Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nhìn lại nửa năm chiến sự Nga – Ukraine

(VNF) - Kể từ cuối tháng 2, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã chính thức bắt đầu với vô vàn tác động lên kinh tế, xã hội, chính trị và nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Đến ngày 24/8, chiến sự chính thức đạt mốc thời gian nửa năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thế giới tuần qua: Nhìn lại nửa năm chiến sự Nga – Ukraine

Đến ngày 24/8, chiến sự tại Ukraine chính thức đạt mốc thời gian nửa năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới sáng 28/8, toàn thế giới có hơn 605 triệu ca Covid-19, trong đó có 4,9 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trong 7 ngày vừa qua, giảm 6% so với 7 ngày trước đó.

Nhật Bản tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất trong tuần với hơn 1,5 triệu ca, theo sau là Hàn Quốc với 802.000 ca. Quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều thứ 3 thế giới là Mỹ với 568.105 ca, theo sau là Nga và Đức với hơn 200.000 ca.

Xét theo khu vực, châu Á tiếp tục là khu vực lây lan mạnh nhất với hơn 2,8 triệu ca Covid-19 mới trong tuần, tăng 1% so với tuần trước, trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh tại các châu lục khác đều giảm. Châu Âu tuần qua ghi nhận 1,1 triệu ca, giảm 8% so với tuần trước, trong khi toàn châu Mỹ chỉ ghi nhận hơn 800.000 ca.

Ngày 27/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cho thấy đại dịch Covid-19 đã gây ra 1 triệu ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay, nâng tổng số người tử vong toàn thế giới lên gần 6,5 triệu người tính từ khi virus gây bệnh Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, các chủng phụ của biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.

Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cũng nêu bật thực tế đến nay còn 1/3 dân số thế giới chưa tiêm chủng, trong đó là 2/3 số nhân viên y tế và 1/3 số người cao tuổi ở các nước có thu nhập thấp.

WHO cho biết đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang lây lan nhanh trên toàn thế giới và các quốc gia cần phải theo dõi sát sao, có những điều chỉnh hợp lý về cac biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.

Nửa năm chiến sự Nga – Ukraine

Ngày 24/2, quân đội Nga bắt đầu tiến vào Ukraine theo một chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tính đến tuần này, chiến sự đã chính thức đánh dấu 6 tháng diễn ra và vẫn chưa có hồi kết khi đôi bên hiện vẫn chưa đạt được một thoả thuận ngừng bắn hay bất kỳ đàm phán hoà bình nào. Dấu mốc nửa năm diễn ra vào cùng ngày 24/8, cũng là ngày lễ quốc gia kỷ niệm Ukraine độc lập khỏi Liên Xô năm 1991.

Trong suốt sáu tháng, cuộc chiến đã thu hút sự chú ý của thế giới, làm gián đoạn việc phân phối lương thực và nhiên liệu trên toàn cầu và khiến Ukraine tiến vào một trạng thái mới.

Trong một diễn biến mới ngày 25/8, hỏa hoạn do pháo kích đã cắt đường dây điện cuối cùng còn lại của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tạm thời ngắt kết nối nó khỏi lưới điện quốc gia của Ukraine lần đầu tiên sau gần 40 năm hoạt động.

Kể từ khi chiến sự diễn ra vào cuối tháng 2, hơn 13 triệu người đã buộc phải di dời khỏi nơi ở của mình, theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc. Gần 6,7 triệu người tị nạn đã tản ra khắp châu Âu, và 6,6 triệu người khác đang phải di dời trong nội bộ Ukraine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Về tổng số thương vong do giao tranh, tuần này, Tướng Valeriy Zaluzhny, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết Ukraine đã mất khoảng 9.000 quân nhân. Quân đội Ukraine cũng tuyên bố đã giết hoặc làm bị thương 45.200 quân nhân Nga, với tổn thất lớn nhất ở các khu vực miền đông Donetsk và miền nam Mykolaiv.

Trong khi đó, văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc đã ghi nhận gần 5.600 dân thường thiệt mạng ở Ukraine trong cuộc xung đột nhưng tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Nga chỉ đưa ra thông tin nhỏ giọt về số thương vong, trong đó có duy nhất 1 lần công bố hơn 1.000 binh sĩ tử trận hồi đầu tháng 3.

Sáu tháng sau chiến dịch quân sự toàn diện, Nga đã mở rộng lãnh thổ của mình ở Ukraine gần gấp 3 lần. Vào tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Nga đã chiếm 20% diện tích đất nước, tương đương khoảng 47.000 dặm vuông. Nga hiện kiểm soát tới 16 vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine.

