiến hành với Liên minh châu Âu.

Nhà lãnh đạo Anh cho biết Liên minh châu Âu không chịu đàm phán nghiêm túc trong vài tháng qua, đồng thời Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa kết thúc ở Brussels đã loại bỏ phương án ký kết với Anh một hiệp định thương mại tự do giống như hiệp định mà EU đã ký với Canada.

Do đó, ông Boris Johnson cho rằng, trừ khi có những thay đổi lớn trong quan điểm của EU, nếu không nước Anh cần phải chuẩn bị cho kịch bản “không thỏa thuận” trong quan hệ với EU kể từ ngày 1/1/2021, khi thời kỳ quá độ Brexit chính thức chấm dứt.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Thủ tướng Boris Johnson cũng tái khẳng định, nước Anh không chấp nhận việc EU tiếp tục muốn can thiệp vào quyền tự do lập pháp cũng như sự độc lập về nghề cá của Anh. Ông Johnson cũng chỉ trích việc EU không chấp nhận trao cho Anh một hiệp định thương mại như đã ký với Canada, bất chấp việc nước Anh đã có hơn 4 thập kỷ là thành viên của khối.

Síp dừng chương trình “hộ chiếu vàng”

Ngày 13/10, Síp thông báo dừng triển khai Chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) (còn gọi là cấp "hộ chiếu vàng") sau hàng loạt những thông tin về tình trạng những người nước ngoài giàu có lạm dụng chương trình này để có hộ chiếu đảo quốc này và có quyền di chuyển tự do trong Liên minh châu Âu (EU).

Hãng thông tấn Síp dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Cyprus Kyriakos Koushos cho biết quyết định ngừng cấp "hộ chiếu vàng" có hiệu lực từ ngày 1/11 tới.

Ngày 13/10, Síp thông báo dừng triển khai Chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP).

Phát biểu của ông Kyriakos Koushos được đưa ra ngay sau cuộc họp nội các khẩn cấp của đảo quốc này.

Theo hãng tin Al Jazeera, để nhận "hộ chiếu vàng" của Síp theo chương trình CIP, các cá nhân cần có khoản đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (khoảng 2,2 triệu USD) vào bất động sản hoặc vào một công ty có trụ sở tại Síp.

Cũng theo Al Jareeza, trong khoảng thời gian từ 2017-2019, có hơn 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn để mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” này. Được biết, chương trình này đã giúp Síp thu về khoảng 7 tỷ euro, tương đương 7,8 tỷ USD.

EU trừng phạt loạt quan chức Nga

Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 15/10 tuyên bố trừng phạt 6 quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin vì cáo buộc liên quan tới nghi án đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Các quan chức nằm trong danh sách bị trừng phạt gồm ông Andrei Yarin, người đứng đầu Ban cố vấn chính sách cho Tổng thống Putin; ông Sergei Kiriyenko, phó chánh văn phòng thứ nhất của Điện Kremlin; ông Sergei Menyaylo, đặc phái viên của ông Putin tại Siberia; ông Alexander Bortnikov, giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) và 2 thứ trưởng quốc phòng Pavel Popov và Alexei Krivoruchko.

EU trừng phạt 6 quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin vì cáo buộc liên quan tới nghi án đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

EU cũng trừng phạt Viện Nghiên cứu Khoa học Nhà nước về Hóa học và Công nghệ Hữu cơ Nga, cơ quan được cho là chịu trách nhiệm tiêu hủy kho vũ khí hóa học được kế thừa từ Liên Xô.

Theo đó, Anh và EU sẽ giới hạn đi lại và đóng băng tài sản của các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 15/10.

Lệnh trừng phạt của EU đã vấp phải loạt chỉ trích gay gắt từ chính quyền Nga.

"Động thái của EU đã làm hủy hoại quan hệ với chúng tôi. Đây là bước đi không thân thiện có chủ đích. Nga sẽ có đáp trả thích đáng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 16/10 khi được hỏi về phản ứng của Nga trước lệnh trừng phạt của EU.

Nga cho rằng thật phi lý khi mối quan hệ giữa EU và Moscow bị đe dọa chỉ vì một người mà châu Âu tin là thủ lĩnh của một số hình thức đối lập.

Xem thêm >> Loạt quan chức thân cận ông Putin bị trừng phạt, Nga nói quan hệ với EU bị hủy hoại

Tin mới lên