Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nợ công Mỹ tăng kinh hoàng vượt 26.000 tỷ USD, kinh tế Anh sụt giảm kỷ lục

(VNF) - Nợ công Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 26.000 tỷ USD, kinh tế Anh sụt giảm tới 24,5% GDP so với cùng kỳ năm 2019, Brazil bùng nổ số ca nhiễm Covid-19… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Nợ công Mỹ tăng kinh hoàng vượt 26.000 tỷ USD, kinh tế Anh sụt giảm kỷ lục

Lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của Mỹ vượt mốc 26.000 tỷ USD.

Nợ công Mỹ vượt mốc 26.000 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố ngày 10/6 cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công nước này vượt mốc 26.000 tỷ USD.

Theo báo cáo, Mỹ phải chi 1 tỷ USD mỗi ngày để trả tiền lãi. Hiện tại, khoản nợ liên bang của Mỹ ước tính lên tới 179.000 USD/hộ gia đình hoặc 70.000 USD/người.

Hãng CBS dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết sở dĩ nợ công của Mỹ tăng cao như vậy là do việc phân bổ vốn cho chương trình chống lại đại dịch Covid-19 và việc hoãn thuế liên quan đến đại dịch.

Kể từ tháng 3, Chính phủ Mỹ rót ít nhất 5 nghìn tỷ USD cứu trợ cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh kinh tế (CARES) được thông qua vào ngày 27/3 cho phép chính phủ cấp khoản hỗ trợ 2 nghìn tỷ USD, trong khi Đạo luật HEROES (Giải pháp khẩn cấp phục hồi kinh tế và sức khỏe bao trùm) trị giá 3 nghìn tỷ USD đã được Hạ viện thông qua vào tháng 5.

Trước đó, cựu giám đốc Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson cảnh báo rằng sự tăng trưởng không kiểm soát được của nợ công và thâm hụt ngân sách có thể tước đi vị trí đặc quyền của đồng USD Mỹ với tư cách là tiền tệ dự trữ chính của thế giới.

Ấn Độ, Brazil bùng nổ số ca nhiễm

Theo cập nhật mới nhất của trang thống kê toàn cầu Worldometer, tính đến hết ngày 12/6, toàn thế giới ghi nhận 7.719.032 ca mắc Covid-19 và 427.479 ca tử vong do bệnh này.

10 quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 lần lượt là: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Nga, (4) Ấn Độ, (5) Anh, (6) Tây Ban Nha, (7) Italy, (8) Peru, (9) Đức, và (10) Iran.

Như vậy so với 2 ngày trước, Ấn Độ đã vượt qua cả Anh và Tây Ban Nha để tiến từ vị trí 6 lên vị trí 4 trên danh sách này.

Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 309.603 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 8.890 ca tử vong. 

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 11.320 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong 1 ngày và là ngày liên tiếp thứ hai vượt qua mốc 10.000 ca. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện là 309.603, trong đó có 8.890 ca tử vong. 

Tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến nghiêm trọng tại Brazil. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro mới đây đã bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã tìm cách hạ thấp tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Brazil bằng cách không thông báo các dữ liệu tích luỹ hàng ngày.

Theo CNN, Chính phủ Brazil đã ngừng báo cáo các trường hợp tử vong và mắc bệnh, với lý do ông Bolsonaro đưa ra là chúng không phản ánh tình trạng hiện tại của đại dịch ở Brazil. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao sau đó đã ra phán quyết chính phủ phải cung cấp các dữ liệu toàn diện.

Bộ Y tế Brazil ngày 12/6 báo cáo thêm 25.982 ca nhiễm và 909 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 828.810 và 41.828. Số người bình phục tại nước này là 365.063.

Kinh tế Anh sụt giảm kỷ lục

Số liệu do Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) đưa ra trong ngày 12/6 cho thấy, trong tháng 4/2020, nền kinh tế Anh sụt giảm tới 24,5% GDP so với cùng kỳ năm 2019.

