Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ông Biden dọa trừng phạt Nga, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục

(VNF) - Cuộc điện đàm mới nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine là thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Ông Biden dọa trừng phạt Nga, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục

Ảnh minh họa.

Ông Biden đe dọa trừng phạt nếu Nga có động thái với Ukraine

Ngày 31/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm dài 50 phút về các vấn đề liên quan tới Ukraine.

Theo ông Joe Biden, ông đã làm rõ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng động thái đối với Ukraine sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu, nơi căng thẳng đang tăng cao sau khi Nga tăng cường quân sự ở biên giới.

Đồng thời, thông qua cuộc hội đàm, tổng thống Nga cũng đã đồng ý về "ba hội nghị lớn" sắp tới, bao gồm cuộc họp an ninh Mỹ - Nga vào ngày 9 – 10/1, tiếp theo là phiên họp Nga - NATO vào ngày 12/1 và một hội nghị rộng hơn bao gồm Moscow, Washington và các nước châu Âu khác vào ngày 13/1 để giải quyết căng thẳng hiện có.

Đây là cuộc gọi do tổng thống Putin đề nghị và là lần thứ hai 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nga nói chuyện với nhau trong vòng ba tuần.

Theo truyền thông Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã nghiêm túc nói chuyện nhưng chưa đạt được tiến độ đáng kể đối với bất kỳ thoả thuận hay giải pháp nào.

Mỹ và các quốc gia châu Âu ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục

Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đã gây ra làn sóng lây nhiễm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, biến chủng này đã chiếm ưu thế và gây ra phần lớn số ca bệnh được ghi nhận tại Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Tính đến ngày 1/1/2022, toàn thế giới ghi nhận hơn 286 triệu ca nhiễm Covid-19, với 5,43 triệu ca tử vong. Số ca nhiễm bệnh toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong 7 ngày qua, với trung bình hơn 1.000.000 trường hợp được phát hiện mỗi ngày trên toàn thế giới từ ngày 24 – 30/12, tăng khoảng 100.000 ca so với mức cao nhất trước đó được công bố vào ngày 29/12, theo Reuters.

Mỹ lập kỷ lục mới về số trường hợp nhiễm Covid-19 hàng ngày sau khi báo cáo 647.067 ca nhiễm trong ngày 30/12/2021 và 1.400 trường hợp tử vong, đánh dấu lần đầu tiên nước này có số ca bệnh trong tuần vượt mốc 2 triệu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến chủng Omicron chiếm 58,6% tổng số trường hợp mắc bệnh Covid tại Mỹ.

Trong khi đó, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Síp và Malta đều ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục vào ngày 28/12. Theo thống kê của chính phủ, Anh đã ghi nhận 183.037 trường hợp mắc Covid-19, với khoảng 90% ca bệnh đều nhiễm biến chủng Omicron, trong khi Ailen cũng có tới 16.000 ca mắc mới trong ngày 28/12.

Ngày 31/12, Pháp ghi nhận kỷ lục 232.200 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Omicron trở thành chủng thống trị tại nước này. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Pháp ghi nhận trên 200.000 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày, với 62,4% ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ đầu tuần này là do chủng Omicron.

Trước khả năng lây lan nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng có trước thềm kỳ nghỉ năm mới, nhiều quốc gia đã buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và huỷ bỏ một số lễ hội tập trung đông người, bao gồm cả các lễ đón năm mới.

Mỹ phê duyệt đạo luật quốc phòng 770 tỷ USD

Ngày 27/12, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2022, cho phép chi 770 tỷ USD cho quốc phòng, theo thông báo từ Nhà Trắng.

Theo tổng thống Biden, "đạo luật cung cấp các lợi ích quan trọng và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho các quân nhân và gia đình của họ, đồng thời bao gồm các cơ chế quan trọng để hỗ trợ quốc phòng cho đất nước".

NDAA năm 2022 với khoản chi 770 tỷ USD bao gồm việc tăng lương 2,7% cho quân đội, mua thêm máy bay và tàu hải quân, đồng thời là chi phí cho các chiến lược đối phó với các mối đe dọa địa chính trị, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, dự luật chi 7,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và tuyên bố ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan, cũng như lệnh cấm Bộ Quốc phòng mua sắm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật quốc phòng năm 2022 trị giá 770 tỷ USD.

Trung Quốc ra mắt Sách Trắng về kiểm soát xuất khẩu

Ngày 29/12, Trung Quốc đã ban hành Sách trắng đầu tiên về kiểm soát xuất khẩu, bao gồm những quan điểm cơ bản và quy định về kiểm soát xuất khẩu, những cải tiến với hệ thống pháp luật, hiện đại hóa cơ chế kiểm soát và thúc đẩy trao đổi quan hệ đối tác quốc tế.

Sách Trắng của Trung Quốc nhằm chống lại các hành vi phân biệt đối xử trong thương mại và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Đáng chú ý, Trung Quốc dành riêng một mục để bày tỏ sự phản đối việc lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu – được cho là nhằm thẳng vào Mỹ.

“Không quốc gia hoặc khu vực nào được lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, áp đặt vô cớ các hạn chế phân biệt đối xử, áp dụng các tiêu chuẩn kép cho các vấn đề liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân, hoặc lạm dụng các cơ chế đa phương liên quan đến kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích phân biệt và loại bỏ”, trích Sách trắng.

Theo các quan chức bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM), hiện nay, kiểm soát xuất khẩu quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức bao gồm việc lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế phân biệt đối xử bất hợp lý – nhằm ám chỉ việc Mỹ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại hay vụ việc ban hành luật cấm nhập hàng hoá Tân Cương gần đây.

Xem thêm >> Trung Quốc cảnh báo ‘gã khổng lồ’ bán lẻ Mỹ vì loại bỏ sản phẩm Tân Cương

Tin mới lên