Cuộc tấn công đã tàn phá nền kinh tế của Ukraine trên diện rộng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính vào tháng 4 rằng nền kinh tế Ukraine có thể suy giảm 45% trong năm nay. Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 200,9 tỷ USD của nước này vào năm 2021 có thể sẽ giảm từ 35% - 40% vào cuối năm nay.

Trường Kinh tế Kyiv (KSE) cho biết cuộc xung đột đã khiến Ukraine thiệt hại hơn 113,5 tỷ USD, trong đó nhà ở và cơ sở hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. KSE cho biết đất nước sẽ cần tới 200 tỷ USD để phục hồi.

Trong 6 tháng vừa qua, Ukraine đang phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ các quốc gia phương Tây để duy trì cuộc chiến của mình.

Cho đến nay, Mỹ đã cam kết chi tiêu an ninh trị giá 13,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức. Hôm 24/8, Tổng thống Biden đã công bố một đợt viện trợ quân sự khác, chủ yếu là vũ khí và thiết bị, với giá trị gần 3 tỷ USD cho Ukraine nhân ngày độc lập của quốc gia Đông Âu.

Trong khi đó, hồi giữa tháng 8, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã cam kết chi thêm 1,55 tỷ USD tiền mặt, trang thiết bị và đào tạo để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine, nâng tổng số viện trợ tính từ đầu chiến sự lên ít nhất 2,4 tỷ USD.

Nga tăng biên chế quân đội

Ngày 25/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng cường biên chế của lực lượng vũ trang Nga. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm Tổng thống Putin ra lệnh thay đổi quân số lực lượng vũ trang nước này.

Theo sắc lệnh mới được công bố, việc điều chỉnh nhân sự này bao gồm cả việc tăng 137.000 quân nhân trong lực lượng chiến đấu lên thành 1,15 triệu quân nhân. Quy mô quân đội Nga, cả nhân viên quân sự và dân sự, sẽ tăng từ 1,9 triệu hiện nay lên gần 2,04 triệu. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Theo Nghị định trước đó được ban hành ngày 17/11/2017, số lượng biên chế của lực lượng vũ trang Nga là 1.902.758 đơn vị, bao gồm 1.013.628 quân nhân.

Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga không có kế hoạch bãi bỏ chế độ lính nghĩa vụ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, số lượng quân nhân hợp đồng (quân nhân chuyên nghiệp) trong các lực lượng vũ trang Nga vào cuối năm 2015 đạt 352.000 người, lần đầu tiên vượt quá số lượng binh sĩ và thủy thủ nhập ngũ (297.000 người).

Ngoài ra, quân đội Nga có khoảng 270.000 hạ sĩ quan và các sĩ quan chỉ huy. Kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga cho giai đoạn 2019-2025 dự kiến tăng số lượng quân nhân hợp đồng lên 475.600 người.

Các nhà phân tích cho rằng sắc lệnh tăng quân của ông Putin không phải là một dấu hiệu chỉ báo về thay đổi chính sách lớn trong quân đội Nga, mà thay vào đó cho phép quân đội Nga tăng chỉ tiêu tuyển lính nghĩa vụ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, hoặc kéo dài thời hạn phục vụ quân đội.

Tờ New York Times nhận định sắc lệnh tăng mạnh quy mô lực lượng vũ trang Nga đảo ngược những nỗ lực kéo dài nhiều năm của Điện Kremlin nhằm tinh gọn quân đội nước này và là dấu hiệu mới cho thấy khả năng Nga đang chuẩn bị cho xung đột lâu dài với Ukraine.

Giá khí đốt châu Âu lại lên mức kỷ lục

Ngày 27/8, lần đầu tiên kể từ tháng 3, giá khí đốt tương lai ở thị trường châu Âu vượt quá 3.500 USD/1.000m3, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London.

Theo đó, trong ngày 26-27/8, giá khí đốt kỳ hạn tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã có lúc tăng tới 6,6% lên tới 3.507,7 USD/1.000m3. Giá khí đốt được giao dịch ngày 27/8 ở mức 3.306,8 USD/1.000m3.

Trước đó, giá khí đốt giao ngay tại châu Âu lần đầu tiên vượt mức 3.300 USD/1.000 mét khối kể từ đầu tháng 3, do Nga ngừng nguồn cung qua Nord Stream trong 3 ngày 31/8 - 2/9 để bảo trì.

