Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga sáp nhập 4 vùng thuộc Ukraine, Kiev lập tức xin vào NATO

(VNF) - Việc Nga sáp nhập 4 vùng thuộc Ukraine trong tuần qua đã đẩy chiến sự đang diễn ra tại quốc gia Đông Âu lên bậc thang căng thẳng mới. Phản ứng tức thì, Kiev xin gia nhập NATO và hàng loạt lệnh trừng phạt mới được áp dụng với Moscow. Trong khi đó, sự cố xảy ra với 2 đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về an ninh năng lượng tại châu Âu.

Thế giới tuần qua: Nga sáp nhập 4 vùng thuộc Ukraine,  Kiev lập tức xin vào NATO

Nga đã chính thức sáp nhập 4 vùng 4 Ukraine là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhie vào ngày 30/9.

Nga thực hiện cuộc sáp nhập lớn nhất châu Âu từ Thế chiến II

Trong tuần qua, chiến sự Nga – Ukraine đã chính thức leo lên một nấc thang mới, sau khi Nga thực hiện động thái sáp nhập 4 vùng đang chiếm đóng tại Ukraine vào Liên bang.

Cụ thể, theo kết quả các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức từ ngày 23-27/9 của 4 khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhie, Moscow đã công nhận độc lập của các vùng này và chính thức tuyên bố sáp nhập vào Nga hôm 30/9.

Vào ngày cuối cùng của quý III, tại Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin đã ký văn kiện sáp nhập cùng lãnh đạo các vùng Kherson, Zaporizhie và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.
4 khu vực này chiếm 15% lãnh thổ Ukraine, đánh dấu cuộc sáp nhập lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định việc sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine là “ý nguyện của hàng triệu người” và đó là quyền không thể tước đoạt, được quy định trong Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc, gồm nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc”.

"Nga đã có 4 vùng mới và sẽ tăng cường an ninh ở những khu vực này. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất đai của mình với tất cả các lực lượng và phương tiện theo ý của chúng tôi, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân. Đây là sứ mệnh giải phóng vĩ đại của nhân dân chúng tôi", ông Putin nói trong bài phát biểu tại Điện Kremlin.

Động thái của Moscow đã nhiều quốc gia phương Tây lên án kịch liệt, cho rằng việc Nga đã vi phạm luật quốc tế, trái pháp luật và không công nhận kết quả trưng cầu dân ý cũng như việc sáp nhập.Đáng chú ý, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và Anh đã ngay lập tức tung các lệnh trừng phạt mới nhằm làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế của Nga.

Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với Nga bên cạnh các lệnh trừng phạt cũ, mở rộng danh sách cấm xuất khẩu và cá nhân bị trừng phạt.

Canada công bố các biện pháp chống lại hàng chục nhà tài phiệt, giới tài chính và thành viên gia đình của họ, cùng với 35 quan chức cấp cao do Nga hậu thuẫn tại các khu vực diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Anh cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina và áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mới, nhằm vào "các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Moscow".

Ukraine đăng ký gia nhập NATO

Trong một diễn biến khác sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhie, Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky cho biết Kiev đang đẩy nhanh việc xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời khẳng định "Ukraine đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán, nhưng với một tổng thống Nga khác”.

"Chúng tôi đang thực hiện bước đi quyết định của mình bằng cách ký đơn xin gia nhập NATO nhanh chóng", ông Zelensky cho biết.

Vị Tổng thống nói thêm: "Trên thực tế, chúng tôi đã chứng minh được khả năng tương thích với các tiêu chuẩn của liên minh. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi giúp đỡ nhau, và chúng tôi bảo vệ nhau. Đó chính là liên minh".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, các đồng minh NATO đã tuyên bố rất rõ ràng rằng chúng tôi ủng hộ quyền lựa chọn con đường riêng của Ukraine".

"Mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO, và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó. Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng cánh cửa của NATO vẫn rộng mở và chúng tôi đã chứng minh điều đó suốt thời gian qua", ông Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, theo quy định, việc gia nhập NATO sẽ mất một thời gian dài do cần sự ủng hộ của tất cả 30 thành viên trong liên minh.

Ngoài ra, tư cách thành viên NATO của Ukraine từ lâu đã trở thành một chủ đề gai góc đối với Mỹ do Điều 5 của hiến chương yêu cầu nước này bảo vệ quân sự cho bất kỳ quốc gia thành viên nào bị tấn công. Do đó, việc Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn tới một cuộc chiến trực diện giữa Washington và Moscow.

Đường ống dẫn khí chính từ Nga tới châu Âu hư hỏng nặng

Một trong những tin tức nhận được nhiều sự chú ý trong tuần qua là sự cố bất ngờ xảy đến với 2 tuyến đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu là Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), hệ thống đường ống chính cung cấp hàng trăm triệu m3 khí đang bị ngưng hoạt động, và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), hệ thống đường ống mới chưa được cấp phép hoạt động.

Theo đó, đêm 26/9, sự cố giảm áp suất đột ngột đã xuất hiện trên 2 đường ống tuyến A của Dòng chảy phương Bắc 2. Chỉ vài tiếng sau, Dòng chảy phương Bắc 1 cũng gặp sự cố tương tự. Việc giảm áp suất sau đó được Trung tâm nghiên cứu địa chất Đức GFZ và quân đội Đan Mạch xác nhận là do đường ống bị nổ dưới biển Baltic gây rò rỉ khí.

