Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga cảnh báo quan hệ với Mỹ ‘chạm đáy’, Kênh đào Suez sắp giải tỏa hoàn toàn

(VNF) - Ngoại trưởng Nga cảnh báo quan hệ với Mỹ ‘chạm đáy’; Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng 2.300 USD; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo nguồn gốc Covid-19; Mỹ đình chỉ thương mại với Myanmar cho tới khi chính phủ dân cử được khôi phục là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Nga cảnh báo quan hệ với Mỹ ‘chạm đáy’, Kênh đào Suez sắp giải tỏa hoàn toàn

Phát biểu trên truyền hình hôm 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết quan hệ với Mỹ đã "chạm đáy".

Ngoại trưởng Nga cảnh báo quan hệ với Mỹ ‘chạm đáy’

Phát biểu trên truyền hình hôm 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết quan hệ với Mỹ đã "chạm đáy".

"Cuộc đối đầu đã chạm đáy. Nhưng mặt khác, vẫn có hy vọng rằng họ (Mỹ) là những người trưởng thành và có thể nhận ra những rủi ro liên quan đến việc kích động thêm căng thẳng", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có những phát ngôn gây tranh cãi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo nhà lãnh đạo Nga sẽ phải "trả giá" vì can thiệp bầu cử Mỹ. Ông  Biden còn nói ông Putin là "kẻ sát nhân".

Ông Lavrov gọi những phát ngôn của ông Biden là "kinh khủng" và nói rằng những phát ngôn đó đã buộc Moscow phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Washington.

Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ sự tiếc nuối về việc Washington từ chối lời đề nghị của ông Putin về việc sắp xếp một cuộc gọi công khai nhanh chóng với ông Biden nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan những nhận xét của vị tổng thống Mỹ.

Ông Lavrov nói rằng những sức ép do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga sẽ "không bao giờ thành công", đồng thời đổ lỗi cho Liên minh châu Âu (EU) khiến quan hệ Nga - Mỹ sụp đổ.

Ngoại trưởng Nga cũng bác bỏ quan điểm về việc Nga sử dụng nguồn cung năng lượng cho EU làm đòn bẩy chính trị. Ông cũng bác bỏ khả năng xây dựng liên minh giữa Nga và Trung Quốc, hoặc phối hợp với nhau để chống lại phương Tây.

Kênh đào Suez sắp giải tỏa hoàn toàn tình trạng ùn tắc

Con tàu container Ever Given, dài 400m và có tải trọng khoảng 224.000 tấn, có hành trình đi từ Trung Quốc đến Rotterdam (Hà Lan), đã bị mắc cạn ở km thứ 151 của Kênh đào Suez từ ngày 23/3, chắn ngang kênh và gây tắc nghẽn lưu thông hàng hải.

Hoạt động vận tải trên Kênh đào Suez của Ai Cập đã được nối lại vào tối 29/3, sau khi các tàu kéo giải cứu thành công Ever Given. Hiện tàu Ever Given đang được neo đậu tại hồ Great Bitter, điểm nằm giữa kênh đào Suez về hai đầu bắc, nam và là nơi có chiều ngang rộng nhất trên tuyến kênh này.

Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) ngày 2/4 thông báo con kênh này sắp được giải phóng hoàn toàn khỏi tình trạng ùn tắc trong vài ngày qua.

Trả lời phỏng vấn Kênh Extra News, người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết hiện chỉ còn 61 tàu đang chờ và sẽ đi qua Kênh đào Suez trong ngày 3/4, giảm mạnh so với 422 tàu bị ùn tắc trước đó.

Trước đó, Giám đốc SCA Osama Rabie cho biết tổng thiệt hại từ vụ tắc nghẽn Kênh đào Suez do con tàu container Ever Given mắc cạn có thể lên tới gần 1 tỷ USD.

Ông Biden công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng 2.300 USD

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo đó, kế hoạch này sẽ ưu tiên cho việc sửa chữa cầu đường, mở rộng truy cập internet băng thông rộng, cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch, đầu tư vào thị trừng ô tô điện và thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển…

Cụ thể, Nhà Trắng cho biết kế hoạch đề ra việc phân bổ 621 tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, 400 tỷ hỗ trợ người cao tuổi và người tàn tật, 300 tỷ hỗ trợ khối công nghiệp. Ngoài ra, 213 tỷ USD sẽ được đầu tư để cải tạo và xây dựng nhà ở giá rẻ và 100 tỷ USD để phát triển mạng băng thông rộng.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc đưa ra một tiêu chuẩn mới cho ngành sản xuất năng lượng với mục tiêu giảm lượng khí thải trong ngành xuống mức 0 vào năm 2035.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, đề xuất này sẽ được thực hiện trong vòng hơn 8 năm và ngân sách sẽ dựa trên việc tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% trong vòng 15 năm. Nếu kế hoạch này được thực thi, ông Biden sẽ đảo ngược chính sách giảm thuế năm 2017 của ông Trump và đảng Cộng hòa.

