Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga đe doạ 'trả đũa' phương Tây, Nhật Bản gặp động đất kinh hoàng

(VNF) - Biến chủng Covid-19 lai giữa các chủng BA.1 và BA.2 của Omicron mới được phát hiện, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hàng trăm người dân Nhật Bản thương vong bởi trận động đất 7,4 độ richer... là những tin tức nổi bật bên cạnh những diễn biến mới của chiến sự Nga – Ukraine trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Nga đe doạ 'trả đũa' phương Tây, Nhật Bản gặp động đất kinh hoàng

Tổng thống Mỹ Biden đã gọi Tổng thống Nga Putin là "tội phạm chiến tranh" và vấp phải sự lên án kịch liệt từ phía Moscow.

Tình hình dịch Covid-19: Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát dịch lớn nhất sau 2 năm

Theo trang worldometer, tính đến 8h30 ngày 19/3, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 467.759.807 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.093.147 ca tử vong. Số người đang phải điều trị tích cực hiện là 62.755 ca.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 407.017 ca; Đức đứng thứ hai với 284.050 ca; tiếp theo là Việt Nam với 163.174 ca. Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 524 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 506 ca và Hàn Quốc với 301 ca.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số ca nhiễm tại Mỹ là 81.374.595 người, trong đó có 996.697 ca tử vong, theo sau là Ấn Độ và Brazil.

Đức hiện là quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận tình hình dịch bệnh phức tạp nhất châu Âu. Mặc dù thường xuyên có trên 200.000 ca nhiễm mỗi ngày, tuy nhiên Đức vẫn quyết định sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch, bao gồm cả yêu cầu đeo khẩu trang.

Trong khi phương Tây bắt đầu các biện pháp nới lỏng để trở về cuộc sống bình thường trước đại dịch, tình hình dịch tại châu Á vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàn Quốc đã trở thành tâm dịch mới của khu vực, với nhiều ngày liên tiếp đứng đầu thế giới do ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới. Đỉnh điểm là ngày 16/3, quốc gia này ghi nhận 621.328 ca nhiễm mới.

Trung Quốc cũng đang đối mặt với đợt dịch bùng phát mạnh nhất kể từ khi Covid-19 bùng nổ tại Vũ Hán 2 năm trước.

Trong tuần này, Trung Quốc ghi nhận khoảng 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tuy nhiên do áp dụng chính sách zero-Covid (không Covid) nghiêm ngặt, quốc gia tỷ dân vẫn tiến hành phong toả các đô thị lớn hàng chục triệu dân, xét nghiệm diện rộng, thành lập bệnh viện dã chiến để kiểm soát dịch chặt chẽ.

Ngoài ra, Hong Kong cũng vẫn tiếp tục đà bùng dịch từ những tuần trước. Trong tuần qua, thành phố này ghi nhận khoảng 26.000 ca bệnh mới mỗi ngày

Ngày 16/3, Bộ Y tế Isarel thông báo ghi nhận 2 ca nhiễm mới mắc phải biến thể mới lai giữa chủng BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Thông tin ban đầu cho thấy, biến thể mới gây ra các triệu chứng thông thường như sốt nhẹ, đau cơ và đau đầu. Các bệnh nhân nhiễm biến thể này không cần điều trị đặc biệt.

Ngày 18/3, tại cuộc họp báo ở Thụy Sĩ, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris tuyên bố đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài do số ca mắc mới liên tục tăng, đồng thời cho rằng thế giới "chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch".

WHO cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới số ca mắc mới trên thế giới gia tăng, trong đó có sự lây lan của biến thể Omicron và dòng phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội và y tế.

Chiến sự Nga – Ukraine: Cửa đàm phán dần mở rộng, Nga bị phương Tây dồn suýt vỡ nợ

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang tuần thứ 4 và cả 2 bên vẫn chưa đạt được một thoả thuận khả quan sau nhiều lần đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây tiết lộ các cuộc đàm phán với Nga đã dần trở nên “thiết thực hơn”, tạo hi vọng về một thoả thuận ngừng bắn hoặc những đột phá mới trong thời gian tới.

Theo thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), làn sóng di cư rời khỏi Ukraine có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này”. Đến nay, hơn 3 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước kể từ khi chiến sự nổ ra hôm 24/2.

Về mặt kinh tế, Nga hiện vẫn đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh EU nhằm buộc nước này phải ngưng hành động quân sự.

Trong tuần vừa qua, Nga đã “suýt” vỡ nợ khi đến hạn thanh toán lãi trái phiếu nước ngoài trong khi nửa số ngoại hối tích trữ đã bị phương Tây đóng băng. Rất may mắn, Nga vẫn có thể thực hiện yêu cầu thanh toán ngoại hối cho các nhà đầu tư và được Mỹ chấp thuận.

Cũng trong tuần qua, EU đã khởi động vòng trừng phạt thứ 4 với Nga, cấm đầu tư vào ngành năng lượng Nga và trừng phạt giới tài phiệt nước này, trong khi Nhật Bản đã theo chân Mỹ ra quyết định bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga.

Việc tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga mở đường cho Mỹ, EU, Nhật Bản và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga, điều này sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế của nước này.