Tổng cộng có 4 chỗ rò rỉ được phát hiện trên 2 hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 & 2. Theo công ty năng lượng Gazprom của Nga, các nhánh đường ống bị hư hỏng trữ khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương lượng khí đủ cung cấp cho Đan Mạch trong 3 tháng. Dự kiến các đường ống sẽ rò rỉ hết khí vào cuối tuần này.

Theo các bên liên quan, nhiều khả năng sự cố xảy ra tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc là âm mưu phá hoại. Trong khi châu Âu cho biết đây là sự kiện gây ảnh hưởng tới an ninh khu vực và tuyên bố sẽ đáp trả “mạnh mẽ” nếu tìm ra chủ mưu phá hoại, Nga dường như hướng sự nghi ngờ vào Mỹ, trong khi châu Âu cho rằng rất có thể chính Moscow hoặc Kiev đứng sau sự việc này.

Nga đã yêu cầu mở cuộc điều tra về sự việc và dự kiến sẽ cùng tham dự với các quốc gia liên quan như Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển để sớm tìm ra nguyên nhân cũng như “kẻ chủ mưu” đứng sau kịch bản phá hoại.

Công cuộc sửa chữa lại các đường ống bị hư hại cũng được dự đoán sẽ hết sức phức tạp và phải được thực hiện nhanh chóng trước khi khí thoát hết khỏi đường ống và nước biển tràn vào gây hư hại các đường ống vĩnh viễn.

Sự cố tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc cũng được cảnh báo sẽ gây ra tác động lớn với môi trường, đặc biệt khi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cảnh báo đây có thể là vụ rò rỉ khí metan lớn nhất thế giới từng được ghi nhận.

Song song với tác động về môi trường là thiệt hại kinh tế khó có thể đong đếm, đặc biệt trong bối cảnh giá châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ, và việc sửa chữa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có thể khiến con đường khí đốt này phải ngừng hoạt động cho đến hết năm nay.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 1/10, toàn thế giới hiện có 623 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó gần 603 triệu ca đã phục hồi và 6,5 triệu ca tử vong.

Trong tuần từ 25/9 – 1/10, số ca nhiễm mới toàn cầu là 3 triệu ca, giảm 3% so với mức 3,1 triệu ca ghi nhận trong tuần trước. Trong tuần này, Đức đã bất ngờ quay trở lại giữ vị trí dẫn đầu về số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với 434,179 ca, theo sau là Nhật Bản (347,019 ca) và Pháp (303,054 ca).

Cũng trong tuần này, châu Á đã không còn là châu lục có số ca nhiễm mới nhiều nhất chỉ với 1 triệu ca Covid-19 được ghi nhận, trong khi châu Âu có tổng số ca nhiễm là 1,5 triệu ca, tăng 14% so với mức 1,3 triệu ca trong tuần trước. Nhiều quốc gia trong khu vực này có số ca nhiễm tăng trên 50% so với tuần trước như Đức (+60%), Áo (+66%), Italy (+57%) hay Hà Lan (+56%).

Với việc số ca nhiễm mới suy giảm, nhiều quốc gia châu Á đã tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó, từ ngày 1/10, Thái Lan chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế phòng dịch Covid-19 được ban bố hồi tháng 3/2020 và bãi bỏ toàn bộ các hạn chế liên quan tới dịch bệnh.

Do đó, từ ngày 1/10, du khách tới Thái Lan không phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Việc đeo khẩu trang hay đo thân nhiệt, sát khuẩn tay không còn là điều kiện bắt buộc khi đi ra ngoài hoặc tới những nơi công cộng.

Cũng từ ngày 1/10, Thái Lan hạ cấp dịch Covid-19 từ "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm" xuống mức 1 là "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi" và sẽ duy trì mức độ này đến hết tháng 9/2023. Trung tâm ứng phó dịch Covid-19 (CCSA) của Thái Lan cũng tự động giải thể.

Hàn Quốc cũng bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR sau nhập cảnh từ ngày 1/10.

Australia ngày 30/9 đã quyết định dỡ bỏ quy định cách ly 5 ngày đối với những những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10 tới, đánh dấu sự kết thúc của một trong những biện pháp hạn chế cuối cùng ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương.

Theo các nghiên cứu mới gần đây, chủng BA.2.75.2 của Omicron, một dòng phụ của biến thể BA.2.75, có hai đột biến mới giúp nó dễ dàng bám chặt vào các tế bào của con người và xuyên thủng hệ miễn dịch mạnh hơn bao giờ hết. Tệ hơn, chủng virus này có khả năng né tránh hàng rào miễn dịch mạnh mẽ có được nhờ tiêm vaccine và nhiễm virus trước đó. Điều đó khiến các phương pháp điều trị bằng kháng thể trở nên kém hiệu quả hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi BA.2.75 và các biến phụ khác trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành trên khắp thế giới.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung cao kỷ lục

Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 30/9 cho thấy lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 này đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong việc nâng lãi suất.

Theo đó, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng 8 - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 40,8%.

Mức lạm phát tăng cao được cho là sẽ càng gia tăng sức ép buộc ECB tiếp tục lộ trình tăng lãi suất hiện tại, trong nỗ lực hạ nhiệt giá cả bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu.

Trước đó vào đầu tháng 9, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng 20 năm trước đây và là lần thứ hai, ECB tăng lãi suất chỉ trong vòng vài tuần.

Phát biểu tại một sự kiện ở trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 16/9, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Bà nhấn mạnh các quyết sách của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng đó là cái giá mà châu Âu phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng.

Xem thêm >> Bị áp hàng trăm lệnh trừng phạt, khả năng chống chịu của Nga đến đâu?

Tin mới lên