Theo các chuyên gia, giá khí đốt tăng cao là do nhu cầu đột biến về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp và tỷ lệ lấp đầy kho chứa ở châu Âu thấp.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom không loại trừ rằng giá khí đốt ở châu Âu vào mùa đông có thể tăng lên trên mức kỷ lục 4.000 USD/1.000 mét khối. Nhà cung cấp này cũng báo cáo lượng khí đốt xuất khẩu trong 7,5 tháng của năm 2022 đã giảm 36,2% xuống còn 78,5 tỷ m3.

Các chuyên gia được TASS phỏng vấn tin rằng giá khí đốt có thể tăng lên mức kỷ lục 5.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông do thời tiết lạnh giá và lượng dự trữ trong các kho chứa giảm.

Trung Quốc “bơm” 146 tỷ USD kích thích kinh tế

Ngày 24/8, chính phủ Trung Quốc đã phác thảo một gói chính sách gồm 19 điểm, trị giá khoảng 1.000 tỷ NDT (146 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế.

Gói chính sách này bao gồm 300 tỷ NDT từ các ngân hàng chính sách nhà nước đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ được phân bổ 500 tỷ NDT trái phiếu đặc biệt từ hạn ngạch chưa sử dụng trước đây.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do hạn hán gây ra, các biện pháp hỗ trợ cũng hướng đến các công ty sản xuất điện thuộc sở hữu nhà nước, những công ty sẽ được phép bán 200 tỷ NDT trái phiếu. Ngoài ra, 10 tỷ NDT trợ cấp khác sẽ được cung cấp cho lĩnh vực nông nghiệp.

Tại cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Hội đồng Nhà nước tuyên bố sẽ sử dụng “các công cụ có sẵn” để duy trì quy mô chính sách hợp lý một cách kịp thời và dứt khoát, đồng thời cam kết tiếp tục giảm chi phí tài chính và đưa ra các biện pháp hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và các công ty nền tảng.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách tỏ ra khá lạc quan về những biện pháp kích thích mới, các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. cho biết các biện pháp mới được công bố sẽ không đủ để nâng tốc độ tăng trưởng tổng thể của Trung Quốc.

Các bước kích thích mới nhất “có thể giúp bù đắp sự sụt giảm mạnh trong doanh thu của chính phủ và hỗ trợ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng ở một mức độ nào đó”.

Nhưng tăng trưởng tổng thể “sẽ vẫn chậm chạp” nếu không có các biện pháp nới lỏng chính sách lớn, do lĩnh vực bất động sản rất yếu và sự gián đoạn từ các biện pháp kiểm soát Covid-19, chuyên gia kinh tế Maggie Wei cho biết.

Mỹ công bố xoá nợ cho sinh viên

Ngày 24/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Chính phủ nước này sẽ xóa các khoản vay cho hàng triệu cựu sinh viên đại học đang mắc nợ, đồng thời gia hạn hoãn thanh toán các khoản trả nợ đến cuối năm nay.

Cụ thể, chính phủ Mỹ sẽ xóa 20.000 USD nợ cho các sinh viên đã vay tiền học đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính liên bang Pell Grant, và sẽ xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người không được tham gia chương trình này.

Gói hỗ trợ dành cho những người vay tiền hoạc đại học nhưng thu nhập dưới 125.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng thu nhập dưới 250.000 USD.

Ông Joe Biden cho biết 43 triệu người sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch này, chiếm khoảng 95% số người vay. Đặc biệt, hơn 60% trong số đó là những người đã vay tiền học đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính liên bang Pell Grant.

Theo đó, khoảng 45% số người vay, tương đương 20 triệu người sẽ được xoá nợ hoàn toàn nhờ chương trình này.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng sẽ giãn nợ sinh viên cho đến hết ngày 31/12 năm nay và có thể đây sẽ là lần giãn nợ cuối cùng. Chương trình giãn nợ sinh viên vốn kéo dài nhiều năm qua có thể sẽ được thay thế bằng môt kế hoạch trả nợ linh hoạt và phù hợp hơn.

Theo Nhà Trắng, chi phí cụ thể cho gói hỗ trợ trên chưa được xác định, nhưng sẽ tiêu tốn khoảng 24 tỷ USD một năm, với giả định rằng 75% trong số những người đủ điều kiện sẽ chấp nhận lời đề nghị trên.

Chương trình xoá nợ cho sinh viên là một trong những cam kết được ông Joe Biden đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2020. Tuyên bố trên có thể giúp gia tăng tỷ lệ ủng hộ cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây.

Xem thêm >> Giá khí đốt châu Âu chưa dứt đà tăng, vượt 3.500 USD/1.000m3

Tin mới lên