Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung căng thẳng nhiều mặt, Hong Kong tung 511 triệu USD cứu nền kinh tế

(VNF) - Hong Kong tung 511 triệu USD cứu nền kinh tế suy thoái vì biểu tình, NATO lần đầu xem Trung Quốc là một thách thức mới, Nhà Trắng từ chối tham gia điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (2/12-8/12).

Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung căng thẳng nhiều mặt, Hong Kong tung 511 triệu USD cứu nền kinh tế

Bạo lực leo thang giữa cảnh sát và người biểu tình đã đẩy Hong Kong vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.

Hong Kong tung 511 triệu USD cứu nền kinh tế suy thoái vì biểu tình

Chính quyền Hong Kong ngày 4/12 công bố tung ra 511 triệu USD nhằm vực dậy nền kinh tế suy thoái, do phong trào biểu tình kéo dài gây ra.

Theo Reuters, đây là lần nỗ lực thứ 4 của chính quyền Hong Kong để cứu nền kinh tế suy thoái của mình. Động thái này đã nâng tổng số tiền Hong Kong bỏ ra cho mục đích hỗ trợ kinh tế lên 3,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cần thêm một thời gian nữa để những biện pháp này phát huy tác dụng, vực dậy ngành du lịch và bán lẻ của thành phố.

Cũng trong ngày 4/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Hong Kong thực hiện các chính sách kích thích tài chính mạnh tay hơn nữa. IMF cho rằng chỉ có như vậy Hong Kong mới có thể thoát khỏi suy thoái và giải quyết các vấn đề lâu dài về căn cơ, như tình trạng thiếu nhà ở và bất bình đẳng thu nhập.

Khảo sát do IHS Markit công bố ngày 4/12 cho biết hoạt động kinh doanh tại Hong Kong đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong suốt 21 năm qua vào tháng 11.

Bạo lực leo thang giữa cảnh sát và người biểu tình đã đẩy Hong Kong vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng qua. Nhiều cửa hàng, trường học, cơ quan chính quyền và tuyến giao thông đã phải đóng cửa vì xung đột.

Mỹ-Trung căng thẳng nhiều mặt

Hạ viện Mỹ ngày 3/12 (giờ địa phương) đã thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.

Dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Dự luật cũng yêu cầu tổng thống Mỹ gây sức ép để Bắc Kinh xóa sổ các "trại giam tập thể" ở khu tự trị này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) ngày 4/12 đã triệu tập ông William Klein, Cố vấn Bộ trưởng về các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, để phản đối dự luật này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh.

Tới ngày 6/12, trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại nước này hồi tháng 10, Bắc Kinh đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc và có các biện pháp "đối đẳng" với Washington trong ngày 4/12.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, phía Trung Quốc sẽ có những đáp trả tương tự dựa trên cách làm của Mỹ, đồng thời hối thúc Mỹ rút lại quyết định đã đưa ra, nhằm tạo điều kiện hoạt động cho các quan chức ngoại giao của Trung Quốc tại Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 10, Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải thông báo cho Bộ Ngoại giao nước này trước khi gặp gỡ các quan chức liên bang và địa phương, coi đây là một động thái "trả đũa" việc các nhà ngoại giao Mỹ không thể gặp nhiều quan chức và nhà nghiên cứu của Trung Quốc.

Nhà Trắng từ chối tham gia điều trần luận tội Tổng thống Trump

Nhà Trắng ngày 6/12 tuyên bố không tham gia các phiên điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump của Hạ viện trong tuần tới.

Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone ngày 6/12 đã ký bức thư của Nhà Trắng gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp hạ viện Jerrold Nadler. Nội dung bức thư cho rằng cuộc điều tra luận tội là hoàn toàn vô căn cứ và đã vi phạm các quy tắc cơ bản của một quá trình đúng đắn và công bằng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo bức thư, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy đã yêu cầu các Hạ nghị sỹ Dân chủ tiến hành các điều khoản luận tội trước khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện nghe các chứng cứ. Bức thư yêu cầu Chủ tịch Ủy ban tư pháp Hạ viện chấm dứt cuộc điều tra và không mất thời gian cho các cuộc điều trần. Bức thư cho rằng nếu các Hạ nghị sỹ Dân chủ thông qua các điều khoản luận tội, đây sẽ là nỗ lực luận tội vi hiến, mang tính đảng phái và không công bằng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bức thư cũng nhấn mạnh tuyên bố của Tổng thống Trump mới đây đó là nếu phe Dân chủ muốn luận tội ông thì nên tiến hành khẩn trương và ông sẽ có một phiên xét xử công bằng ở Thượng viện, khi đó nước Mỹ sẽ trở lại yên ổn.

NATO lần đầu xem Trung Quốc là một thách thức mới

Trong bản tuyên bố chung được công bố sau khi nguyên thủ 29 quốc gia thành viên NATO nhóm họp phiên toàn thể ngày 4/12 tại London (Anh), khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã lần đầu tiên xem Trung Quốc là một thách thức mới.

Cụ thể hơn, NATO tuyên bố khối này giờ đây xem không gian vũ trụ là một phạm vi tác chiến mới đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc các nước đồng minh trong NATO cần đảm bảo an ninh về mặt viễn thông, bao gồm cả công nghệ 5G. Đây là hai lĩnh vực mà trong thời gian Mỹ luôn thúc giục các đồng minh trong NATO phải áp dụng một chính sách cứng rắn nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khối này cần tìm “cách cân bằng” để phản ứng lại thách thức từ Trung Quốc. Tổng thư ký Stoltenberg đồng thời khẳng định NATO không muốn tạo đối thủ mới và chỉ cần các đồng minh NATO sát cánh thì khối quân sự này vẫn mạnh mẽ và an toàn.

Theo đánh giá riêng của NATO, Trung Quốc có chi phí quốc phòng lớn thứ 2 toàn cầu trong năm 2018. Hải quân nước này đã có thêm 80 tàu biển và tàu ngầm chỉ trong vòng 5 năm. Hồi tháng 3 mới đây, Trung Quốc đặt chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng 2019 tăng 7,5% so với năm trước, lên mức 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước Liên minh châu Âu

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mới đây tuyên bố Nga sẵn sàng phát triển quan hệ không chỉ với toàn Liên minh châu Âu (EU) nói chung mà còn với bất cứ nước thành viên nào của EU trên cơ sở song phương.

Thủ tướng Medvedev ước tính EU đã mất khoảng 100-200 tỷ euro sau khi liên minh này áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào năm 2014. Theo ông Medvedev, khoản tiền này không thể lấy lại được và nó đồng nghĩa với việc mất đi việc làm, thu nhập của các doanh nghiệp và người lao động.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Thủ tướng Medvedev cũng cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga với EU cũng giảm từ 417 tỷ USD xuống khoảng 250 tỷ USD. Ông bày tỏ hy vọng những căng thẳng thương mại sẽ chấm dứt và toàn bộ các biện pháp hạn chế sớm được dỡ bỏ.

Xem thêm >> Ngân hàng Thế giới tính cho Trung Quốc vay 1,5 tỷ USD, ông Trump nói ‘dừng ngay lại’

Tin mới lên