Đây là gói chi tiêu khổng lồ thứ hai mà chính quyền Tổng thống Biden đề xuất kể từ khi lên nắm quyền, sau gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD nhằm khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Biden tham vọng gói đầu tư cơ sở hạ tầng này sẽ tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế hùng cường và công bằng, đồng thời giúp Mỹ cạnh tranh với các quốc gia đang nổi lên khác, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, gói đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của ông Biden dã vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa khi cho rằng để có được số tiền trên, Tổng thống Biden phải đề xuất mức thuế cao mới đánh vào các doanh nghiệp và tập đoàn. Theo họ, điều này sẽ làm chỉ làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ trong giai đoạn bắt đầu phục hồi.

Giới doanh nghiệp Mỹ cũng lên tiếng phản đối kế hoạch. Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ Neil Bradley cho rằng viêc tăng thuế “sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế và làm Mỹ giảm sức cạnh tranh trên toàn cầu, hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của kế hoạch hạ tầng”.

WHO công bố báo cáo nguồn gốc Covid-19

Ngày 30/3, báo cáo dài 120 trang về nguồn gốc Covid-19 của WHO đã chính thức được công bố sau nhiều lần trì hoãn. Theo báo cáo, virus SARS-CoV-2 có "nhiều khả năng" lây sang người từ vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật cụ thể nào.

Cũng trong báo cáo, một giả thuyết khác được đề cập là virus "có khả năng" lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Báo cáo này cũng đánh giá việc virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh là "ít khả năng" và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra".

Trong khi một số ý kiến cho rằng virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan "nhiều tháng" trước khi được phát hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, báo cáo của WHO cũng cho rằng virus đã lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019

Được biết, bản báo cáo trên là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay.

Xuyên suốt 240 mặt giấy, báo cáo của WHO chỉ đánh giá khả năng "ít, nhiều" của các giả thuyết mà không đưa ra lời khẳng định cụ thể nào khiến nhiều nước lên tiếng chỉ trích.

Sau khi WHO công bố báo cáo, 14 nước gồm Mỹ, Úc, Canada, Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh đã ra một tuyên bố chung chỉ trích báo cáo của WHO phối hợp với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19.

Cụ thể, tuyên bố này chỉ trích việc điều tra nguồn gốc đại dịch bị trì hoãn và việc nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra.

Theo đó, các nước cho rằng cần tiến hành thêm những nghiên cứu khác để xác định cách thức virus lây truyền sang người và yêu cầu một cam kết mới từ WHO cũng như các nước thành viên về khả năng tiếp cận, minh bạch và kịp thời.

Mỹ đình chỉ thương mại với Myanmar cho tới khi chính phủ dân cử được khôi phục

Trong thông báo phát ra ngày 29/3, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố nước này đã đình chỉ ngay lập tức toàn bộ giao dịch thương mại với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư (Trade and Investment Framework Agreement - TIFA) năm 2013 và chỉ nối lại cho tới khi Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

TIFA được ký hồi tháng 5/2013 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein. Thỏa thuận nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác song phương về đầu tư - thương mại giữa 2 nước.

Cụ thể, hai nước sẽ hợp tác để đưa ra các sáng kiến nhằm hỗ trợ chương trình cải cách và thúc đẩy phát triển một cách toàn diện vì lợi ích của người dân Myanmar, đặc biệt là tầng lớp người nghèo.

Cũng trong tuyên bố, bà Katherine Tai cho rằng lực lượng an ninh Myanmar phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người biểu tình, sinh viên, người lao động.

“Mỹ ủng hộ nỗ lực của người dân Myanmar nhằm khôi phục chính quyền dân sự đã tạo dựng đà phát triển kinh tế và cải cách cho Myanmar. Mỹ mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực chống lại dân thường. Những hành động này là cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của đất nước và nỗ lực của người dân Myanmar trong việc tiến tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng", bà Katherine nêu rõ.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/3 thông báo đưa 2 tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát là Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC) vào danh sách đen thương mại. Theo đó, Washington sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của hai thực thể này tại Mỹ.

Xem thêm >> Nếu vướng vào kiện tụng, tàu Ever Given và 3,5 tỷ hàng hóa sẽ không được rời Ai Cập

Tin mới lên