Đáp lại các đòn trừng phạt từ phương Tây, Nga cũng ra quyết định cấm nhập cảnh với hàng chục quan chức Mỹ và phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Quan chức nước này cũng thể hiện rõ quyết tâm đối đầu với phương Tây, lên án Mỹ vì các hành động gây hấn khiến quan hệ Nga – Ukraine thêm căng thẳng và đe doạ sẽ “đưa các đối thủ về đúng vị trí”.

Mới đây nhất, ngày 18/3 (sáng 19/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Putin đã xuất hiện tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow để phát biểu nhân dịp kỷ niệm 8 năm Nga sáp nhập Crimea.

Tại đây, ông Putin đã một lần nữa khẳng định mục đích của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine nhằm giúp người dân ở khu vực miền đông Ukraine “thoát khỏi nỗi đau”, đồng thời khẳng định Nga nhất định sẽ giành chiến thắng.

Giá dầu thế giới quay đầu lao dốc

Trái với mức tăng phi mã trong những tuần đầu Nga tấn công Ukraine hay khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga, giá dầu thế giới trong tuần này đã chứng kiến mức giảm mạnh, dù chủ yếu vẫn trên mức 90 USD/thùng.

Cụ thể, ngày 19/3, giá dầu thô WTI đạt mức 104,70 USD/thùng, giá dầu Brent là 107,93 USD/thùng, đều tăng hơn 1% so với ngày 18/3.

Tuy nhiên, mức tăng này không thể vực lại được mức “trượt dốc” mà cả hai đã thực hiện liên tiếp kể từ ngày 14/3, chưa kể mức giảm “sốc” của hai mặt hàng cuối tuần trước sau khi chạm đỉnh, với dầu Brent vượt ngưỡng 139 USD/thùng, dầu WTI vượt 130 USD/thùng.

Trong tuần qua, dầu WTI xuống mức thấp nhất là 93,84 USD/thùng vào ngày 15/3, trong khi dầu Brent có mức thấp nhất là 97,36 USD vào ngày 16/3.

Theo Reuters, giá dầu thô đang đi như "tàu lượn siêu tốc", được thúc đẩy bởi nguồn cung giảm, áp lực bởi những lo lắng về nhu cầu giảm ở Trung Quốc cũng như tiến triển chậm trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, trong khi các quốc gia OPEC không cam kết bơm thêm dầu.

Theo Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ trong 1 tới 2 tuần nữa, nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể mất gần 3 triệu thùng từ Nga. Tình trạng này có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung sâu sắc nếu thế giới không thể tìm được nguồn cung cấp dầu thay thế.

Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018

Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 sau khi khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày.

Cơ quan hoạch định tài chính của Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất lên phạm vi 0,25 - 0,5%. Đây là lần đầu Fed tăng lãi suất từ tháng 12/2018, cũng là lần đầu tiên lãi suất di chuyển từ mức gần bằng 0 kể từ khi ngân hàng cắt giảm lãi suất gần 2 năm trước vào tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19 nổ ra.

Fed cho biết cơ quan sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm. Dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay và ở mức 2,8% vào năm 2023, tuy nhiên lãi suất cũng sẽ được tăng thêm nếu lạm phát không được kiềm chế.

Cũng trong cuộc họp kéo dài 2 ngày qua, các ngân hàng trung ương đã điều chỉnh dự đoán lạm phát lên mức trung bình là 4,3% vào cuối năm 2022, so với mức 2,6% được dự đoán vào cuối năm ngoái.

"Chúng tôi cảm thấy nền kinh tế đang rất mạnh mẽ và sẽ có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn", Chủ tịch Fed Pro Tempore Jerome Powell nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp ngày 16/3.

Ông Powell cũng cho biết tác động lan tỏa từ xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và đang gây áp lực gia tăng lên lạm phát.

Cũng trong cuộc họp kéo dài 2 ngày, các ngân hàng trung ương đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống mức trung bình 2,8% trong năm nay, thay vì mức 4% như dự kiến hồi tháng 12/2021.

Động đất 7,4 độ richer xảy ra ở Nhật Bản

Tối 16/3, một trận động đất mạnh 7,4 độ richer đã xảy ra tại phía đông Nhật Bản, với tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 57km ngoài khơi tỉnh Fukushima.

Trận động đất xảy ra ra chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản kỷ niệm 11 năm trận động đất lớn gây ra sóng thần chết người và thảm họa hạt nhân Fukushima, làm rung chuyển miền đông nước này.

Trận động đất được cảm nhận rõ ràng tại Tokyo và đã gây ra rung lắc mạnh, dẫn tới tình trạng mất điện cho hơn 2 triệu hộ gia đình, chủ yếu ở vùng Kanto và làm gián đoạn các dịch vụ tàu hỏa, làm trật bánh 1 đoàn tàu tốc hành Tohoku Shinkasen chở 100 hành khách.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phát cảnh báo sóng thần cao 1m đối với bờ biển Thái Bình Dương của tỉnh Miyagi và Fukushima, nhưng sau đó đã gỡ cảnh báo vào sáng 17/3.

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn Nhật Bản sáng 17/3, ít nhất hai người đã thiệt mạng và 94 người bị thương, trong đó có bốn người bị thương nặng do cơn địa chấn.

Rất may, cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân của Nhật Bản cho biết không phát hiện thấy bất thường nào tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 và nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi.

Xem thêm >> Ukraine: ‘Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng tới khi Nga từ bỏ chiến dịch quân sự’

Tin mới lên