Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga cam kết rút bớt quân, EU-Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh

(VNF) - Sau hơn 1 tháng chiến sự, Nga – Ukraine cuối cùng đã tìm được hi vọng khi Nga cam kết rút bớt quân khỏi phía tây Ukraine và mở thêm các hành lang nhân đạo. Tuy vậy, những tiến bộ mới trong quân sự không thể xoá nhoà những bất ổn kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, với việc Nga đòi thanh toán đồng ruble cho khí đốt, còn Mỹ phải mở đợt xả kho dầu dự trữ lớn nhất lịch sử.

Thế giới tuần qua: Nga cam kết rút bớt quân, EU-Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đợt xả dầu dự trữ lớn nhất lịch sử trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine làm giá dầu thế giới tăng mạnh.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Theo worldometers.info, tính đến sáng ngày 2/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 490.043.442 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.171.238 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 1.229.698 ca mắc Covid-19 mới, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 280.187 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca lây nhiễm mới ở dưới mốc 300.000 ca; tiếp đến là Đức với 231.910 ca và Pháp với 148.629 ca.

Trong 7 ngày qua, toàn thế giới ghi nhận thêm hơn 9,7 triệu ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu tại châu Âu với hơn 4,7 triệu ca và châu Á (3,8 triệu ca). Xét theo quốc gia, Hàn Quốc vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong tuần (2,2 triệu ca), theo sau là Đức (1,4 triệu ca), Pháp (983.590 ca) và Việt Nam (611.874 ca).

Với tổng số hơn 81 triệu ca nhiễm Covid-19, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đã hoàn toàn nới lỏng các lệnh hạn chế dịch bệnh và không còn yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nước này cũng mới cấp phép tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho người dân trên 50 tuổi.

Trong đợt lây nhiễm mới với biến chủng gây bệnh chủ yếu là chủng “tàng hình” Omicron BA.2, châu Âu và châu Á là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù đã qua đỉnh dịch, một số quốc gia châu Âu như Đức và Pháp gần đây tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng, trong khi các quốc gia châu Á bắt đầu cho thấy dấu hiệu đã qua đỉnh dịch.

Tại châu Á, bên cạnh các quốc gia có số ca nhiễm mới hàng đầu như Hàn Quốc hay Việt Nam, các nước như Nhật Bản, Lào, Iran bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm tăng. Tuy vậy, nhiều nước vẫn quyết định mở cửa đón khách du lịch trở lại, quay lại trạng thái bình thường mới. Ngay cả Hàn Quốc cũng đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/4.

Trái lại, Trung Quốc, nước vẫn đang kiên trì theo đuổi chính sách “zero-Covid”, tiếp tục ra lệnh phong toả thành phố Thượng Hải với gần 24 triệu dân để dập dịch triệt để, tránh lây lan. Quốc gia này trong tuần qua ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 mới, giảm 28% so với tuần trước, và không ghi nhận ca tử vong mới nào.

Chiến sự Nga – Ukraine đạt tiến triển mới

Sau hơn 1 tháng chiến sự căng thẳng mà không có đột phá từ các cuộc đàm phán song phương, ngày 29/3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố Nga sẽ “giảm đáng kể hoạt động quân sự ở các khu vực Kiev và Chernihiv của Ukraine”, nhằm tăng cường tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc đàm phán thứ 4 giữa Nga và Ukraine. Mặc dù cả Mỹ và Ukraine sau đó đều bày tỏ sự nghi ngờ đối với quyết định rút bớt quân của Nga, nhưng đến ngày 1/4, quân đội Nga đã trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cho phía Ukraine và bắt đầu rời khu vực sau hơn một tháng tiếp quản.

Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ mở các hành lang nhân đạo ở các khu vực Kiev, Chernigov, Sumy, Kharkov và Mariupol vào lúc 10h sáng hằng ngày, bắt đầu từ 1/4.

Tuy nhiên, giao tranh dường như vẫn xảy ra tại Kiev, với việc các cuộc phóng tên lửa vẫn được thực hiện trong thành phố. Mỹ cũng tố cáo Nga chỉ rút khoảng 20% quân lính tại Kiev về phía biên giới với Belarus.

Thêm vào đó, chiều 1/4, một kho trữ dầu tại thành phố Belgarod của Nga đã bốc cháy, quan chức Nga nghi ngờ do không kích từ 2 chiếc máy bay của Ukraine. Vì vậy, những tiến triển để đem tới một cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 quốc gia sẽ mất thêm một thời gian nữa để có thể trở thành hiện thực.

Nga yêu cầu các nước “không thân thiện” trả tiền khí đốt bằng ruble

Trong một nỗ lực làm phục hồi giá trị cho đồng ruble và “trả đũa” phương Tây, tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ bắt các quốc gia “không thân thiện” mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng tiền chủ quyền của Moscow.

Danh sách các quốc gia “không thân thiện” bao gồm Mỹ và Canada, các quốc gia EU, Vương quốc Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, và cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan.

