Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ông Trump bị điều tra luận tội, Mỹ-Trung vẫn ‘nhì nhằng’ trước đàm phán

(VNF) - Hạ Viện Mỹ tiến hành cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump; Thủ tướng Anh bị toà tuyên vi phạm luật khi tư vấn cho Nữ hoàng Anh dừng hoạt động của quốc hội; Singapore đồng ý cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự thêm 15 năm... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (23-29/9).

Thế giới tuần qua: Ông Trump bị điều tra luận tội, Mỹ-Trung vẫn ‘nhì nhằng’ trước đàm phán

Tin thế giới tuần qua: Ông Trump bị điều tra luận tội, Mỹ-Trung vẫn ‘nhì nhằng’ trước đàm phán

Mỹ sẽ sử dụng cơ sở quân sự Singapore thêm 15 năm

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23/9 đã ký thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia hạn thời gian sử dụng các căn cứ quân sự tại Singapore thêm 15 năm.

Bản ghi nhớ là cơ sở để quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân của Singapore, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ về hậu cần cho việc vận chuyển quân, máy bay và tàu chiến Mỹ trong khu vực. Văn bản này đánh dấu sự hiện diện an ninh của Mỹ tại khu vực trong gần 30 năm qua.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Trump ngày 23/9 đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự của Singapore thêm 15 năm.

Trước đó, bản ghi nhớ đầu tiên (MoU) đã được ký kết giữa Thủ tướng Singapore, khi đó là ông Lý Quang Diệu, và Phó tổng thống Mỹ Dan Quayle vào năm 1990.

Theo Bộ Quốc phòng Singapore,  việc hai nước ký thỏa thuận gia hạn đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Singapore đối với sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Singapore thì cho rằng dự kiện này khẳng định sự cam kết của hai nước đối với hợp tác song phương lâu dài trong lĩnh vực quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị điều tra luận tội

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24/9 tuyên bố tiến hành cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump, sau áp lực gia tăng từ các thành viên đảng Dân chủ.

Bà Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội đất nước bằng cách thúc giục Ukraine điều tra ứng viên tranh cử tổng thống Joe Biden. Theo bà Pelosi, đây là cách ông Trump mượn quyền lực để triệt tiêu đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử 2020.

Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, từng làm việc với công ty năng lượng Burisma Holdings của Ukraine. Joe Biden bị cáo buộc đã tìm cách sa thải công tố viên Ukraine Viktor Shokin, người lúc đó đang điều tra các giao dịch kinh doanh của Hunter. Ông Shokin sau đó bị bãi nhiệm vào tháng 3/2016.

Bình luận bên lề kỳ họp Liên Hiệp Quốc ngày 25/9, Tổng thống Trump thừa nhận đã thảo luận về ông Biden với Tổng thống Ukraine nhưng khẳng định nội dung thảo luận hoàn toàn phù hợp và rất thân thiện.

Ông Trump phủ nhận đã gây áp lực lên Tổng thống Ukraine và gọi cuộc điều tra là “màn săn phù thủy lớn nhất lịch sử Mỹ”.

Mỹ-Trung “nhì nhằng” trước đàm phán

Mỹ và Trung Quốc trong tuần qua liên tiếp có những động thái khi thì xoa dịu, khi lại cứng rắn trước thềm đàm phán thương mại cấp cao sẽ diễn ra vào tháng tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 26//9 tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ nếu hai nước “có biện pháp nhiệt thành hơn” chứng tỏ thiện chí và giảm “hành động bi quan” trong cuộc chiến thương mại.

Trước đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc ngày 23/9 đã quyết định mua 10 lô đậu nành của Mỹ (khoảng 600.000 tấn).

Về phía Mỹ, Bộ Tài chính nước này ngày 25/9 đã áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới Iran đối với 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc, trong đó có hai công ty con của Tập đoàn Vận tải Cosco, hãng vận tải biển lớn thứ ba thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Đáp trả động thái này của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 26/9 tuyên bố Trung Quốc cực kỳ phẫn nộ và kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc.

Trong Sách trắng được công bố ngày 28/9, Bắc Kinh cho rằng Washington "không thể duy trì sức mạnh của mình bằng cách kiềm chế và đàn áp các quốc gia khác, hoặc đẩy những căng thẳng trong nước ra bên ngoài".

Theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ với Trung Quốc dự kiến sẽ diễn trong tuần thứ hai của tháng 10, ngay trước thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc. 

Trong khi đó, hãng tin CNBC dẫn 3 nguồn giấu tên cho biết các cuộc họp giữa hai bên sẽ diễn ra từ ngày 9-10/10. 

Thủ tướng Anh bị toà tuyên vi phạm luật, đối mặt với áp lực từ chức

Toà án tối cao nước Anh vừa tuyên bố Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hành động trái luật khi tư vấn cho Nữ hoàng Anh dừng hoạt động của quốc hội vài tuần trước thời điểm Brexit, vì thế quyết định đình chỉ không có hiệu lực.

Phán quyết mở đường cho các nhà lập pháp Anh trở lại làm việc tại quốc hội, nơi ông Johnson không có đa số ủng hộ. Phán quyết có thể trao cho các nghị sĩ cơ hội ngăn cản kế hoạch của ông Johnson về việc đưa nước Anh ra khỏi EU mà không có thoả thuận.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

“Việc khuyên Nữ hoàng ngừng hoạt động của quốc hội là trái pháp luật vì nó làm nản lòng hoặc ngăn chặn khả năng của quốc hội trong việc thực hiện chức năng theo hiến pháp mà không có lý do thoả đáng nào”, Thẩm phán toà tối cao Brenda Hale tuyên bố.

Trước đó, ông Johnson đình chỉ quốc hội từ ngày 10/9 đến 14/10. Quyết định này được Nữ hoàng Elizabeth chấp nhận, với sự tư vấn của Thủ tướng.

Một số nhà làm luật, trong đó có cả những người bị đẩy ra khỏi đảng Bảo thủ vì phản đối kế hoạch Brexit của ông Johnson, nói rằng Thủ tướng nên từ chức vì đã đánh lừa Nữ hoàng.

Mỹ không cấp thị thực cho 10 nhà ngoại giao, Nga tuyên bố đáp trả mạnh mẽ

Trả lời phỏng vấn tờ "Doanh nhân" của Nga ngày 25/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết 10 nhà ngoại giao Nga bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ, trong đó có cả Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của cả hai viện Quốc hội Nga, người đã thăm Mỹ rất nhiều lần trước đó.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Theo ông Lavrov, năm ngoái Nga đã đồng ý cấp thị thực cho Thượng nghị sĩ Ron Johnson, người có tên trong danh sách bị trừng phạt của Nga, với điều kiện Mỹ sẽ có động thái tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ đã không thực hiện các cam kết đã đặt ra.

Ngoại trưởng Nga khẳng định, phía Nga đã có động thái phản đối ngay khi Mỹ từ chối cấp thị thực. Ông cho rằng thái độ của phía Mỹ là không phù hợp và Nga sẽ có phản ứng mạnh mẽ.

Nga ngày 24/9 đã triệu Đại sứ Mỹ tại Moscow đến để phản đối việc này. Tuy nhiên, truyền thông Nga đưa tin Phó Đại sứ Mỹ đã thay ông Huntsman tới trụ sở Bộ Ngoại giao Nga.

Xem thêm >> Mỹ tính hủy niêm yết công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán

Tin mới lên