Đây là mức sụt giảm cao nhất trong lịch sử, và theo ONS, với mức sụt giảm này, quy mô nền kinh tế Anh hiện nay chỉ ở mức ngang với kinh tế nước này năm 2002. Nguyên nhân trực tiếp và lớn nhất là hậu quả của đại dịch Covid-19, khi nước Anh buộc phải tiến hành phong toả toàn bộ đất nước từ ngày 23/3, khiến cho các hoạt động kinh tế gần như tê liệt.

Nhận định về các chỉ số kinh tế này, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, ông không ngạc nhiên do nhiều phân tích từng đánh giá, nước Anh sẽ rơi vào cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 300 năm qua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

So với các nền kinh tế khác tại châu Âu, nước Anh đang tái khởi động chậm hơn, do chưa thể sớm gỡ bỏ phong toả khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng.

Trong ngày 12/6, nước Anh vẫn có thêm 202 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 41.481, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Thực tế này khiến giới chức Anh hết sức thận trọng khi ra quyết định mở lại các lĩnh vực kinh tế. Kể từ tuần sau, các cửa hàng bán lẻ tại Anh mới được phép mở lại. Theo bản báo cáo công bố tuần trước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, trong năm 2020 Anh có thể sẽ là nước chịu suy thoái kinh tế lớn nhất trong số 37 quốc gia thành viên mà tổ chức này theo dõi, với mức sụt giảm khoảng 11,5% GDP.

Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn ngân sách bổ sung 298 tỷ USD

Ngày 12/6, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung có giá trị cao kỷ lục 31.910 tỷ yen (tương đương 298 tỷ USD).

Đây là dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2020, dự thảo này được Chính phủ đệ trình lên Quốc hội hôm 8/6.

Dự thảo ngân sách bổ sung được chính thức phê chuẩn sau khi Thượng viện thông qua vào chiều 12/6, hai ngày sau khi được thông qua tại Hạ viện.

Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung có giá trị cao kỷ lục 31.910 tỷ yen (tương đương 298 tỷ USD).

Nguồn tiền từ ngân sách bổ sung sẽ cho phép Chính phủ Nhật Bản tăng cường biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lên nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng một phần ngân sách bổ sung để trợ cấp 200.000 yen/người cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, và 100.000 yen/người cho mỗi nhân viên tại các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa 6 triệu yên/trường hợp cho các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về tài chính để giúp họ thanh toán tiền thuê nhà.

Mỹ thúc đẩy dự luật quốc phòng 740 tỷ USD

Ngày 11/6, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã công bố một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hằng năm (NDAA) trị giá 740 tỷ USD quy định các khoản chi của Bộ Quốc phòng, bao gồm trả lương cho binh sỹ, mua sắm thiết bị.

Dự luật bao gồm các biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng của Mỹ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra cho thấy sự phụ thuộc của các công ty vào Trung Quốc.

Dự luật cũng cho phép chi 44 triệu USD cho nghiên cứu vaccine và công nghệ sinh học nhằm đối phó với đại dịch; chi 9,1 tỷ USD cho Tập đoàn Lockheed Martin để sản xuất 95 máy bay F-35, và ủy quyền cho Không quân Mỹ sửa 6 máy bay F-35 ban đầu dự định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ thúc đẩy dự luật quốc phòng 740 tỷ USD.

Tương tự các năm gần đây, dự luật NDAA năm nay cũng có các điều khoản tập trung vào Trung Quốc, bao gồm việc thành lập “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương” - một quỹ gần 7 tỷ USD tập trung vào cuộc cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Dự luật cũng yêu cầu đưa ra báo cáo mới về những rủi ro từ việc sử dụng công nghệ của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc bị Mỹ coi là mối đe dọa về an ninh.

Ủy ban Quân vụ Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật với số phiếu ủng hộ là 25 và số phiếu phản đối là 2. Để trở thành luật chính thức, NDAA 2021 phải được điều chỉnh để phù hợp với dự luật của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, trước khi được Quốc hội thông qua và gửi tới Tổng thống Donald Trump để ký thành luật hoặc phủ quyết.

Xem thêm >> Tuyệt vọng đàm phán với Mỹ, Triều Tiên tuyên bố tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân

Tin mới lên