Theo Tổng thống Nga, nếu các quốc gia không thanh toán ruble cho các hoá đơn khí đốt, Moscow sẽ cắt nguồn cung vì nước này đã phải chịu tình trạng gần như “cho không” khí đốt từ khi Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt khiến việc thanh toán khí đốt cho nước này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Quyết định của ông Putin đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các khách hàng khối EU, khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga. Theo đại diện Uỷ ban Liên minh châu Âu, hành động của Nga là vi phạm hợp đồng và cố tình “tống tiền” bằng khí đốt, đồng thời cho biết EU sẽ không tuân theo yêu cầu này.

Đáp lại, phía Nga vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Ngày 31/3, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh mới, trong đó yêu cầu các khách hàng mua khí đốt của Nga phải mở tài khoản bằng ruble tại ngân hàng Gazprombank, chuyển ngoại tệ vào để chuyển sang thành ruble và thanh toán khí đốt cho Nga, bắt đầu từ ngày 1/4.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia EU có đồng ý với sắc lệnh mới của ông Putin hay không. Tuy nhiên, tới chiều ngày 1/4, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn hoạt động với công suất bình thường.

Mỹ mở đợt xả kho dầu dự trữ lớn nhất lịch sử

Kể từ thời điểm chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, giá dầu thế giới đã liên tục bị đẩy lên cao. Những lệnh trừng phạt với Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn và là thành viên đối tác quan trọng của các nước OPEC+, đã phần nào khiến nguồn cung dầu thắt chặt, với hệ quả là giá dầu bị đẩy lên trên 100 USD/thùng tại nhiều nơi.

Giá dầu neo cao trong nhiều tuần đã tạo những thách thức mới cho chính quyền Tổng thống Biden, người đang có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong nhiệm kỳ, và làm trì trệ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Mỹ.

Sau khi kêu gọi các nước OPEC tăng thêm sản lượng nhưng không đạt được tiến độ đáng kể, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Đây là lần thứ 3 Mỹ quyết định xả kho dầu dự trữ trong 6 tháng và cũng là đợt xả dầu lớn nhất lịch sử từ kho SPR. Lượng xả kho dầu lần này của Mỹ tương đương với lượng tiêu thụ dầu toàn cầu trong 2 ngày.

Theo một quan chức Mỹ, những thùng dầu này sẽ đóng vai trò cầu nối cho tới khi Mỹ bổ sung sản lượng và các hoạt động sản xuất khác mà chính quyền mong đợi vào cuối năm nay. Chính quyền Mỹ cũng đang thúc đẩy hoạt động khai thác dầu mỏ trong nước để tăng sản lượng.

Sau khi ông Biden công bố kế hoạch xả kho dầu, giá dầu thế giới đã giảm 7%. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 5/2022 giảm 7,54 USD xuống 100,28 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng hạ 5,54 USD (4,8%), xuống 107,91 USD/thùng.

Cùng ngày, các nước OPEC+ cũng quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô bắt đầu từ tháng 5, nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày so với mức cũ 400.000 thùng/ngày.

Các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có khả năng cũng "theo chân" Mỹ giải phóng dầu từ các kho SPR để bù đắp nguồn dầu xuất khẩu bị chặn của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc

Ngày 1/4, sau nhiều lần trì hoãn, hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Với mục đích "cung cấp chỉ đạo chính trị và hoạch định chiến lược cho quan hệ Trung Quốc-EU", cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo hàng đầu các nước đã bàn bạc về các vấn đề kinh tế song phương và cả mối quan hệ với Nga trong tình hình hiện tại.

Theo chia sẻ của ông Wang Lutong, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh và EU sẽ xây dựng các cơ chế hoàn thiện, bao gồm đối thoại kinh tế và thương mại cấp cao và đối thoại kinh tế vĩ mô để tăng cường thông tin về các chính sách kinh tế vi mô và trao đổi phối hợp chính sách.

Hai bên cũng sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác về biến đổi khí hậu và nỗ lực vì sự thành công của COP27.

Ngoài ra, các bên cũng nhất trí tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao về quản lý khẩn cấp và các vấn đề nhân đạo và phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bởi một loạt chính sách kinh tế và thương mại do EU đưa ra trong những năm gần đây.

"Chúng tôi kêu gọi EU giữ cho thương mại và đầu tư cởi mở, và đặc biệt, không tạo ra các rào cản mới”, ông Wang chia sẻ.

Tại hội nghị, phía EU một lần nữa kêu gọi Trung Quốc chấm dứt quan hệ thương mại với Nga và không giúp nước này “lách” các lệnh trừng phạt.

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trung Quốc không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với các nhà lãnh đạo EU rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hòa bình theo "cách riêng của mình", trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng EU sẽ đối xử với Trung Quốc một cách "độc lập".

Trung Quốc một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục “tiến hành thương mại bình thường với Nga và cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực có thể xảy ra”.

Được biết, trong hội nghị với các lãnh đạo EU, phía Trung Quốc cũng bày tỏ sự phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và lên án Mỹ cố gắng “thổi bùng ngọn lửa” bất hoà, trong khi Trung Quốc muốn làm dịu tình hình.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ năng lượng Nga bất ngờ thông báo ngừng hoạt động tại Đức

Tin mới lên