Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ông Tập cam kết thống nhất Đài Loan, ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng vọt

(VNF) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ‘tái thống nhất’ Đài Loan; Slovakia bán lại hầu hết số vaccine Sputnik-V đã mua cho Nga; 130 quốc gia ủng hộ đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với nhiều quan chức chính quyền quân sự Myanma là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Ông Tập cam kết thống nhất Đài Loan, ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng vọt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ‘tái thống nhất’ Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ‘tái thống nhất’ Đài Loan

Phát biểu tại lễ mừng đảng Cộng Sản Trung Quốc tròn 100 tuổi ngày 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa việc tái thống nhất hoàn toàn của tổ quốc là “nhiệm vụ lịch sử vững chắc của đảng Cộng sản Trung Quốc và là nguyện vọng chung của toàn bộ người dân Trung Quốc".

“Toàn bộ người con Trung Quốc, cả nam lẫn nữ, kể cả các đồng bào ở hai bên bờ eo biển Đài Loan, phải làm việc cùng nhau và hướng tới đoàn kết, tuyệt đối đập tan bất kỳ âm mưu ‘độc lập Đài Loan’”, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Đáp lại tuyên bố này của ông Tập Cận Bình, Hội đồng đại lục sự vụ của Đài Loan (MAC) cùng ngày tuyên bố người dân Đài Loan lâu nay bác bỏ "nguyên tắc một Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh nên thôi dọa dẫm quân sự và đối thoại với Đài Loan dựa trên cơ sở bình đẳng.

“Quyết tâm của chính quyền chúng tôi là bảo vệ vững chắc chủ quyền và nền dân chủ cũng như tự do của Đài Loan, và duy trì hòa bình, ổn định xuyên eo biển Đài Loan không thay đổi”, MAC tuyên bố.

Slovakia bán lại hầu hết số vaccine Sputnik-V đã mua cho Nga

Theo phát ngôn viên của Bộ Y tế Slovakia Zuzana Eliasova, Slovakia đã bán lại cho Nga 160.000 liều vaccine Sputnik-V do người dân nước này không muốn tiêm vaccine chưa được EU phê duyệt.

Trước đó, hồi tháng 3, Slovakia đã mua 200.000 liều vaccine Sputnik-V của Nga với giá 9,95 USD/liều. Hiện Slovakia đã bán lại cho Nga với đúng mức giá này.

Ngoài việc người dân thờ ơ với vaccine Sputnik-V, việc số vaccine này có nguy cơ hết hạn cũng là một nguyên nhân khiến Slovakia trả lại cho Nga. Theo số liệu của Bộ Y tế Slovakia, cho đến nay mới chỉ có 10.500 người được tiêm 1 mũi Sputnik-V và 8.000 người khác đang chờ tiêm.

Slovakia đã do dự trong nhiều tháng về việc sử dụng Sputnik-V vì nó chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép. SUKL, Cơ quan Dược phẩm Slovakia đã từ chối đưa ra khuyến nghị sử dụng Sputnik- V, với lý do không đủ dữ liệu từ nhà sản xuất.

Giao dịch mua Sputnik-V đã gây nhiều rắc rối cho Thủ tướng Slovakia khi đó, ông Igor Matovic, người đã mua vaccine mà không thông báo cho các đối tác liên minh với đảng của mình. Ông buộc phải từ chức, mặc dù đã trở lại nội các mới với tư cách bộ trưởng tài chính.

130 quốc gia ủng hộ đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 1/7 cho biết đã có 130 quốc gia đồng ý với đề xuất áp thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của Mỹ, một phần trong cuộc đàm phán nhằm cải cách các quy định thuế trên toàn cầu.

Mức thuế tối thiểu được thống nhất đưa ra là ít nhất 15%, một ý tưởng đã được chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các bên tham gia đàm phán sẽ tiếp tục hoàn thiện các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế vào tháng Mười, hướng tới mục tiêu hoàn thiện vào năm 2023.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách 130 thành viên đồng thuận của OECD.

Nếu được áp dụng rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế như Ireland, British Virgin Islands đặt trụ sở, trong khi hoạt động, khách hàng và nhân viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.

Theo kế hoạch cải cách thuế này, các doanh nghiệp sẽ bị áp thuế của nơi họ hoạt động kinh doanh, chứ không phải theo nơi họ đặt trụ sở như hiện nay.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese ngày 2/7 cho biết thỏa thuận này sẽ giúp tạo động lực thúc đẩy Tổng thống Joe Biden tăng thuế suất doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp tăng doanh thu cần thiết cho một loạt khoản đầu tư.

Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với nhiều quan chức chính quyền quân sự Myanmar

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/7 thông báo Bộ Tài chính nước này đã xếp 22 cá nhân liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar vào danh sách trừng phạt.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, 7 người trong số này là thành viên chính quyền quân sự Myanmar, bị cáo buộc tiếp tục đàn áp phong trào biểu tình phản cuộc chính biến hôm 1/2.

Trong số các quan chức bị trừng phạt có Bộ trưởng Thông tin Chit Naing, Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Aung Naing Oo, Bộ trưởng Lao động, Nhập cư và Dân số Myint Kyaing, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Thet Thet Khine và ba thành viên của Hội đồng Hành chính Quốc gia.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt đối với 15 thành viên gia đình, bao gồm vợ, chồng hoặc con cái của các quan chức cấp cao quân đội Myanmar.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, toàn bộ tài sản tại Mỹ cùng lợi ích của 22 người trong danh sách chịu lệnh trừng phạt sẽ bị phong tỏa, trong đó bao gồm tất cả tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ mức 50% trở lên.

Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Myanmar sau cuộc chính biến của quân đội nước này hồi tháng 2.

Ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng vọt sau 10 tuần giảm, WHO chỉ trích Euro 2020

Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu đã tăng vọt trở lại trong 1 tuần qua sau hơn 2 tháng giảm liên tiếp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích chính Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2020 khiến tỉ lệ lây nhiễm tăng vọt.

WHO chỉ ra việc các cổ động viên tụ tập trong và ngoài sân vận động, quán bar và khu vực xem bóng đá trên khắp châu Âu đã làm gia tăng tốc độ lây nhiễm.

WHO đã từng cảnh báo việc nới lỏng giãn cách xã hội và các cổ động viên di chuyển giữa các quốc gia sẽ làm tăng tỷ lệ lây nhiễm bởi sẽ có rất nhiều người mang mầm bệnh và những người chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Tại các quốc gia tổ chức các trận đấu, số người được phép vào sân vận động khác nhau phụ thuộc vào quy định hạn chế của mỗi nước. Cụ thể, tại Budapest, chính quyền cho phép số lượng người đến xem gần như 100% sức chức của sân vận động, với 60.000 người. Trong khi đó, tại các nơi khác, tỷ lệ người đến xem được phép dao động từ 25 đến 45%, rơi vào khoảng 10.000-15.000 khán giả.

Theo WHO, các diễn biến này trên thực tế đang đẩy châu Âu bước vào các giai đoạn đầu tiên của làn sóng dịch thứ 4.

Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh của khối Liên minh châu Âu (EU) ECDC ước tính biến thể Delta có thể liên quan đến 90% ca nhiễm đến cuối tháng 8 này.

Xem thêm >> Nhật Bản: Chủ tịch Mitsubishi, Toshiba vướng loạt bê bối

Tin mới lên