Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Phó tổng thống Mỹ lên đường thăm Việt Nam, nhiều nước 'chìa tay' với Taliban

(VNF) - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên đường bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á; AstraZeneca công bố hiệu quả của thuốc kháng thể ngăn Covid-19; Mỹ-Nga căng thẳng vì Dòng chảy phương Bắc 2; nhiều nước ‘chìa tay’ với Taliban là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Phó tổng thống Mỹ lên đường thăm Việt Nam, nhiều nước 'chìa tay' với Taliban

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Phó Tổng thống Mỹ lên đường bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bắt đầu chuyến công du tới Singapore và Việt Nam vào đêm 20/8 (theo giờ Mỹ).

Theo kế hoạch, bà Harris sẽ thăm Singapore từ ngày 22-24/8, trong đó dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long.

Khả năng bà cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng vạch ra tương lai cho mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực đang ngày càng chịu áp lực từ Trung Quốc.

Sau đó, Phó tổng thống Mỹ sẽ lên đường đến Việt Nam chiều 24/8 và kết thúc chuyến thăm vào ngày 26/8.

Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết những chủ đề thảo luận trong chuyến thăm của bà Harris là các vấn đề y tế toàn cầu, quan hệ đối tác kinh tế và an ninh cùng các vấn đề khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á lần này, bà Harris sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng y tế các nước ASEAN và thông báo về việc ra mắt văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực. Tuy nhiên, không rõ thời gian và địa điểm diễn ra các chương trình này.

AstraZeneca công bố hiệu quả của thuốc kháng thể ngăn Covid-19

AstraZeneca, một công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đa quốc gia của Anh-Thụy Điển, ngày 20/8 đã thông báo các kết quả thử nghiệm của một liệu pháp kháng thể mới cho thấy khả năng phòng và điều trị Covid-19.

Theo AFP, loại thuốc mới có tên AZD7442, được bào chế từ hỗn hợp của hai loại kháng thể, lúc đầu được phát triển làm phương thuốc điều trị cho những người đã phơi nhiễm Covid-19.

Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 5.197 người, bắt đầu từ tháng 11/2020, với mục tiêu kiểm tra xem liệu loại thuốc kháng thể của AstraZeneca phát triển có thể ngăn lây nhiễm ở những nhóm nguy cơ cao hay không. Thử nghiệm diễn ra ở Mỹ, Anh, Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha.

Theo thông báo của AstraZeneca, hơn 75% số người tham gia thử nghiệm mắc các bệnh mãn tính, bao gồm một số bệnh liên quan đến suy giảm phản ứng miễn dịch.

Với kết quả thử nghiệm trên, AZD7442 có thể là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho chương trình phát triển thuốc AZD7442 và đã đạt thỏa thuận sẽ nhận được 700.000 liều thuốc này.

Mỹ-Nga căng thẳng vì Dòng chảy phương Bắc 2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/8 cho biết nước này đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 1 tàu và 2 cá nhân Nga có liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga.

Mỹ công bố các lệnh trừng phạt trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Nga và dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một trong những nội dung trọng điểm trong chuyến thăm.

Ngày 20/8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Anatoly Antonov nhấn mạnh Mỹ luôn tìm cách ngăn cản sự phát triển hợp tác bình thường về năng lượng giữa Nga và châu Âu.

Đại sứ Nga cũng cáo buộc rằng các hành động đơn phương của Mỹ là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà cung cấp năng lượng và công nghệ của Washington.

Ấn Độ phê duyệt khẩn cấp vaccine bằng công nghệ ADN đầu tiên thế giới

Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ ngày 20/8 thông báo cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 ZyCoV-D do hãng Zydus Cadila sản xuất. Đây là loại vaccine sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới dành cho trẻ em trên 12 tuổi và người trưởng thành. 

Vaccine ZyCoV-D sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus chứa chỉ dẫn, dưới dạng ADN hoặc ARN, để tạo ra loại protein gai, cơ chế mà virus dùng để bám vào người, qua đó kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch nhận ra và phản ứng lại.

Vaccine ADN đưa vào cơ thể một chuỗi ADN mã hóa kháng nguyên cụ thể để khởi động quá trình phản ứng miễn dịch. Công nghệ này được đánh giá nâng cao tính ổn định và độ tin cậy, đảm bảo an toàn do không chứa bất cứ tác nhân gây bệnh nào và có chi phí thấp khi sản xuất số lượng lớn.

Khác với hầu hết các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện có cần 1 đến 2 mũi, vaccine ZyCoV-D được chia thành 3 mũi. 

Zydus Cadila cho biết loại vaccine này giữ được "trạng thái ổn định tốt” ở 25 độ C trong ít nhất 3 tháng.

Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ 6 được cấp phép sử dụng tại Ấn Độ, bên cạnh vacccine Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson, Sputnik và Covaxin của hãng dược phẩm nội địa Bharat Biotech.

Nhiều nước ‘chìa tay’ với Taliban

Trong khi Mỹ và đồng minh đe dọa sẽ tung loạt động thái mạnh tay với Taliban sau khi chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, thì vẫn có một số nước như Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan vẫn tỏ ý sẵn sàng hợp tác với lực lượng này.

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov ngày 17/8 đã gặp đại diện của Taliban để thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho tòa nhà đại sứ quán. Trong buổi phỏng vấn sau đó, ông Zhirnov ca ngợi đây là cuộc gặp "tích cực, mang tính xây dựng" và Taliban đã hành xử "văn minh, có trách nhiệm".

Cùng ngày, phát biểu tại Kaliningrad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông nhận thấy "dấu hiệu tích cực" từ Taliban, đặc biệt khi lực lượng từng bị coi là cực đoan này công khai cam kết tôn trọng những ý kiến khác biệt.

Trung Quốc dường như cũng đang thể hiện thái độ cởi mở với Taliban.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc với Taliban trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Afghanistan và ý chí của tất cả các bên ở nước này, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề chính trị tại Afghanistan.

Tương tự Trung Quốc và Nga, Iran đã tiếp các phái đoàn của Taliban vào thời điểm lực lượng này chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc tiến công tại Afghanistan, kêu gọi thiết lập mối quan hệ làm việc.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi hôm 17/8 thông báo đại sứ quán của họ ở Kabul "đang mở toàn bộ dịch vụ lãnh sự cho tất cả", bao gồm những cơ quan đại diện, tổ chức, hãng truyền thông và các gia đình.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Pakistan Chaudhry Fawad Hussain phát biểu trước báo giới rằng Islamabad sẽ tham vấn các nước khác trước khi đề nghị công nhận chính phủ do Taliban cầm quyền, tương tự hồi thập niên 1990.

Xem thêm >> Mỹ ưu tiên gì trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore của Phó tổng thống Kamala Harris?

Tin mới lên